Ô nhiễm vi nhựa từ Việt Nam nhìn ra Thế giới
Các nhà khoa học đã phát hiện hàm lượng vi nhựa có trong nước tại sông Sài Gòn. Các hạt vi nhựa trôi nổi với kích thước siêu nhỏ này có thể dễ dàng bị tôm, cá, ngao hấp thu. Chúng tích tụ lại trong ruột sinh vật và khó có thể bị đào thải qua đường tiêu hóa.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Trong 39 mẫu muối ăn từ 21 quốc gia trên thế giới được tổ chức phi Chính phủ Greenpeace tiến hành kiểm tra năm 2018, chỉ có 3 loại an toàn, còn lại đều bị nhiễm vi nhựa. Hơn 90% muối ăn trên thế giới chứa vi nhựa, trong số này, các loại muối được bán ở châu Á có nồng độ vi nhựa cao nhất và muối biển là loại muối chứa nhiều vi nhựa nhất, sau đó đến muối hồ và muối đá. Greenpeace ước tính nếu một người lớn tiêu thụ khoảng 10g muối mỗi ngày sẽ đưa vào cơ thể 2.000 hạt vi nhựa mỗi năm.
Vi nhựa là gì? Tại sao chúng lại nguy hiểm?
Với kích thước siêu nhỏ gọn dưới 5mm, được sinh ra từ các vật phẩm nhựa lớn hơn bị vỡ nhỏ nhưng chủ yếu từ các mặt hàng tiêu dùng chứa hạt microbead như kem đánh răng, xà phòng, sữa rửa mặt tẩy tế bào chết. Các hạt này theo đường thoát nước đổ ra suối, sông và cuối cùng tập trung ra biển. Chính vì kích thước siêu nhỏ gọn nên chúng dễ dàng phát tán, chỉ trong một thời gian ngắn, từ môi trường đất, không khí và nước, vi nhựa đã có mặt khắp nơi, gây ra tình trạng ô nhiễm vi nhựa ngày càn lan rộng làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống.
Thống kê trên thế giới lượng rác thải bị rò rỉ, tồn tại trong môi trường mỗi năm
Theo báo cáo của Albert Koelmans, một nhà khoa học môi trường tại Đại học Wageningen tại Hà Lan cùng nhóm nghiên cứu của mình đã thực hiện một cuộc khảo sát hạn chế tại Hà Lan về vi nhựa trong không khí, nước, muối và thủy hải sản năm 2018. Kết quả cho thấy, chúng ta vô tình ăn hàng chục đến hơn 100.000 hạt vi nhựa mỗi ngày. Số lượng vi nhựa chúng ta ăn trong một tuần là 5 gram tương đương một muỗng cafe.
Mức độ ô nhiễm vi nhựa tại Việt Nam
Tiến sĩ Kiều Lê Thủy Chung & Tiến sĩ Émilie Strady tại phòng phân tích mẫu nước khu vực châu Á
Theo Tiến sĩ Kiều Lê Thủy Chung, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong suốt 2 năm qua bà cùng Tiến sĩ Émilie Strady, Viện Nghiên cứu vì sự phát triển của Pháp đã tiến hành lấy các mẫu nước trên sông Sài Gòn, các mẫu nước này được phân tích tại Trung tâm Phân tích về nước khu vực châu Á. Kết quả cho thấy, đã phát hiện hàm lượng vi nhựa có trong nước tại sông Sài Gòn. Các hạt vi nhựa trôi nổi với kích thước siêu nhỏ này có thể dễ dàng bị tôm, cá, ngao hấp thu. Chúng tích tụ lại trong ruột sinh vật và khó có thể bị đào thải qua đường tiêu hóa.
Ảnh tại phòng phân tích nước tại Trung tâm Phân tích về nước khu vực châu Á
Cũng theo kết quả nghiên cứu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, các loài sinh vật biển và chim biển thường ăn nhựa và vi nhựa do nhầm lẫn đó là thức ăn, lâu dần khi dạ dày không có chỗ chứa, chúng sẽ chết do trong bụng chứa đầy nhựa và vi nhựa.
Một cách khác, các loài sinh vật phù du sẽ ăn vi nhựa, cá bé lại ăn sinh vật phù du và bị nhiễm nhựa, cá lớn lại ăn cá bé và bị nhiễm vi nhựa, lâu dần cũng sẽ chết. Vì thế, số lượng sinh vật biển giảm đi đáng kể, rõ rệt. Bên cạnh đó, con người ăn các loài sinh vật biển sẽ tích lũy vi nhựa trong cơ thể.
Theo thống kê, cứ trong 5 gram muối có 3 hạt vi nhựa, 1 lít nước đóng chai dùng 1 lần có 28 - 241 hạt vi nhựa, 1 suất ăn hải sản trung bình có 90 hạt nhựa, thậm chí có khoảng 70 nghìn hạt nhựa nhỏ rơi xuống bàn ăn của chúng ta mỗi lần ăn...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mai Hương - Phó khoa Nước, Môi trường và Hải dương học (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) cho biết, nhóm nghiên cứu của trường đã thực hiện lấy mẫu trên 2 hồ của Hà Nội là hồ Tây (hồ tự nhiên) và hồ Yên Sở. Qua kết quả ban đầu phân tích động vật đáy, trầm tích, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hồ trên có sự ô nhiễm và có hàm lượng vi nhựa lớn, chủ yếu phát sinh từ rác thải sinh hoạt và việc xử lý rác thải.
PGS. TS Phạm Thị Anh, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Môi trường và Giao thông, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, mỗi ngày TP.HCM phải xử lý khoảng hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt từ hơn 1,9 triệu hộ gia đình và trên 134.000 hộ kinh doanh thương mại. Hiện nay chúng ta vẫn chưa thực sự thành công trong việc phân loại rác thải tại nguồn do nhiều nguyên nhân: Do cơ sở hạ tầng, quản lý chất thải rắn, xe phân loại, do hệ thống xử lý rác thải và chưa có khung pháp lý về các chế tài xử phạt. Điều này gây khó khăn trong việc phân loại rác thải tiêu hủy, rác thải chôn lấp, dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ đối với môi trường sống.
Để hạn chế mức độ ô nhiễm vi nhựa, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định pháp luật về môi trường, các chế tài xử lý vi phạm thì việc tự giác thay đổi ý thức, hành vi của mỗi người dân là then chốt trong việc giảm thiểu tác hại của vi nhựa, rác thải đối với môi trường.
(Link video: https://www.youtube.com/watch?v=KT7sioAbvLA)
Ảnh hưởng của vi nhựa tới sức khỏe
Mặc dù chưa có nghiên cứu nào chỉ ra những hạt vi nhựa sẽ gây hại cho sức khỏe con người. Nhưng việc vô tình cơ thể chúng ta hấp thu một lượng lớn nhựa đang là nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe, bởi lẽ thành phần Phtalate, một hóa chất để làm nhựa dẻo – đã được chứng minh gia tăng tỉ lệ tế bào ung thư trên cơ thể động vật.
Mặt khác, trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Uppsala, Thụy Điển cho biết, sau khi trải qua việc theo dõi các cá thể cá rô sinh sống trong khu vực tồn tại nhiều hạt vi nhựa, việc thường xuyên phải tiêu thụ vi nhựa khiến cho ấu trùng cá rô có những biểu hiện thay đổi về mặt hành vi khiến chúng chậm phát triển, dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng đáng kể, số lượng cá trong giai đoạn trưởng thành cũng vì thế mà ngày càng sụt giảm. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng ấu trùng cá rô một khi đã tiêu thụ vi nhựa thì có xu hướng thích ăn đồ nhựa hơn các nguồn thức ăn tự nhiên khác của sinh vật biển phù du.
Hay như báo cáo kết quả sau 2 năm nghiên cứu của nhóm nghiên cứu tại Đại học Loyola Chicago – Mỹ đã chỉ ra sự thay đổi của các 72 loài cá sống trong vùng thí nghiệm bị ảnh hưởng bởi vi nhựa tại hồ Michigan, Mỹ. Các nhà nghiên cứu đo lường sự phong phú và thành phần của vi nhựa trong cá. Theo đó, cá bống tròn có nồng độ vi nhựa trong ruột cao nhất (19 hạt/ 1 cá thể). Sau khi ăn vào, vi nhựa không bị hòa tan bởi dịch tiêu hóa, chúng tồn tại và làm giảm sự đồng hóa chất dinh dưỡng. Dẫn đến tắc nghẽn đường tiêu hóa và kích thích lớp biểu mô, gây ra bệnh như về đường ruột.
Khang KhanhTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.