Phá đường dây sản xuất cồn y tế giả quy mô lớn do 2 anh em ruột làm chủ: Phát hiện chất cực nguy hại
Hàng chục nghìn sản phẩm cồn y tế giả đã bị thu giữ. Sử dụng cồn y tế giả tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm cồn y tế giả
Ngày 15/7, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán cồn y tế giả quy mô lớn.
Theo điều tra, ngày 5/6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra tại các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ thuốc, dược phẩm trên địa bàn Hà Tĩnh, phát hiện, thu giữ hơn 2.000 sản phẩm cồn y tế ethanol 70 và 90 độ mang nhãn hiệu Ngân Hà do Công ty TNHH Đầu tư Dược phẩm Ngân Hà sản xuất, có dấu hiệu là hàng giả, kém chất lượng, báo Tuổi trẻ đưa tin.
Mở rộng điều tra, công an đã khám xét xưởng sản xuất của Công ty TNHH Đầu tư Dược phẩm Ngân Hà (địa chỉ tại thôn Dộc, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội - nay là xã Thanh Oai, Hà Nội), thu giữ thêm 13.812 sản phẩm cồn ethanol 70 và 90 độ dạng chai thành phẩm.

Công an kiểm tra các sản phẩm cồn y tế tại Công ty TNHH Đầu tư Dược phẩm Ngân Hà. (Ảnh: Công an cung cấp/Báo Tuổi Trẻ)
Phát hiện chất cực nguy hại
Kết quả giám định cho thấy các sản phẩm này được sản xuất từ cồn công nghiệp có hàm lượng methanol cao - một chất có thể gây tổn thương thần kinh, mù lòa, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc hoặc hít phải.
Lực lượng chức năng xác định Phạm Đình Dũng (39 tuổi) là giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Dược phẩm Ngân Hà.
Tuy nhiên, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều do Phạm Đình Tuấn (37 tuổi, em trai của Dũng) - nguyên phó chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội (nay là xã Chương Mỹ, Hà Nội) trực tiếp điều hành, quản lý.

Tang vật được sử dụng để pha chế cồn y tế giả. (Ảnh: Công an cung cấp/Báo Tuổi Trẻ)
Từ đầu năm 2025 đến nay, Tuấn đã chỉ đạo Dũng và nhân viên mua cồn công nghiệp 99% (có hàm lượng methanol cao) để pha chế, sản xuất thành phẩm cồn y tế, sau đó dán nhãn mác giả và phân phối ra thị trường, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "sản xuất, buôn bán hàng giả".
Methanol nguy hại thế nào?
Theo Nhà thuốc Long Châu, methanol là 1 chất gây độc cho cơ thể. Nó rất dễ hấp thu qua da, phổi, ruột của con người. Chỉ với một lượng methanol nhỏ đã có thể dẫn đến buồn ngủ, lú lẫn, đau đầu, mất đi khả năng vận động, nếu trở nặng thì có thể dẫn đến hôn mê, suy thở, huyết áp tụt, tim ngừng đập, cuối cùng dẫn đến tử vong.
Khi tiếp xúc trực tiếp với methanol có thể gây viêm da, phát ban, vảy nến, thậm chí là nhiễm trùng da nếu không được xử trí kịp thời.
Ngộ độc methanol rất nguy hiểm bởi đây là loại hoá chất gây nhiễm độc nặng. Nếu uống nhầm có thể gây mù hoặc chết.

Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê đạt hơn 947 nghìn tấn, trị giá 5,4 tỷ USD, tăng 4,5% về lượng và tăng mạnh 66,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.