Phải làm gì khi hacker tấn công Facebook người quen rồi nhắn tin lừa chuyển khoản, vay tiền?

Xã hội
09:13 AM 19/01/2022

Đây là tình trạng không hiếm gặp đối với những người dùng mạng xã hội.

Sự phổ biến của mạng xã hội như Facebook đã giúp con người dễ dàng kết nối với nhau hơn nhưng mặt khác cũng bị nhiều đối tượng sử dụng làm công cụ lừa đảo, tấn công.

Trong tọa đàm "Kết nối an toàn trên mạng xã hội - Làm sao để bảo vệ mình trên mạng xã hội trong thời đại 4.0" do Trung tâm Định hướng & Đào tạo Kỹ năng mềm Love Minds tổ chức, khán giả tên Phương Mai (33 tuổi, ngụ tại đường Ngô Đức Kế, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ lại câu chuyện của mình với luật sư Phạm Quốc Doanh - Đoàn Luật sư Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu: "Thưa luật sư, cách đây vài năm Facebook của tôi bị tấn công, người tấn công đã lấy hình ảnh cá nhân của tôi và đăng trên các hội nhóm công khai và nói rằng tôi có vay mượn họ một số tiền nhưng không trả. Sau đó có những số điện thoại nặc danh spam người thân, gia đình và bạn bè với nội dung đòi tiền.

Tôi đã phải nhờ đến sự trợ giúp của những chuyên gia máy tính để lấy lại Facebook của mình và đính chính lại những thông tin sai lệch kia. Vậy với những tình huống tương tự như vậy thì chúng ta có thể làm thêm điều gì ạ?"

Phải làm gì khi hacker tấn công Facebook người quen rồi nhắn tin lừa chuyển khoản, vay tiền? - Ảnh 1.

Luật sư Phạm Quốc Doanh

Đây là tình huống không hiếm gặp trong thời gian gần đây. Theo vị luật sư, trong trường hợp bạn không vay tiền của những người đó mà họ làm như vậy thì được xét vào hành vi "người lạ dùng thông tin của mình để đăng bài nói xấu mình": xuyên tạc, bịa đặt và gây ra cho người bị hại những tổn hại về vật chất và tình thần. Trong trường hợp này người bị hại cần phải thật bình tĩnh và thực hiện các bước sau:

Thứ nhất: trình báo cho cơ quan công an, lực lượng chức năng nơi người đó sinh sống để cơ quan chức năng yêu cầu họ chấm dứt ngay hành vi đó.

Đối với những người thực hiện hành động xuyên tạc, bịa đặt thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm a, Khoản 3, Điều 101, NĐ 15/2020 quy định:

"Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân "

Trong trường hợp hành vi bịa đặt, vu khống đó gây ra những hậu quả xấu hơn thì có thể sẽ bị xử lý hình sự theo tội vu khống theo điều 156 bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên trong thực tế có nhiều trường hợp rất khó xác định được người tung tin là ai. Khi đó chúng ta có thể liên hệ các bên cung cấp dịch vụ nhà mạng có số thuê bao đó để yêu cầu họ cũng cấp thông tin người sử dụng cho chúng ta.

Nếu trong thực tế nhà mạng không cung cấp thông tin thì chúng ta có thể gửi một đơn yêu cầu cung cấp thông tin theo đường bưu điện theo diện "báo phát" để bên công ty viễn thông xác nhận vào việc đã nhận đơn mà không hồi âm hoặc hồi âm là "không thể cung cấp thông tin người dùng". Sau đó chúng ta làm đơn kèm theo đơn có xác nhận của công ty viễn thông để đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu giải quyết, tìm ra người tung tin để bảo vệ công dân.

Phải làm gì khi hacker tấn công Facebook người quen rồi nhắn tin lừa chuyển khoản, vay tiền? - Ảnh 2.

Một trường hợp khác cũng phổ biến không kém, đó là việc giả mạo bạn bè trên Facebook rồi nhờ chuyển tiền. Trong tọa đàm, khán giả Trang (Nha Trang) cũng chia sẻ câu chuyện tương tự: "Người thân của tôi (em gái) bị hack Facebook và nhờ tôi chuyển khoản số tiền 2.700.000 đồng để giải quyết công việc gấp. Sau khi tôi chuyển khoản thì mới phát hiện ra tài khoản trên đã bị hack và có liên hệ lại với bên ngân hàng mà tôi dùng chuyển khoản. Sau đó được hướng dẫn liên hệ với bên ngân hàng nhận chuyển khoản. Cuối cùng bên ngân hàng nhận chuyển khoản báo là: "Không thể tiết lộ thông tin khách hàng" nên tôi không biết phải làm gì hơn và chịu mất số tiền đó. Không biết trong trường hợp này tôi phải làm thế nào thưa luật sư?".

Luật sư Phạm Quốc Doanh cho rằng hành vi này đã có thể cấu thành tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và đã có thể khởi tố vụ án, điều tra xử lý (với số tiền lừa đảo trên 2.000.000 đồng). Tuy nhiên, trong thực tế tình trạng này quá nhiều và số tiền quá nhỏ nên cơ quan điều tra có thể sẽ không có nhiều "mặn mà" để xử lý triệt để.

Để việc này có thể được xử lý rốt ráo trước tiên người bị hại phải chuẩn bị các chứng cứ có liên quan (tin nhắn, số điện thoại lừa đảo, số tài khoản nhận chuyển tiền,….) sau đó làm đơn yêu cầu xử lý gửi đến cơ quan công an tại địa phương. Nếu cơ quan công an không thụ lý, khởi tố vụ án thì cần trả lời chính thức bằng văn bản lý do tại sao không khởi tố vụ án.

Bên cạnh đó, ngoài việc gửi đơn đề nghị cơ quan công an tại địa phương tiến hành xử lý. Nếu sau một thời gian không nhận được phản hồi chính thức người bị hại có thể đệ đơn lên cơ quan Công an cấp trên hoặc Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc cấp trên để đề nghị được xử lý triệt để.

Hoặc, hướng thứ ba người bị hại có thể gửi đơn yêu cầu đến Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc Hội đồng nhân dân cấp trên (quận, huyện hoặc tỉnh, thành phố) để tố cáo các hành vi nêu trên và đề nghị các cơ quan trên chỉ đạo cơ quan chức năng triệt để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hoàng Thùy
Ý kiến của bạn