Ông Lê Chí Phúc: "Từ sự việc Evergrande để thấy rằng, quan trọng nhất là khả năng quản trị của doanh nghiệp khi mở rộng sang lĩnh vực mới"
"Những doanh nghiệp dồn số tiền quá lớn, gần như là toàn bộ số tiền của doanh nghiệp, thậm chí lớn hơn hay đi vay tiền ở bên ngoài cho những startup mới, với mô hình kinh doanh như vậy chúng tôi đánh giá là vô cùng rủi ro", Tổng giám đốc SGI Capital Lê Chí Phúc nhận định qua câu chuyện Evergrande.
Cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc đã khiến cho thị trường chứng khoán toàn cầu rung lắc trong những phiên vừa qua. Nhiều đầu tư đã lo ngại về một cuộc sụp đổ tương tự như vụ Lehman Brothers dẫn đến cuộc khủng hoảng thị trường tài chính thế giới năm 2008. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã chịu những tác động trong ngắn hạn.
Trả lời trên Talk show Phố Tài chính về vấn đề này, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital cho rằng, thông tin từ bên ngoài không quá ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
"Nếu các nhà đầu tư đã nghiên cứu kỹ sẽ thấy cổ phiếu của Evergrande đã giảm dần đều từ giữa năm ngoái (khoảng 14 tháng trước), giảm hơn 90% so với đỉnh, do đó đây không phải là một câu chuyện mới. Chúng tôi đánh giá hiệu ứng tác động từ vụ việc này là không lớn, nó mang tính cục bộ của doanh nghiệp, hoặc ở một mức độ nào đó sẽ có ảnh hưởng tới những doanh nghiệp tương tự như vậy ở thị trường bất động sản Trung Quốc hơn là ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế cũng như là thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Một dẫn chứng rất rõ là tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, sàn Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite trong tuần vừa qua chỉ giảm hơn 2%, nhưng trong một tháng vừa qua sàn này đã tăng 6% và trong một năm vừa qua thì sàn chứng khoán Thượng Hải tăng hơn 10%, trong khi Evergrande giảm hơn 90% trong một năm. Điều đó nói lên rằng đó là câu chuyện riêng của Evergrande và sàn chứng khoán Trung Quốc. Có lẽ nhà đầu tư Việt Nam lo lắng hơi quá xa là nó sẽ lan qua các ngành nghề lớn cũng như là chứng khoán của Việt Nam. Điều đó mang tính hiệu ứng tâm lý nhiều hơn là thực chất", ông Lê Chí Phúc nhận định.
Giá cổ phiếu Evergrande 1 năm qua
Theo ông Phúc, Evergrande không phải là một câu chuyện đổ vỡ bất ngờ sau một đêm như Lehman Brothers, Lehman Brothers là một trường hợp đổ vỡ khi mà bản thân tất cả các Players chính trong cuộc gồm có cả ngân hàng trung ương, chính phủ, các ngân hàng khác có cùng sản phẩm tài chính tương tự hoàn toàn vô cùng bất ngờ với chuyện Lehman Brothers tuyên bố phá sản.
Trong khi đó, cách đây 1 năm, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những chính sách mới nhằm hạ nhiệt thị trường BĐS và đưa ra những quy tắc mới để kiểm soát tăng trưởng tín dụng của các doanh nghiệp. Trong ngành BĐS này, cái đó được gọi là "ba lằn ranh đỏ", tức là các công ty nào có tỉ lệ đòn bẩy cao quá mức quy định thì sẽ không được tăng trưởng tín dụng nữa mà sẽ bị yêu cầu bằng mọi cách để hạ tỷ lệ này xuống. Evergrande đã nhận được cái cảnh báo đó từ năm 2019 và họ đã không thành công trong việc hạ cái tỉ lệ đòn bẩy này xuống theo như quy định của chính phủ Trung Quốc. Thậm chí họ còn đầu tư thêm rất nhiều lĩnh vực mới như đầu tư vào xe điện gần 5 tỷ đô, bên ngoài các lĩnh vực khác gần trăm triệu đô nữa, đó là cái sai lầm của Evergrande mà bản thân thị trường đã được nhìn thấy và cảnh báo trước.
"Khi một chính phủ đã ra một chính sách như vậy bản thân họ đã có những quyết sách và dự liệu được các doanh nghiệp nào sẽ không thực hiện được và có khả năng sẽ phá sản, cái cách mà họ đưa ra những điều luật đó mang tính thanh lọc thị trường, sẽ dẫn tới những doanh nghiệp sẽ phải rời bỏ cuộc chơi hay thậm chí là thu nhỏ lại, có những doanh nghiệp lành mạnh hơn sẽ tiếp tục phát triển. Chính phủ Trung Quốc biết điều đó và sẽ có những quyết sách phù hợp", ông Phúc nhận định.
Theo ông Lê Chí Phúc, kinh tế Việt Nam đang đi sau rất nhiều các nền kinh tế trong Đông Á, hay phát triển ở Đông Tây, khoảng mười, hai mươi năm thậm chí ba mươi năm nên những gì xảy ra trên thế giới đều là những bài học quan trọng cho chúng ta.
Bài học cho doanh nghiệp Việt Nam
Từ câu chuyện Evergrande nhìn lại các doanh nghiệp ở Việt Nam, ông Lê Chí Phúc cho rằng, đa ngành không phải là tốt hay không tốt, mà quan trọng nhất là khả năng quản trị khi một doanh nghiệp mở rộng sang một lĩnh vực mới.
"Theo quan điểm của tôi, dưới góc độ là một nhà đầu tư tài chính không đánh giá cao những công ty đi quá nhiều ngành, thông thường các công ty khi tham gia vào các ngành mới sẽ dễ khiến khách hàng và các nhà đầu tư tài chính có những sự nghi ngờ nhất định, họ sẽ chiết khấu giá trị của công ty đó đi một chút so với công ty tập trung vào ngành nghề cốt lõi, lợi thế cạnh tranh rõ ràng.
Tất nhiên ở góc độ ngược lại, khi thăm dò một ngành, một lĩnh vực mới, nhất là ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì tinh thần doanh nhân luôn tồn tại, luôn muốn phát triển, tìm tòi, tìm ra các mô hình kinh doanh mới và đã có những doanh nghiệp thành công.
Chính vì vậy khi đầu tư vào một doanh nghiệp mà muốn mở ra đa ngành, chúng tôi sẽ theo dõi nguồn lực họ dùng cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cũng như thị trường mới. Nếu họ quản trị bằng cách chỉ dành dưới 30% số lợi nhuận làm ra từ các lĩnh vực cốt lõi để thí điểm và phát triển những lĩnh vực mới thì con số đó chúng tôi cho rằng là một con số rất lành mạnh. Nếu có thất bại, có khó khăn thì những dòng tiền cốt lõi từ lĩnh vực họ đang rất mạnh, sẽ dư sức để bù đắp cho những cái lỗ, những cái khó khăn và rủi ro của các lĩnh vực mới kia. Đó là cách mà chúng tôi đánh giá các doanh nghiệp, không chỉ những doanh nghiệp Việt Nam mà cả các doanh nghiệp trên thế giới, nếu họ chọn việc đi đa ngành, họ đi bằng cách quản trị rủi ro như vậy là rất khôn ngoan.
Còn nếu những doanh nghiệp dồn số tiền quá lớn, gần như là toàn bộ số tiền của doanh nghiệp, thậm chí lớn hơn hay đi vay tiền ở bên ngoài cho những start up mới, với mô hình kinh doanh như vậy chúng tôi đánh giá là vô cùng rủi ro, vì xác suất của một Startup thì chúng ta biết rồi, 80% là sẽ thất bại sau hai năm, 90% là sẽ thất bại sau năm năm, chỉ có 10% là thực sự tồn tại và thành công. Xác suất này là xác xuất tồn tại trên thế giới, Việt Nam cũng vậy nên là cách đi và quản trị như nào khi mở ra những lĩnh vực mới là thứ mà chúng tôi nghĩ là cốt lõi nhất", CEO SGI Capital đánh giá.
Châu CaoTheo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.