PC Đà Nẵng: Áp dụng công nghệ mới về lọc dầu máy biến áp

Doanh nghiệp
06:11 PM 06/07/2022

Vừa qua, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) đã tiếp nhận lò nạp dầu chân không - hỗ trợ cho việc nạp dầu các máy biến áp 110/22kV và 22/0,4kV. Đây là thiết bị có công nghệ mới so với phương pháp nạp dầu thủ công đang được sử dụng.

Thiết bị nạp dầu chân không được đầu tư mới có mã hiệu LCK-MBT-01 do Công ty Cổ phần Thiết bị điện MBT sản xuất. Thiết bị có thể tích 12m3, tổng công suất 12 kW, có 2 vòi nạp, 2 cảm biến mức dầu cùng với xe goong di chuyển máy biến áp vào lò. Hệ bơm hút chân không có công suất 5,5 kW; lưu lượng hút 300m3/h, độ ồn <80dB và độ hút sâu <50mbar đối với bơm cấp 1 (bơm hút thô, mã hiệu SV300B) và <1mbar với bơm cấp 2 (bơm hút tinh, mã hiệu WA/WAU). Lò LCK-MBT-01 được trang bị relay áp suất chân không và được điều khiển bằng phần mềm lập trình PLC thông qua hệ thống nút nhấn trên mặt tủ điện.

PC Đà Nẵng: Áp dụng công nghệ mới về lọc dầu máy biến áp - Ảnh 1.

Lò nạp dầu chân không mã hiệu LCK-MBT-01

Hiện nay, công tác bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và duy tu máy biến áp được Tổ Sửa chữa thuộc Đội Thí nghiệm - Đo lường thực hiện thường xuyên và cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về công việc của PC Đà Nẵng giao.

Tuy nhiên, việc nạp dầu vẫn đang được thực hiện bằng các phương pháp thủ công với nhược điểm là trong quá trình nạp dầu có khả năng không khí sẽ đi vào bên trong các gông từ, bối dây, cách điện rắn dẫn tới hơi nước thâm nhập vào dầu máy biến áp làm suy giảm cách điện bên trong máy biến áp; đồng thời gây hiện tượng tụt dầu sau một thời gian vận hành. Các máy biến áp sau sửa chữa khi được đưa lên lưới sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.

Bên cạnh đó, dầu máy biến áp trước đây đa số phải thay lại bằng dầu mới, không được lọc lại để tái sử dụng, làm tăng chi phí trong quá trình sửa chữa máy biến áp. Do đó, cần trang bị 1 thiết bị lọc dầu chân không để Đội thí nghiệm - Đo lường phục vụ nạp dầu, lọc dầu trong quá trình sửa chữa máy biến áp, từ đó nâng cao hiệu quả sửa chữa, đảm bảo chất lượng, giảm chi phí và đáp ứng nhiệm vụ.

Việc đưa vào sử dụng lò nạp dầu chân không mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế khi giảm đáng kể hàng năm nhờ vào lượng dầu tái sử dụng sau khi lọc, đặc biệt mang lại hiệu quả chính là giảm thiểu nguy cơ gây sự cố máy biến áp từ những rủi ro khi sử dụng phương pháp nạp dầu thủ công, qua đó nâng cao chất lượng vận hành lưới điện 110kV và 22kV.

Phùng Sơn - Anh Minh
Ý kiến của bạn