OCOP: Đưa hương vị "nắng và gió" Ninh Thuận bay xa

Sản phẩm - Dịch vụ
03:56 PM 08/09/2023

Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong vùng khô hạn nhất Việt Nam, với bờ biển dài hơn 105 km tạo cho Ninh Thuận có những sản phẩm đặc thù. Từ đó, các sản phẩm OCOP của Ninh Thuận dường như cũng đặc biệt hơn, đậm đà hương vị vùng đất đầy nắng gió này.

Sản phẩm OCOP - Đậm đà hương vị vùng đất Trung bộ

Vừa trở về sau chuyến du lịch Ninh Thuận cùng gia đình, chị Trần Thu Huyền (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) liền mang đặc sản của vùng đất này tặng cho người thân, bạn bè. Chị hào hứng giới thiệu các sản phẩm mà chị đã được thưởng thức tại Ninh Thuận: nào là các sản phẩm từ thịt dê, thịt cừu mang thương hiệu Triệu Tín, mứt rong sụn Cô 5, rượu vang Ba Mọi, táo sấy Thái Thuận, nước mắm truyền thống Cana… đây đều là những sản phẩm OCOP nổi tiếng của Ninh Thuận, mang đậm hương vị vùng đất Trung bộ đầy nằng và gió.

Thời gian vừa qua, tỉnh Ninh Thuận có rất nhiều các sản phẩm đặc thù có chất lượng cao, đạt chứng nhận OCOP. Điều này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng tầm thương hiệu đặc sản của địa phương. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đã được người tiêu dùng trong cả nước đánh giá cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.

Ông Lê Tiến Dũng, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Thuận) cho biết: Nhằm phát huy lợi thế của những loại cây trồng, vật nuôi đặc thù chỉ có ở vùng khô nóng, những năm qua, Ninh Thuận đã tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị và tôn vinh các loại nông sản chủ lực của tỉnh như các sản phẩm nho, táo, măng tây xanh, dưa lưới, hành, tỏi, nước mắm, dê, cừu… Những sản phẩm nay có giá trị kinh tế và có tính cạnh tranh cao trên thị trường. 

Trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Thuận tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP tình Ninh Thuận.

Trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Thuận tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP tình Ninh Thuận.

Đến năm 2022, toàn tỉnh có 134 sản phẩm OCOP cấp tỉnh của 54 chủ thể đã được công nhận, trong đó có 8 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 19 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 4 sao và 107 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao.

Năm 2023, UBND các huyện thị trong tỉnh đã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn hướng dẫn chủ thể sản xuất đăng ký ý tưởng sản phẩm và kế hoạch kinh doanh để tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp huyện dự kiến có 48 sản phẩm. Điển hình như huyện Ninh Phước có 13 sản phẩm mới đăng ký đánh giá, phân hạng trong năm 2023. Huyện Ninh Hải có 11 sản phẩm mới đăng ký đánh giá, phân hạng. Huyện Thuận Bắc có 3 sản phẩm mới. Huyện Thuận Nam có 14 sản phẩm mới. Huyện Bác Ái có 7 sản phẩm mới đăng ký đánh giá.

Các sản phẩm OCOP của Ninh Thuận khá đa dạng. Trong đó, nhóm thực phẩm gồm: Nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác chiếm tỷ lệ 82,08%. Nhóm đồ uống gồm: Đồ uống có cồn và đồ uống không cồn chiếm tỷ lệ 14,92%. Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren… làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng chiếm tỷ lệ 1,492%. Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch là 2 sản phẩm (chiếm tỷ lệ 1,492%). Đó là Du lịch sinh thái vườn Quốc gia Núi Chúa của Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường, Vườn Quốc Gia Núi Chúa được xếp hạng 4 sao vào năm 2020. Sản phẩm thứ 2 là Dịch vụ du lịch tham quan Vịnh Vĩnh Hy của Công ty TNHH du lịch Vĩnh Hy Discovery được xếp hạng 3 sao vào năm 2022.

Các sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh sẽ được sử dụng Tem Chứng nhận "OCOP Ninh Thuận" và thứ hạng sao in, dán trên bao bì sản phẩm theo quy định hiện hành và có giá trị trong thời gian 3 năm kể từ ngày được công nhận.

Sự vào cuộc tích cực của các HTX, các chủ thể sản xuất kinh doanh

Theo đánh giá của ông Lê Tiến Dũng, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn, Chương trình OCOP tại Ninh Thuận đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, các chủ thể OCOP tham gia nhiệt tình; có cơ hội tìm hiểu, củng cố, nâng cao kiến thức hiểu biết pháp luật về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng; khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề, đặc sản vùng miền. 

Chương trình OCOP cũng giúp tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận các chủ thể đều duy trì và thực hiện đảm bảo theo quy định về quy trình sản xuất cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ làm tốt công tác duy trì và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà các sản phẩm được chứng nhận OCOP đã gia tăng giá trị, góp phần giúp chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu, ông Lê Tiến Dũng cho biết thêm.

Các chủ thể sản xuất, kinh doanh ở Ninh Thuận đang từng ngày viết nên câu chuyện kinh doanh, ghi dấu thêm tình yêu, sự tự hào với các sản phẩm của quê hương qua cách họ chăm chút tỉ mỉ cho các sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ trang trại nho Ba Mọi, (Công ty TNHH SX TM DV Ba Mọi) tại thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước là một người như thế.

Ông Ba Mọi là một trong những người đi tiên phong trồng nho ở tỉnh Ninh Thuận từ năm 1980. Hiện ông có gần 2ha trồng nho sạch theo hướng VietGAP, trung bình mỗi năm Công ty TNHH SX-TM-DV Ba Mọi cung cấp ra thị trường 30 tấn nho tươi và nhiều sản phẩm khác chế biến từ nho. 

Hình ảnh những giàn nho xanh, nho đỏ xum xuê trái, là sản phẩm nổi tiếng trong nhiểu năm qua của Ninh Thuận – thiên đường của các loại nho. Công ty TNHH SX TM DV Ba Mọi với nông sản chủ lực là nho tươi và các sản phẩm từ nho: Siro Nho. Brandy Nho, Vang Nho…

Hình ảnh những giàn nho xanh, nho đỏ xum xuê trái, là sản phẩm nổi tiếng trong nhiểu năm qua của Ninh Thuận - thiên đường của các loại nho.

Theo ông Ba Mọi, trang trại nho của ông áp dụng phương thức canh tác nho sạch đạt chuẩn VietGAP cùng với sự đầu tư thiết bị máy hiện đại, bài bản. Do đó, sản phẩm nho tươi Ba Mọi đã có mặt tại các hệ thống siêu thị Coopmart, khắp cả thị trường trong nước từ Nam ra Bắc…Những chùm nho chín mọng nước, không chất bảo quản mang thương hiệu Nho Ba Mọi được xếp ngang hàng với nho nhập khẩu với giá cả phải chăng mà chất lượng thì không hề thua kém nho Mỹ, Úc, Thái Lan…

Tháng 12/2020, sản phẩm nho xanh Ba Mọi được công nhận là một trong những sản phẩm đạt chất lượng OCOP 4 sao của tỉnh Ninh Thuận. Công ty TNHH SX TM DV Ba Mọi hiện có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và 3 sao gồm nho xanh, nho sấy, táo sấy, chuối sấy…đặc biệt là rượu vang nho, được sản xuất từ những trái nho Ninh Thuận.

Sản phẩm Vang nho Ba Mọi là sản phẩm đặc trưng thuần khiết được sản xuất từ các giống nho nổi tiếng được canh tác tại vùng Phan Rang quanh năm nắng gió

Sản phẩm Vang nho Ba Mọi là sản phẩm đặc trưng thuần khiết được sản xuất từ các giống nho nổi tiếng được canh tác tại vùng Phan Rang quanh năm nắng gió

Nói về cách xây dựng sản phẩm đạt chuấn OCOP, ông Đào Minh Cường, Giám đốc Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận chia sẻ: Để giữ vững thương hiệu sản phẩm nho, Hợp tác xã luôn hướng đến sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp VietGAP, hạn chế tối đa tác động xấu tới môi trường sản xuất. Với mục tiêu mang sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng, các thành viên trong HTX tuân thủ nghiêm quy trình VietGAP từ khâu trồng, thu hoạch đến xử lý, chế biến, đóng gói, bảo quản. 

Theo ông Đào Minh Cường, "mấu chốt" chính là kỹ thuật túi bao trái tại vườn. Nhờ kỹ thuật quan trọng này, chùm nho sau khi thu hoạch không chỉ tươi đẹp, an toàn, đủ độ ngọt mà còn hạn chế được sâu bệnh trong quá trình sinh trưởng.

Với những nỗ lực xây dựng thương hiệu, chăm chút cho các sản phẩm OCOP, Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận được trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 2 sản phẩm là nho tươi và giấm nho; 3 sản phẩm OCOP 3 sao gồm rượu nho chưng cất, nước nho lên men và nho sấy dẻo.

Sản phẩm nho tươi của HTX Nho Evergreen Ninh Thuận đạt chứng nhận OCOP 4 sao

Sản phẩm nho tươi của HTX Nho Evergreen Ninh Thuận đạt chứng nhận OCOP 4 sao

Để quảng bá sản phẩm OCOP của vùng đất nắng gió này, rất nhiều các sản phẩm OCOP của Ninh Thuận đã được các HTX, các chủ thể sản xuất kinh doanh đưa lên các sàn thương mại điện tử. Hiện tại, người tiêu dùng yêu thích các sản phẩm OCOP của Ninh Thuận có thể tìm đến sàn TMĐT Voso với 11 sản phẩm là: Nho sấy nguyên hạt; mứt rong sụn cô Năm; mật nho Lê Nhân; nước mắm cá cơm truyền thống Tư Phụng loại đặc biệt; nước mắm cá cơm truyền thống Tư Phụng loại thượng hạng; nho sấy nguyên hạt Thái Thuận; thạch nha đam hương dứa; thạch nha đam hương vải; nho đỏ sấy Evergreen; nho xanh sấy Evergreen; nước nho lên men Evergreen.

Còn tại sàn TMĐT Postmart thì người tiêu dùng tha hồ đặt mua 17 sản phẩm OCOP của Ninh Thuận gồm: Táo sấy dẻo tách hạt Thái Thuận; nho đỏ sấy dẻo nguyên hạt Thái Thuận; nho xanh sấy dẻo nguyên hạt Thái Thuận; trà măng tây Linh Đan; mật nho Lê Nhân; thịt dê sấy; măng tây xanh An Xuân loại 2; măng tây xanh An Xuân loại 3; tỏi Thanh Hải; hành tím Thanh Hải; nước mắm Cana 45 độ đạm; nước mắm Quang Minh 45 độ đạm; nước mắm Quang Minh 50 độ đạm; nước mắm Quang Minh loại đặc biệt; nho đỏ Thái An; thạch nha đam hương dứa; thạch nha đam hương vải.

Đẩy mạnh Chương trình OCOP hiệu quả hơn

Nói về các hoạt động thúc đẩy chương trình OCOP của tỉnh thời gian tới, ông Lê Tiến Dũng, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn chia sẻ: Các sở, ngành và các huyện thị đã ban hành các văn bản về việc triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Ninh Thuận năm 2023 và đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các xã, phường, thị trấn phát hành rộng rãi phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm cho cộng đồng dân cư để các chủ thể nghiên cứu đề xuất sản phẩm tham gia Chương trình; hướng dẫn cho các chủ thể sản xuất xây dựng phương án, kế hoạch kinh doanh để triển khai phát triển sản xuất, chuẩn hóa sản phẩm. 

Sản phẩm từ thịt dê, thịt cừu mang thương hiệu Triệu Tín như: thịt cừu viên, thịt cừu rút xương, thịt dê rút xương, thịt cừu xông khói… đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt sạch, tươi và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng

Sản phẩm từ thịt dê, thịt cừu mang thương hiệu Triệu Tín như: thịt cừu viên, thịt cừu rút xương, thịt dê rút xương, thịt cừu xông khói… đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt sạch, tươi và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng

Các cấp chính quyền tích cực vào cuộc, kịp thời hướng dẫn các chủ thể tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ, hoàn thiện sản phẩm.

Các huyện thị cũng chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn các hợp tác xã, các hộ dân từng bước tổ chức lại sản xuất một số vật nuôi có hiệu quả kinh tế, liên kết bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị; tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần tăng thu nhập cho người dân tham gia liên kết sản xuất. Hình thành và phát triển đàn vật nuôi tại các địa phương, nhất là mô hình tái đàn heo đen gắn với heo đen và gà Thuận Bắc do Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học công nghệ cấp.

Cũng theo ông Lê Tiến Dũng, Chương trình OCOP của Ninh Thuận còn rất nhiều việc phải làm. Đó là tiếp tục phát triển nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được công nhận; Hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác; xây dựng câu chuyện sản phẩm; tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mã số, mã vạch; nhãn hiệu hàng hoá,... Định hướng đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận sẽ có từ 1 đến 2 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.

Phương Loan
Ý kiến của bạn
Sa Pa tấp nập khách đến du ngoạn Lễ hội Hoa hồng Fansipan ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 Sa Pa tấp nập khách đến du ngoạn Lễ hội Hoa hồng Fansipan ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4

Lễ hội Hoa hồng năm 2024 với quy mô lớn nhất Tây Bắc đã chính thức khai mạc tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Sa Pa) sáng 27/4, thu hút hàng ngàn lượt khách đến Sa Pa ngay trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5.