Phấn đấu thu hút 50 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023

Đầu tư và Tiếp thị
07:15 PM 21/12/2022

Sáng 21/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có các điểm du lịch thu hút khách quốc tế. Tại điểm cầu Quảng Nam có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cùng lãnh đạo các sở, ngành, hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tham dự.

Phấn đấu thu hút 50 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 - Ảnh 1.

Điểm cầu Hội nghị tại Quảng Nam (Ảnh: quangnam.gov.vn)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao những kết quả mà ngành Du lịch Việt Nam đạt được trong năm 2022. Đồng thời đề nghị, hội nghị cần tập trung trao đổi, xem xét một số vấn đề chính: Đánh giá tình hình khách quốc tế vào Việt Nam từ khi chính thức mở cửa trong điều kiện bình thường mới, với phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-1-2021; đề xuất các giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế vào Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới; xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc thu hút, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, tạo sự thống nhất giữa các bên để phục hồi và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã báo cáo tổng quan tình hình đón khách du lịch quốc tế và một số giải pháp trọng tâm thúc đẩy du lịch nước ngoài vào Việt Nam, ngay sau khi mở cửa đến nay. Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 4, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 70.000 lượt, lượng khách quốc tế qua các sân bay của Việt Nam trong tháng 4-2022 đã bằng tổng 3 tháng trước đó cộng lại.

Năm 2022, ước lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 3,5 triệu lượt (bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm 2022). Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng gấp 1,5 lần so với mục tiêu); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.

Hoạt động du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm diễn ra sôi động với nhiều sự kiện du lịch nổi bật, có sức lan toa, khởi sắc. Nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vượt bậc so với năm trước. Nhiều hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh thành phố được triển khai có hiệu quả, tạo tiền đề cho việc hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, góp phần phục hồi ngành du lịch

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã nêu lên một số tồn tại, hạn chế như: Chính sách visa có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng triển khai chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu; nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy hiệu quả; việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, trực tiếp xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế chưa được triển khai…

Năm 2023, Việt Nam phấn đấu thu hút khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Thủ tướng xem xét, đề xuất áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ. Đồng thời, cho phép kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam và đi lại trong nước, tăng nguồn thu từ khách du lịch.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-10-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chiến lược Phát triển Du lịch đến năm 2030, với mục tiêu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, đóng góp 14-15% GDP, nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên đến trên 50%, ngành Du lịch Việt Nam cần phải tập trung cơ cấu lại, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển đồng bộ và bền vững, phải phát triển đồng bộ cả "đôi chân" là du lịch quốc tế và nội địa.

Trong hoàn cảnh mới, cơ hội mới, hiện nay cần có tư duy và cách làm mới, quyết liệt, hiệu quả để thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam; định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với bản sắc văn hóa dân tộc; tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào du lịch; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Phùng Sơn
Ý kiến của bạn