Phân bón có thể chịu thuế VAT 5%
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ quy định áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 5% đối với phân bón nhằm tăng sức cạnh tranh của phân bón trong nước với hàng nhập khẩu, đồng thời thu hẹp đối tượng không chịu thuế này.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) nhằm tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế giá trị gia tăng (VAT).
Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định áp dụng mức thuế suất VAT 5% đối với phân bón nhằm tăng sức cạnh tranh của phân bón trong nước với hàng nhập khẩu, đồng thời thu hẹp đối tượng không chịu VAT.
Đề xuất này của Bộ Tài chính dựa trên các kiến nghị, phản ánh của các doanh nghiệp, bộ ngành. Theo đó, Luật Giá trị gia tăng hiện hành quy định phân bón thuộc đối tượng không chịu VAT.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định nêu trên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã kiến nghị sửa đổi quy định này do doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ… phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm.
Ngoài ra, quy định này cũng gây bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Khó khăn về nguồn vốn nên doanh nghiệp không chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất.
Cùng với kiến nghị của doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính cũng nhận được kiến nghị của Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón cũng phản ánh khó khăn của doanh nghiệp sản xuất phân bón và đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu VAT thuế suất 5%. Lãnh đạo Chính phủ cũng có nhiều văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi chính sách VAT để tháo gỡ khó khăn cho dự án sản xuất phân bón.
Nếu đề xuất tại dự thảo lần này được thông qua, người tiêu dùng mua phân bón sẽ chịu thêm khoản thuế VAT 5%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, giá bán của các mặt hàng này được định giá theo cung - cầu thị trường, việc tính thuế ngược lại có thể giúp người tiêu dùng hưởng lợi.
Bộ phân tích, hàng hóa, dịch vụ mua vào không chịu thuế hoặc thuế suất 5-10%, nếu tính VAT đầu ra là 5% thì doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không phải nộp thuế này. Tức là, số thuế đầu vào được khấu trừ với đầu ra, hoặc hoàn thuế. Do đó, giá thành sản xuất phân bón được giảm xuống, hàng hóa sản xuất trong nước có thêm điều kiện cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, theo Bộ Tài chính.
Cơ quan soạn thảo cũng cho rằng do được khấu trừ VAT, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, có thêm nguồn lực mở rộng đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá bán. Theo đó, người tiêu dùng chọn hàng hóa trong nước sẽ hưởng lợi từ chính sách này.
Mặt khác, Bộ Tài chính dẫn báo cáo tài chính của 5 công ty sản xuất phân bón lớn nhất cho biết, tổng doanh thu năm 2022 của các doanh nghiệp này gần 48.000 tỷ đồng. Nếu áp thuế suất 5%, số thuế VAT đầu ra gần 2.400 tỷ đồng.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.