PAN triển khai chương trình "Tri ân cổ đông 2023"
CTCP Tập đoàn PAN sẽ tri ân cổ đông nắm giữ 25.000 cổ phiếu PAN trở lên với mong muốn giúp những cổ đông gắn bó lâu dài được thụ hưởng các sản phẩm cao cấp do mình đầu tư và góp phần kiến tạo.
CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group, mã chứng khoán: PAN) mới đây đã có thông báo về chương trình "Tri ân cổ đông 2023". Cụ thể, chương trình áp dụng cho các cổ đông cả cá nhân và tổ chức nắm giữ 25.000 cổ phiếu PAN trở lên (tại thời điểm chốt danh sách tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ngày 24/3/2023).
Quà tặng bao gồm các sản phẩm nông nghiệp - thực phẩm chất lượng cao của Tập đoàn bao gồm: 100 kg gạo Vinaseed và 12 chai nước mắm thượng hạng 584 Nha Trang. Quà tặng được giao tận nơi theo địa chỉ Cổ đông đăng ký nhận (Chi phí vận chuyển trong nội địa Việt Nam sẽ do Công ty chi trả).
Để nhận được những phần quà này, phía PAN cho biết, cổ đông đăng ký và điền đầy đủ thông tin trước 00h ngày 01/05/2023.
"Thông qua chương trình này, The PAN Group không chỉ khẳng định chất lượng những sản phẩm của Tập đoàn sản xuất, mà còn hiện thực hóa mong muốn giúp những cổ đông gắn bó lâu dài, người chủ thực sự của Công ty sẽ được thụ hưởng các sản phẩm cao cấp do mình đầu tư và góp phần kiến tạo", thông báo của PAN nhấn mạnh.
Như vậy, đây sẽ là lần thứ 3 cổ đông PAN nhận quà dịp ĐHĐCĐ (hai lần trước vào năm 2021 và 2022).
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, theo thông tin được đăng tải phục vụ cho Đại hội đồng cổ đông, PAN cho biết, năm 2022, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 13.655 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 47,6% so với năm 2021, chủ yếu đến từ việc hợp nhất cả năm kết quả kinh doanh của VFC (2021 chỉ hợp nhất 1 tháng) và tăng trưởng nội tại ở các mảng kinh doanh chính như thủy sản (+15%), bánh kẹo (+47%), hạt và nước mắm truyền thống (+20%), ngoài ra bản thân VFG cũng đạt tăng trưởng khoảng 40% so với năm 2021.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm 2022 đạt 794 tỷ đồng, tăng 55% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 374 tỷ đồng, tăng 26,3% so với năm 2021. Về cơ cấu doanh thu năm 2022, mảng thủy sản đóng góp 6.300 tỷ đồng (46%), mảng nông nghiệp đóng góp 4.900 tỷ (36%), thực phẩm đóng góp 2.400 tỷ (18%). Về cơ cấu lợi nhuận sau thuế, thủy sản đóng góp 42%, nông nghiệp 53%, thực phẩm 18% (bù trừ các chi phí khác khi hợp nhất -14%). Tăng trưởng năm 2022 có đóng góp chủ yếu bởi việc hợp nhất toàn bộ kết quả kinh doanh mảng khử trùng và nông dược của CTCP Khử Trùng Việt Nam (VFC). Tại các mảng kinh doanh còn lại, Tập đoàn vẫn duy trì và đạt được tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong năm 2022, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều biến động lớn như lạm phát và lãi suất tăng cao, chiến tranh và suy thoái kinh tế. Nhận định rằng khoảng thời gian sắp tới nhiều khó khăn với những rủi ro tiềm tàng, Tập đoàn tương đối thận trọng trong việc mở rộng đầu tư M&A cũng như đầu tư vào những dự án mới để duy trì an toàn tài chính.
Thay vào đó, Tập đoàn và các công ty thành viên tập trung nguồn lực đầu tư và hoàn thiện các dự án nâng cao năng lực sản xuất nội tại. Một số dự án đáng kể như đầu tư hai nhà máy chế biến thủy sản mới tăng gần gấp đôi công suất tại FMC (Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2023, dự án nhà máy mới của 584 Nha Trang khánh thành vào tháng 4/2022.
PAN tập trung vào 3 mảng kinh doanh lớn gồm nông nghiệp, thuỷ sản và thực phẩm đóng gói. Trong đó, Bibica là mảnh ghép quan trọng của mảng thực phẩm đóng gói. Với cơ cấu sở hữu tập trung, Bibica sẽ dễ dàng hơn trong việc thống nhất các đường lối chính sách, định hướng phát triển và phê duyệt đầu tư dự án.
Vào ngày 20/05/2022, Tập đoàn đã mua thành công 7.382.512 cổ phiếu BBC. Giá chào mua 71.000 đồng/cổ phiếu, tổng mức đầu tư 524.158.352.000 đồng. Tại ngày 31/12/2022, PAN sở hữu 98,31% vốn điều lệ của Bibica, tổng giá trị đầu tư 1.226.235.664.543 đồng.
Công ty cũng mua lại Công ty TNHH Vĩnh Thuận, thương vụ được thực hiện bởi FMC. Công ty Vĩnh Thuận sở hữu vùng nuôi rộng hơn 200 ha với điều kiện địa lý lý tưởng, gần biển và nằm bên cạnh vùng nuôi hiện tại của FMC. Việc mua lại Vĩnh Thuận giúp FMC phát huy thế mạnh của công ty trong việc nuôi tôm, gia tăng chất lượng, truy xuất nguồn ngốc, qua đó gia tăng biên lợi nhuận. Tại ngày 31/12/2021, FMC chính thức sở hữu 100% vốn điều lệ của Vĩnh Thuận, tổng mức đầu tư 200.498.720.000 đồng.
Về kế hoạch kinh doanh 2023, PAN đưa ra chỉ tiêu doanh thu hợp nhất và lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng ở mức từ 8-9% so với năm 2022. Trong lợi nhuận 2022 có phần lợi nhuận từ các giao dịch chuyển nhượng nhà máy và chuyển nhượng chi nhánh nước ngoài của VFC; nếu so sánh riêng với lợi nhuận cốt lõi năm 2022, thì mức tăng trưởng lợi nhuận kế hoạch năm 2023 đạt mức cao (27%).
Nhật HàCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.