OPEC cảnh báo EU không thể thay thế nguồn cung dầu thô của Nga
Tổng Thư ký của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho rằng, việc dừng nhập khẩu dầu thô của Nga bởi lệnh cấm của EU sẽ là điều không khả quan.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp cấp cao giữa OPEC và EU, ông Mohammad Barkindo - Tổng Thư ký của OPEC đưa ra nhận định: “Chúng ta có khả năng bị mất hơn 7 triệu thùng/ngày dầu xuất khẩu và các sản phẩm dầu khác của Nga do các lệnh trừng phạt trong hiện tại và tương lai. Xét trong bối cảnh nguồn cầu ở thời điểm hiện tại, việc thay thế nguồn cung với khối lượng lớn như vậy là điều không thể”.
Một quan chức của Ủy ban châu Âu nói với Reuters, EU đã nhắc lại lời kêu gọi của mình trong cuộc họp với các nước sản xuất dầu đề nghị các nước này tăng số lượng dầu cung cấp ra thị trường, giúp hạ nhiệt giá dầu đang tăng vọt. Trong cuộc họp với OPEC, EU nhấn mạnh, OPEC có thể cung cấp thêm sản lượng từ công suất dự phòng của mình. Đại diện EU cũng chỉ ra, OPEC có trách nhiệm đảm bảo thị trường dầu cân bằng.
Song, trước đó, OPEC đã phản đối lời kêu gọi của Mỹ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về việc bơm thêm dầu thô để hạ nhiệt giá dầu vốn đã đạt mức cao nhất trong 14 năm vào tháng trước sau khi Washington và Brussels áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow (Nga).
Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết, thị trường biến động mạnh hiện tại là kết quả của "các yếu tố phi cơ bản" nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEC, đây là một tín hiệu cho thấy OPEC sẽ không bơm thêm dầu.
Trong khi đó, OPEC+ sẽ tăng sản lượng khoảng 432.000 thùng/ngày vào tháng 5, như một phần của quá trình cắt giảm dần sản lượng được thực hiện trong thời gian đại dịch COVID-19.
Dầu thô của Nga hiện không nằm trong danh sách trừng phạt của EU, tuy nhiên, sau khi EU nhất trí sẽ trừng phạt than đá của Nga, một số quan chức cấp cao của EU cho rằng, dầu có thể sẽ là nguồn năng lượng tiếp theo bị trừng phạt.
Bộ trưởng Ngoại giao Ireland, Lithuania và Hà Lan cho biết, Ủy ban châu Âu đang soạn thảo các đề xuất cấm vận dầu mỏ đối với Nga tại cuộc họp của các ngoại trưởng EU ở Luxembourg. Úc, Canada và Mỹ, những nước ít phụ thuộc vào nguồn cung của Nga hơn châu Âu đã cấm mua dầu của Nga.
Còn các nước EU đang phân vân về vấn đề cấm vận dầu thô do mức độ phụ thuộc của các nước này cao hơn và tiềm năng đẩy giá năng lượng ở châu Âu lên cao hơn.
An Mai (Theo Reuters)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.