Ống thép từ Việt Nam không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cho biết, các sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với mặt hàng tương tự của Đài Loan (Trung Quốc).
Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra sản phẩm ống thép hàn carbon và ống thép hàn không hợp kim dạng tròn nhập khẩu từ Việt Nam có lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng với Đài Loan (Trung Quốc) hay không.
Trong kết luận này, DOC nói rằng, các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) mà Mỹ đang áp dụng với mặt hàng tương tự của Đài Loan - Trung Quốc do không sử dụng thép cán nóng (HRS) có nguồn gốc từ Đài Loan - Trung Quốc.
Đối với các sản phẩm ống thép khác cùng bị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (khởi xướng ngày 29/7/2022), ngày 20/7/2023, DOC thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng đến ngày 2/11/2023 thay vì 4/8/2023 như thông báo trước đây).
Trước đó, ngày 6/4/2023, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ của các vụ việc trên, cho rằng có hiện tượng các doanh nghiệp Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ.
Tuy nhiên, DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam tham gia cơ chế tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu thép cán nóng (HRS) có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ để được miễn áp dụng biện pháp.
Ngày 29/7/2022, DOC đã khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép - chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 - nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong vụ việc này, nguyên đơn gồm các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Mỹ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS) - là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Mỹ đang áp dụng với các nước trên.
Trước đó, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá ống thép dạng vuông, chữ nhật và ống thép carbon dạng tròn có đường hàn nhập từ Trung Quốc với mức lần lượt là hơn 69 - 86% và 249 - 265%; áp thuế chống trợ cấp là 30 - 616% và 2,2 - 201% từ năm 2008. Với Hàn Quốc, Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá là 4,91 - 11,63% với ống thép carbon dạng tròn từ 1992.
Thương Huyền (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.