Nuôi cá lồng bè Cát Bà: Cải thiện đời sống ngư dân
Nghề nuôi hải sản lồng bè ở các vịnh đảo Cát Bà (huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng) đã giúp cải thiện đời sống cho những ngư dân nơi đây.
Sau khi thực hiện việc "Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030" qua cơ cấu và tổ chức lại nuôi trồng một cách hợp lý, ngư dân Cát Bà đã xác định được những bước đi và giải pháp phù hợp để chủ động trong tận dụng lợi thế, cơ hội để phát triển ổn định, bền vững ngành thuỷ sản, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và mọi nguồn lực đầu tư phát triển nuôi biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nghề nuôi lồng bè ở Cát Bà
Nghề nuôi hải sản lồng bè ở các vịnh đảo Cát Bà (huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng) đã giúp cải thiện đời sống cho những ngư dân nơi đây.
Không chỉ vậy, các hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Cát Bà còn đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của huyện Cát Hải, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn khi cá song, đối tượng nuôi chủ lực của các lồng bè ở Cát Bà cho giá trị cao. Đặc biệt khoảng 2 năm trở lại đây, cá song lai là loại thủy sản mới được ưa chuộng bởi có nhiều ưu điểm về sinh trưởng và dễ tiêu thụ, giá cả ổn định.
Nghề đổi đời cho ngư dân các vịnh đảo Cát Bà
Ông Nguyễn Văn Minh, một trong những chủ bè đầu tiên đưa cá song lai vào nuôi ở vịnh Lan Hạ cách đây 3 năm, hiện có gần 50 ô lồng nuôi cá phấn khởi cho biết, từ đầu năm đến nay, bè của ông đã xuất bán được 2 tỷ đồng, từ nay đến cuối năm sẽ xuất bán tiếp khoảng 3 tỷ đồng.
Việc nuôi hải sản đã giúp cải thiện cho nhiều ngư dân đảo Cát Bà
Theo ông Minh, ngoài điều kiện tự nhiên ít rủi ro, khu vực vịnh Lan Hạ cũng là nơi có cảng tàu cá neo đậu, vì vậy nguồn cung cá tạp (thường là cá trích, cá nục) dùng làm nguyên liệu cho nuôi cá lồng rất dồi dào. Hiện, bè của ông có trên 7.000 con song lai đã đến kỳ thu hoạch.
Ông phân tích, ưu điểm của song lai là khả năng nuôi mật độ cao, trung bình cá trưởng thành có thể tới 500 con/ô lồng (kích cỡ ô lồng 3x3x3m), mỗi ô lồng có thể nuôi tới 1-1,5 tấn cá/lứa. Song lai cũng là đối tượng dễ nuôi, ít bị bệnh, chi phí thức ăn trung bình từ 6-7 kg thức ăn/kg tăng trọng, sau 2 năm nuôi, song lai có thể đạt trọng lượng từ 2,5-3 kg/con, với giá trung bình 200 nghìn đồng/kg, trừ hao hụt và chi phí các loại, có thể lãi tới 40% trên tổng chi phí đầu tư.
Ngư dân phấn khởi bắt cá Song lai
Các loại thủy sản nuôi khá đa dạng, nhưng lợi nhuận trung bình cũng phải từ 30-40% trên tổng đầu tư. Bình quân mỗi bè có từ 30-50 ô lồng, mỗi năm cũng phải lãi từ 300-500 triệu đồng mới bõ công nuôi. Những tháng gần đây, thương lái thường đến tận bè để mua nhưng do các hộ dân có số lượng cá hạn chế nên mỗi ngày, thương lái chỉ thu mua được khoảng 4-5 tấn cá.
Khoảng 2 tháng qua, hoạt động buôn bán và nuôi trồng thủy sản tại các lồng bè ở Cát Bà diễn ra náo nhiệt hơn bình thường. Nhất là sau Tết Nguyên đán 2023, thương lái mua cá nhiều, các hộ ngư dân đã bán được toàn bộ số cá tồn dư và đã thả được hàng vạn con giống mới.
"Hơn 20 năm nuôi cá lồng bè ở Cát Bà, chưa năm nào bán cá được như năm nay. Có bao nhiêu thì thương lái thu mua hết bấy nhiêu, họ mua tận nơi với giá cao", ông Minh nói.
Gia đình ông Nguyễn Văn Minh bán cá cho thương lái ngay tại bè
Kết quả trên có được nhờ ngư dân áp dụng đúng quy chuẩn kỹ thuật mới đối với lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên vùng biển đảo Cát Bà, theo đúng quy định của Chi cục Thủy sản Hải Phòng và UBND huyện Cát Hải như đảm bảo an toàn, đảm bảo vệ sinh, sức khỏe; bảo vệ môi trường, bảo vệ động, thực vật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, các vật liệu, thiết bị, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi trồng, thiết kế lồng, bè phải đảm bảo dễ vệ sinh, khử trùng, dễ di dời, lắp đặt, chịu được sóng gió, an toàn cho người lao động.
Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, thời gian tới, theo hướng dẫn của Sở NN-PTNT, các cơ sở nuôi trồng được khuyến khích ưu tiên sử dụng vật liệu làm lồng, phao nổi bằng nhựa HDPE, còn động cơ và thiết bị, máy móc phải đảm bảo không rò rỉ xăng, dầu ra môi trường.
Hoàng VânQuý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.