Ôm cổ phiếu "cây thông", hàng loạt nhà đầu tư mất đào chơi Tết

Doanh nghiệp - Doanh nhân
11:48 PM 28/01/2022

Kể từ vùng đỉnh, nhiều cổ phiếu đã giảm tới hơn 50%. Nhà đầu tư mang tiền dành dụm cả năm đi đầu tư, giờ ngã ngửa khi lời lãi không thấy, rốt cục một cành đào chơi Tết cũng chẳng thể mua về.

Thị trường chứng khoán thời gian qua đã ghi nhận sức tăng trưởng ấn tượng cùng việc thanh khoản được đẩy lên mức cao chưa từng có. Đặc biệt, thương vụ đấu giá rúng động của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Khu đô thị Thủ Thiêm lại càng phả thêm hơi nóng khiến nhóm bất động sản "tím lịm". Cơ hội "ăn bằng lần" được "vẽ" ra trước mắt các nhà đầu tư với niềm tin đến cuối năm sẽ chốt lời để có cái Tết thật ấm no.

Tuy nhiên, lên thế nào thì sẽ xuống như thế ấy. Cú "quay xe" hủy cọc của Tân Hoàng Minh khiến nhiều cổ phiếu đồng loạt quay đầu giảm mạnh, tạo mô hình "cây thông" trên đồ thị giá. Nhiều người chẳng may FOMO ngay tại đỉnh giá rơi vào tình trạng "kẹp hàng", thậm chí muốn cắt lỗ cũng không thể do cổ phiếu bị mất thanh khoản. Tiền dành dụm cả năm mang đi đầu tư, mong muốn có lãi dịp cuối năm nhưng đến cuối cùng thì mất cả tiền mua đào chơi tết.

Mất mát lớn phải kể tới nhà đầu tư nắm giữ hai cổ phiếu CII của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh NBB của Đầu tư Năm Bảy Bảy – hai mã "siêu nóng" từng tăng trần nhiều phiên khi được mệnh danh là "trùm đất" Thủ Thiêm. Chốt phiên 27/1, giá cổ phiếu CII gần chạm sàn xuống mức 27.450 đồng/cổ phiếu. So với mức đỉnh 57.900 đồng/cổ phiếu thì giá trị khoản đầu tư vào mã chứng khoán này đã bị "bốc hơi" tới gần 53% chỉ sau nửa tháng. Tương tự, thị giá NBB kết phiên 27/1 tại mức 29.700 đồng/cổ phiếu, đồng nghĩa giá cổ phiếu đã giảm tới hơn 50% kể từ vùng giá 59.700 đồng chỉ trong hơn chục phiên giao dịch.

Ôm cổ phiếu cây thông, hàng loạt nhà đầu tư mất đào chơi Tết - Ảnh 1.

Cây thông CII, NBB khiến nhà đầu tư mất đào chơi Tết

Một trường hợp cổ phiếu "cây thông" kinh điển khác trên TTCK Việt Nam thời gian qua là "họ FLC" khi hàng loạt mã như FLC, ROS, KLF, AMD...đã có chuỗi phiên giảm sàn "trắng bên mua" liên tiếp sau khi Chủ tịch Trịnh Văn Quyết "bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu FLC trong tháng 1. Sau hành đồng không "fair" này, ông Quyết đã bị UBCKNN xử phạt nặng, lên tới 1,5 tỷ đồng cùng với việc đình chỉ giao dịch trong vòng 5 tháng. Không những vậy, toàn bộ cổ phiếu ông Quyết "bán chui" cũng bị hủy bỏ, hoàn tiền cho nhà đầu tư.

Cổ phiếu FLC chốt phiên giao dịch 27/1 tại mức giá 10.400 đồng/cp, giảm 56% so với mức cao nhất đạt được trong ngày 10/1, thời điểm ông Quyết thực hiện "bán chui". Tương tự, các cổ phiếu khác như ROS cũng mất tới 60%, AMD mất 53%...chỉ sau ít phiên giao dịch khiến nhà đầu tư ôm cổ phiếu thiệt hại nặng nề.

Ôm cổ phiếu cây thông, hàng loạt nhà đầu tư mất đào chơi Tết - Ảnh 2.

DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng là một trong những cổ phiếu bất động sản "làm mưa làm gió" trên thị trường thời gian qua. Chỉ sau hơn hai tháng, thị giá DIG đã bứt tốc ngoạn mục sau nhiều phiên tăng kịch trần, qua đó chính thức gia nhập câu lạc bộ "ba chữ số" tại vùng giá 120.000 đồng/cp. Tuy nhiên, áp lực bán tháo khiến giá cổ phiếu DIG không thể trụ vững, đảo chiều "rơi tự do" xuống mức 79.100 đồng/cổ phiếu (phiên 27/1), tương ứng mức giảm 34%.

Hay kết thúc màn tăng điểm như "thánh Gióng", mã CEO cũng chìm trong chuỗi giảm sàn liên tục, thị giá bị thổi bay hơn 43% trước khi phục hồi lại trong vài phiên gần đây về mức 62.000 đồng/cp.

Ôm cổ phiếu cây thông, hàng loạt nhà đầu tư mất đào chơi Tết - Ảnh 3.

Chỉ một tháng trước đó, thị trường cũng từng chứng kiến hàng loạt "cây thông" từ nhóm cổ phiếu đầu cơ từng được ví von là "món quà thượng đế" nhưng rốt cục lại khiến không ít người phải ngậm đắng nuốt cay ôm khoản lỗ lớn như như IDI, SJF, LIC, TNI, SDA…

Cụ thể, cổ phiếu LIC của Tổng công ty Licogi tăng tới hơn 14 lần trong đó có chuỗi 15 phiên kịch trần liên tiếp. Tuy nhiên tới thời điểm nhà đầu tư hào hứng nhất, LIC lại bất ngờ vẽ mô hình cây thông, thị giá lao dốc thẳng đứng từ vùng 146.700 đồng/cp hiện đã xuống chỉ còn 50.000 đồng/cp, tương ứng giảm 66% giá trị.

IDI cũng "hoàn thiện" cây thông ngay trước thời điểm Lễ Giáng Sinh khi thị giá leo nhanh từ vùng "trà đá rau dưa" 5.000 đồng lên đỉnh 25.300 đồng rồi quay đầu giảm về 11.400 đồng/cp. Trong khoảng thời gian lao dốc, cổ phiếu IDI đã từng quay đầu tăng trở lại sau những công bố giao dịch mua vào cổ phiếu của lãnh đạo công ty – được ví như những pha ‘giải cứu’ giá. Tuy nhiên điều này không thể khiến thị giá quay trở lại vùng đỉnh, tiếp tục giảm sâu khiến nhà đầu tư mua vào tại đỉnh giá ngày càng "xa bờ".

Một cổ phiếu khác là SJF của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương cũng đã từng "dậy sóng" khi tăng tới 10 lần sau 3 tháng rồi quay đầu đà giảm sàn la liệt từ đỉnh 24.100 đồng/cổ phiếu, về ngưỡng 10.900 đồng/cp, thanh khoản cũng giảm mạnh sau khi đợt sóng kết thúc.

Ôm cổ phiếu cây thông, hàng loạt nhà đầu tư mất đào chơi Tết - Ảnh 4.

Cũng không thể không nhắc đến cây thông đầu cơ "họ Louis" hồi nửa năm 2021, thị giá tăng sốc hàng chục lần rồi quay đầu giảm mạnh. Bao lời hứa hẹn của lãnh đạo cũng trở thành vô nghĩa khi giá cổ phiếu chỉ biết giảm, khoản lỗ theo đó dần lên tới hàng chục phần trăm khiến nhà đầu tư chỉ biết ngậm ngùi cắt lỗ vì chót lỡ "đu đỉnh".

Những trường hợp cổ phiếu "cây thông" không còn xa lạ trên thị trường thế nhưng không ít nhà đầu tư lại "nhắm mắt" mua theo những lời hô hào trên hội nhóm mà lãng quên hoàn toàn những khái niệm cơ bản về đầu tư. Những báo cáo của công ty chứng khoán với định giá cổ phiếu chỉ bằng 1/5 thị giá khi đó, lời cảnh báo của chuyên gia, những cụm từ "rất nguy hiểm", khuyến nghị "bán ngay" cũng không thể thắng nổi long ham muốn về "ba chữ cái" và lời hứa hẹn x2, x3 tài khoản của đội "lái". Nhiều người đầu tư chứng khoán với mục đích kiếm tiền nhanh trong dịp cuối năm để có cái Tết ấm no giờ ngã ngửa khi lời lãi không thấy, chỉ thấy mất ăn mất ngủ, mất tiền và mất cả Tết.

Chia sẻ trong chương trình "Bí mật đồng tiền", ông Phạm Lưu Hưng – Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) đã chỉ ra rằng các trường hợp ghi nhận lợi nhuận rất cao khi đầu tư chứng khoán phần lớn đều là do may mắn. Nếu chỉ trông đợi vào may mắn thì đầu tư chứng khoán sẽ chẳng khác nào đánh bạc, và cái may mắn nhất khi này là biết đứng dậy đi về. Ông Hưng khuyên nhà đầu tư phải luôn có kế hoạch trong đầu tư với tâm lý ổn định, đặc biệt là hãy ngừng giao dịch nếu tình trạng thua lỗ kéo dài.

Phương Linh
Ý kiến của bạn