Phải sớm phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội

Sự kiện
01:42 PM 07/05/2020

Ngày 5-5, phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải đạt được mục tiêu kép, “làm sao tăng trưởng đạt được mục tiêu cần thiết”, không thể và không được để tăng trưởng quá thấp.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2020 

    Mở đầu phát biểu, Thủ tướng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được đẩy lùi. Tuy nhiên, không được chủ quan. Nhân dịp này, Thủ tướng một lần nữa bày tỏ cảm ơn những tấm lòng nhân ái, sự hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của người dân.

    Nhấn mạnh mục tiêu kép, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, đặc biệt cho ý kiến về Nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh (19 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng) thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng.

    Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải sớm phục hồi phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đây là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, của cộng đồng và nhân dân cả nước. Vì vậy, tại phiên họp, cần tập trung ưu tiên khởi động lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển, bên cạnh việc chú ý các biện pháp phòng, chống dịch.

    Thủ tướng cũng đặt vấn đề làm sao tăng trưởng, nhưng đồng thời kiểm soát được lạm phát dưới ngưỡng 4% cũng rất quan trọng, “chứ tăng trưởng mà để lạm phát quá cao thì không còn ý nghĩa”. Bên cạnh kinh tế, Thủ tướng cũng đề nghị bàn về các vấn đề xã hội, trong đó có việc làm sao tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt nhất, an toàn, chất lượng. Phát biểu kết luận phiên họp, cơ bản thống nhất những nội dung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020, Thủ tướng hoan nghênh những ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, thành viên Chính phủ…

    Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất cao cần ban hành nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

    Thủ tướng cho biết, nghị quyết sẽ có một nội dung về sửa Nghị định 68, yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thống nhất để sửa một số điểm về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong bối cảnh chưa sửa kịp Nghị định 68, để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư xây dựng hiện nay. Với nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, cần ban hành ngay thông tư để hướng dẫn trong tháng 5.

    Thủ tướng đề nghị từng đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương sâu sát hơn, giải quyết kịp thời các bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết không để cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức cản trở sự phát triển.
    Tất cả các cơ quan phải thực hiện nghiêm tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên. Phải xắn tay áo lên, vào cuộc, tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển ngành, địa phương mình trong phạm vi được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Các thành viên Chính phủ thể hiện bản lĩnh trí tuệ, đạo đức cách mạng của người lãnh đạo, “không phải quyền anh, quyền tôi lúc này mà chính là vì đất nước, vì dân tộc, vì 100 triệu dân”.

    Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa là 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này.

     Theo ANTĐ

    Ý kiến của bạn
    Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

    Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.