Ông Lê Mạnh Hải – Doanh nhân Cựu chiến binh nổi danh xứ Nghệ

Văn hóa
11:53 AM 06/12/2020

Khi nói đến ông Lê Mạnh Hải, một cựu chiến binh và cũng là chủ nhân của thương hiệu “Vàng bạc Phú Nguyên Hải” có uy tín nhiều năm ở Nghệ An, là nói đến một doanh nhân xứ Nghệ từng vào sinh ra tử trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ở miền Nam và biên giới Tây Nam.

Khi nói đến ông Lê Mạnh Hải - chủ nhân của thương hiệu vàng bạc Phú Nguyên Hải có uy tín nhiều năm ở Nghệ An là nói đến một doanh nhân xứ Nghệ có bề dày lịch sử nghề kim hoàn qua các thời kỳ khác nhau. Ông là hậu duệ của một gia đình nghề kim hoàngần một trăm năm và đây cũng là gia đình duy nhất có truyền thống làm nghề kim hoàn lâu nhất ở miền Trung nói chung và thành phố Vinh nói riêng cho đến nay. Vì thế mà người dân ở đây thường quen gọi là ông Hải Phú Nguyên (Phú Nguyên Hải). Điều đặc biệt trong khối doanh nghiệp có uy tín,ông là một chiến binh và là một thương binh từng vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới Tây Nam. Trong thời gian quân ngũ, ông đã từng tham gia nhiều chiến dịch, nhiều trận chiến khốc liệt nhất cho đến ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, bảo vệ biên giới và ông cũng đã có nhiều đóng góp khác trong các hoạt động xã hội những năm sau đó cho đến nay.

Hiện nay, ông Lê Mạnh Hải (Phú Nguyên Hải) không chỉ là một doanh nhân thành đạt, mà ông còn được đồng chí, đồng đội là bạn chiến đấu tin tưởng tôn vinh bầu làm Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại Đoàn Đồng Bằng Sư đoàn 320 tại Nghệ An-Hà Tĩnh; các tướng lĩnh tiến cử ông tham gia vào Thường trực Ban liên lạc cả nước và Ban Chiến tích chiến trường.

 Cựu chiến binh xứ Nghệ  - Doanh nhân Lê Mạnh Hải  - Ảnh 1.

Chiến binh Lê Mạnh Hải hiện nay là Tổng giám đốc Công ty Phú Nguyên Hải

Ông Lê Mạnh Hải là người con thứ của ông Phú Nguyên. Để nói về ông,xin được bắt đầu từ ông Phú Nguyên - là một nghệ nhân kim hoàn nức tiếng ở thành phố Vinh từ những năm trước cách mạng tháng 8/1945. Trong sách "Vinh Xưa" có ghi lại: "Ông Phú Nguyên tên thật là Lê Văn Sợi, quê ở làng Tức Mạc, Lộc Vượng (nay là phường Lộc Vượng) thành phố Nam Định. Thời nhỏ gia đình rất nghèo khổ. Theo chân những người đồng hương khác, bố mẹ ông Sợi gồng gánh đưa cả nhà vào Vinh lập nghiệp. Họ bươn chải đủ nghề để kiếm sống, kể cả đi làm thuê. Cả 3 người con trai của ông bà, trong đó có ông Sợi đều xin vào học nghề và sau đó làm thợ cho Hiệu vàng Bảo Nguyên, là một hiệu vàng lớn ở ngay ngã tư chợ Vinh. Cả 3 anh em đều học nghề rất chăm chỉ và sáng dạ. Ở lứa tuổi thanh niên, họ sớm trở thành những người thợ bạc giỏi của Hiệu vàng Bảo Nguyên. Khi đã đủ lông, đủ cánh, họ lần lượt xin chủ cho ra mở hiệu vàng riêng. Thoạt đầu, ông Sợi vào Sài Gòn làm thuê một thời gian, sau đó năm 1928 ông trở lại Vinh lập hiệu vàng của mình và đặt tên là Phú Nguyên. Trải qua thời gian kinh doanh đến những năm 1940, hiệu vàng Phú Nguyên đã nổi danh không chỉ trong thành phố Vinh  mà cả khu vực về chất lượng và sự tinh xảo. Anh Sợi từ một thợ vàng khéo tay đã trở thành nghệ nhân và là một doanh nhân thành đạt".

Cách mạng Tháng Tám thành công, cả nước hăm hở bước vào cuộc sống mới với tư cách người chủ của một đất nước độc lập. Để hỗ trợ chính quyền non trẻ vừa ra đời với ngân khố trống rỗng, Hồ Chủ tịch phát động Tuần lễ vàng từ ngày 17 đến 24/9/1945. Phú Nguyên là 1 trong 3 gia đình ủng hộ nhiều vàng và tiền của cho kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông không chỉ trực tiếp tham gia dân công trong chiến dịch Thượng Lào, Điện Biên Phủ mà ông Phú Nguyên còn ủng hộ kháng chiến ba chiếc xe đạp để phục vụ đoàn vận tải bằng xe đạp thồ mà ông là một chiến sĩ trong đó.

Khi đế quốc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, sau khi thu xếp cho các con đi sơ tán, ông bà Phú Nguyên ở lại bám trụ thành phố, vừa sản xuất, vừa tham gia kháng chiến. Bà Nguyễn Thị Lâm – mọi người vẫn thường gọi là bà Phú Nguyên, cũng là một người phụ nữ kiên cường, gan dạ. Không chỉ là người vợ đảm đang và còn là một người đồng chí với ông Phú Nguyên trong hoạt động cách mạng tại địa phương. Được lĩnh hội và tôi rèn trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước như vậy, nên chàng thanh niên Lê Mạnh Hải luôn ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của một người trẻ trước vận mệnh của Tổ quốc.

Khi đất nước chìm trong bom đạn của đế quốc Mỹ, Lê Mạnh Hải đã sớm tham gia dân quân tự vệ trực chiến của xí nghiệp cơ khí Việt Cường (dân quân khu phố 3 lúc bấy giờ ) trong những thập niên cuối 1960 đầu năm 1970 (là lực lượng vừa sản xuất vừa chiến đấu của xí nghiệp).

Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, chàng thanh niên chưa tròn 20 tuổi hăng hái tòng quân nhập ngũ vào quân đội. Cuối năm 1971 ông có mặt ở mặt trận B3 Tây Nguyên, vinh dự là người lính của  Đại Đoàn Đồng Bằng Sư đoàn 320 - là quân chủ lực của Bộ. Ông cùng những người đồng đội Sư đoàn 320 trải qua biết bao mưa bom bão đạn ác liệt, gian khổ, đói ăn mặc rét nơi rừng thiêng nước độc, cùng trải qua những trận chiến đấu sống còn với kẻ thù. Ông đã từng tham gia chiến dịch xuân hè 1972 ở các trận đánh nổi tiếng đồi Charlie (điểm cao 1015) - Delta (điểm cao 1049) và thị xã Kon Tum trong chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972.

Năm 1973 - 1974, trên mặt trận Gia Lai ông tham gia các trận đánh: cụm cứ điểm Chư Bồ - Đức Cơ, căn cứ Chư Nghé, Làng Siêu, Thanh An, Bàu Cạn và đường 14 kéo dài....góp phần mở rộng vùng giải phóng và thông tuyến hành lang vận chuyển chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam.

Năm 1975 ông tham gia chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Mê Thuật, tham  gia các trận đánh: Cheo Reo, Phú Bổn, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuật. Trong đội hình Sư Đoàn 320 truy kích địch trên đường 7, thẳng tiến về giải phóng thị xã Tuy Hòa và 1 vùng rộng lớn từ Tuy An đến Đèo Cả.

Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được tham gia đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, theo mũi tấn công của Sư đoàn đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu và đánh thẳng vào dinh Độc lập, cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Khi đất nước vừa thống nhất, năm 1976 - 1977 ông tham gia trong chiến dịch đánh lực lượng FULRO tại  Đắc Lắc. Năm 1977 -1979  tham gia chiến dịch D7  đánh lực lượng Pôn - Pốt lấn chiếm biên giới Tây Ninh khu vực Tân Biên, Sa mat. Tham gia giải phóng Phnômbênh và  giải phóng hoàn toàn Campuchia. Kết thúc trọn vẹn chiến dịch biên giới Tây Nam, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của 1 người lính, năm 1982 ông chuyển nghành về địa phương tiếp tục tham gia công tác xã hội và tiếp tục kế thừa, phát triển sự nghiệp của gia đình cho đến hôm nay (nghỉ hưu tại Sở Công nghiệp năm 2007). Với một doanh nhân có bề dày và truyền  thống, với tinh thần và bản lĩnh của một quân nhân, người chiến binh Lê Mạnh Hải luôn chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

 Cựu chiến binh xứ Nghệ  - Doanh nhân Lê Mạnh Hải  - Ảnh 2.

Chiến binh Lê Mạnh Hải -Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại Đoàn Đồng Bằng Sư Đoàn 320 chụp chung Trung tướng Khuất Duy Tiến.

Cho đến hiện nay, không chỉ phát triển  nghề luyện kim hoàn truyền thống của gia đình, mà ông Lê Mạnh Hải còn mở rộng thêm những lĩnh vực kinh doanh khác. Và điều đặc biệt, ông luôn ưu tiên, tạo việc làm cho con em của các đồng đội cũ, hoặc có thân nhân là cựu chiến binh.  Không chỉ bản lĩnh, quả cảm trên chiến trường, mà trên thương trường, ông Lê Mạnh Hải vẫn luôn thể hiện được khí chất của một chiến binh – người lính cụ Hồ.

Đi qua sinh tử chiến tranh, có cuộc sống vinh quang ở thời bình, nhưng những ký ức về đồng đội vẫn luôn là niềm đau đáu trong tâm tưởng của ông. Bởi thế, ngoài công việc kinh doanh, ông dành phần lớn thời gian và tâm huyết trong các hoạt động giúp đỡ, tri ân đồng đội.

 Cựu chiến binh xứ Nghệ  - Doanh nhân Lê Mạnh Hải  - Ảnh 3.

Các Cựu chiến binh chụp lưu niệm tại nhà Bia Lưu niệm và Sự kiện (di tích lịch sử) chiến thắng căn cứ Đồng Dù trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tiêu biểu có thể nói đến công trình Nhà bia di tích lịch sử tại hai điểm cao Charlie  (1015) và Delta (1049) tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum – ông không chỉ đóng góp ngày công mà còn cả vật chất để hoàn thành. Mặc dù thời điểm bắt đầu xây dựng, sức khỏe của ông có dấu hiệu không tốt,  bác sĩ khuyên ông nên vào viện điều trị; cùng với đó là thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở. Nhưng, gác lại những lời cảnh báo của bác sĩ, ông giấu bệnh với cả gia đình,  quyết tâm cùng đồng đội hoàn thành tâm nguyện, đó là xây dựng Nhà bia tưởng niệm trên trận địa cũ – nơi những người đồng đội sư đoàn 320 đã yên nghỉ tại đây.

Từ tháng 12/2017 đến giữa tháng 5/2018, ông Lê Mạnh Hải cùng Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng và cán bộ chiến sĩ sư đoàn 320 cũng đã  hoàn thành công trình Nhà bia di tích lịch sử tại điểm hai điểm cao với diện tích xây dựng gần 300 m2. Trong đó, công trình nhà bia có diện tích hơn 25 m2, cao 5,5m có lư hương và bia di tích được làm bằng đá granic nguyên khối.  Hiện tại, Điểm cao 1015 và điểm cao 1049 đã được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh và  trở thành điểm đến của cán bộ, nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

 Cựu chiến binh xứ Nghệ  - Doanh nhân Lê Mạnh Hải  - Ảnh 4.

Ông Lê Mạnh Hải -Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại Đoàn Đồng Bằng, Sư Đoàn 320 tại Nghệ An và Hà Tĩnh cùng các Cựu chiến binh Nghệ An, Hà Tĩnh chụp lưu niệm tại Dinh Độc Lập.

Từ hy sinh trong chiến đấu , trở về với đời thường sự nỗ lực hết mình đã giúp ông gặt hái nhiều thành công trên mặt trận kinh tế, nhưng ông Lê Mạnh Hải không quên những ngày tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử, những người đã đổ xương máu, những người đã ở lại vĩnh viễn trên chiến trường…đến nay tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn luôn miệt mài, tâm huyết trong kinh doanh và các hoạt động xã hội, tri ân đồng đội – đó là khí chất doanh nhân của một chiến binh - thương binh xứ Nghệ phẩm chất bộ đội cụ Hồ luôn nêu cao ý chí " ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".

Thái Quảng
Ý kiến của bạn