Phải làm sao khi bé không chịu bú bình?
Để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể ngay cả khi không có mẹ ở bên, bé cần phải bú bình. Tuy nhiên không phải bé nào cũng chịu bú bình. Vậy phải làm sao khi bé không chịu bú bình?
- 1. Tại sao bé không chịu bú bình?
- 2. Phải làm sao khi bé không chịu bú bình?
- 2.1. Nên cho bé bú khi thực sự đói
- 3. Phải làm gì khi bé làm mọi cách mà vẫn không chịu bú bình?
- 4. Một số cách nhận biết trẻ đủ dinh dưỡng hay không?
Cuộc sống bận rộn, nhiều bà mẹ phải đi làm từ khi em bé được 6 tháng tuổi. Để đảm bảo dinh dưỡng và giúp bé no bụng ngay cả khi mẹ không ở nhà thì trẻ phải học cách bú bình. Tuy nhiên có nhiều bé không chịu bú bình làm ba mẹ long lắng. Vậy phải làm sao khi bé không chịu bú bình là câu hỏi được các bậc phụ huynh quan tâm, tìm hiểu.
1. Tại sao bé không chịu bú bình?
Có nhiều nguyên nhân khiến bé không chịu bú bình như: Bé chưa thực sự đói, bé chưa quen uống sữa bột, núm ti quá cứng, bé mọc răng,...Tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao bé không chịu bú bình giúp ba mẹ đưa ra giải pháp phù hợp.
- Trong thời kỳ còn bú mẹ, trẻ có thể ti mọi lúc kể cả khi không đói. Điều này khiến mẹ lầm tưởng rằng con rất nhanh đói và hay cho bú bình. Thực tế, bé không nhanh đói như mẹ nghĩ, nên nhiều khi không chịu bú bình. Bên cạnh đó, việc chưa quen bú bình cũng là nguyên nhân khiến bé không chịu hợp tác.
- Một số loại bình sữa có núm ti cứng, bé khó mút sữa nên không chịu bú. Bên cạnh đó, việc chưa quen với sữa bột cũng là lý do khiến bé không chịu bú bình.
- Một số bé đến tuổi mọc răng cũng chống đối việc bú bình. Nguyên nhân là do bé bị ngứa lợi nên thích cắn chặt núm ty chứ không mút sữa. Có một số bé khó tính, không chịu bú bình do không quen người lạ hoặc do tư thế bú làm bé khó chịu.
Đọc thêm: Phụ huynh cần làm gì khi trẻ sốt mọc răng?
2. Phải làm sao khi bé không chịu bú bình?
Ba mẹ lo lắng con không đủ chất dinh dưỡng khi bé không chịu bú bình. Vì vậy nhiều người băn khoăn không biết phải làm sao để cải thiện. Dưới đây là một số cách giúp bé dễ dàng hơn khi làm quen với việc bú bình.
2.1. Nên cho bé bú khi thực sự đói
Việc ép bé bú khi không đói khiến trẻ không hợp tác. Do đó, ba mẹ chỉ nên cho bé bú khi bé thực sự đói. Khi đói bé sẽ hợp tác hơn. Trong trường hợp bé đang ăn dặm, ba mẹ không nên để trẻ ăn nhiều. Bởi khi trẻ ăn no sẽ từ chối việc uống sữa.
- Khi cho bé bú bình, ba mẹ nên tạo môi trường yên tĩnh, không xuất hiện những yếu tố khiến trẻ mất tập trung. Đối với trẻ có thói quen ngậm ti giả hoặc đang trong giai đoạn mọc răng thì nên cho bé ngậm núm ti giả trước đó. Sau đó thay núm ti giả bằng bình sữa.
- Ở giai đoạn đầu tập cho bé bú bình, mẹ nên vắt sữa để bé bú cho quen. Khi đã quen với việc bú bình thì thay bằng sữa bột sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên nếu bạn có điều kiện thì nên cho trẻ bú sữa mẹ, bằng cách vắt sữa mỗi ngày. Bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng cân bằng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Thay đổi núm ti nếu núm ti cũ quá cứng làm bé không thích hoặc khó bú. Việc thay núm bình mềm mại để bé cảm thấy thoải mái hơn.
3. Phải làm gì khi bé làm mọi cách mà vẫn không chịu bú bình?
Trong trường hợp bạn thực hiện mọi cách bé vẫn không chịu hợp tác khi bú bình, thì nên thực hiện một số phương pháp dưới đây để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.
- Dùng thìa để đút sữa cho bé. Điều này sẽ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.
- Sử dụng cốc để đút sữa cho bé, điều này vừa an toàn vừa không gây sặc sữa.
Nguồn dinh dưỡng từ sữa rất quan trọng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, ba mẹ nên dùng mọi cách để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng từ sữa cho bé. Trong trường hợp bé không chịu uống sữa ba mẹ nên tăng thực đơn ăn dặm đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện.
Đọc thêm: Giải đáp với mẹ cho con bú: Sữa mẹ loãng có đủ chất không?
4. Một số cách nhận biết trẻ đủ dinh dưỡng hay không?
Nếu trẻ không chịu bú bình ba mẹ cần nhận biết xem bé có đủ nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày hay không. Bạn có thể theo dõi sự phát triển của bé và một số dấu hiệu khác để nhận biết điều này.
- Theo dõi cân nặng của bé theo có đạt tiêu chuẩn theo tháng tuổi hay không. Nếu sau khoảng 2 tuần bé không chịu bú bình nhưng vẫn tăng cân theo tiêu chuẩn thì bé được cung cấp đủ dinh dưỡng. Ngược lại nếu cân nặng không đủ tiêu chuẩn thì nên bổ sung thêm dinh dưỡng cho trẻ.
- Bé đi tiểu ít trong ngày. Điều này cho thấy cơ thể bé không được cung cấp đủ nước. Do đó, ba mẹ nên tìm cách bổ sung thêm nước cho bé thông qua đồ ăn hoặc sữa.
- Khi mới tập bú bình, trẻ sẽ cần một thời gian để thích ứng. Do đó, trước khi cai sữa mẹ bạn nên dành thời gian cho bé làm quen với việc bú bình. Tuy nhiên bạn không nên cho bé tập bú bình quá sớm để tránh tình trạng bé tự cai sữa mẹ.
Trên đây là một vài kiến thức giúp bạn giải quyết nỗi lo phải làm sao khi bé không chịu bú bình? Một lời khuyên cho bạn là nếu thấy bé bú ít nhưng vẫn lên cân đều đặn thì không cần quá lo lắng bởi cơ thể bé vẫn được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Trong trường hợp bé lên cân chậm ba mẹ cần liên hệ các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể.
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.