Phận đời “xế chiều” trong mưa dông ngày dịch
Dịch COVID-19 đang tác động đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, khiến biết bao người dân nghèo phải đối mặt với gánh nặng mưu sinh muôn vàn gian khó…
Trong lớp người nghèo đang oằn mình gánh cuộc mưu sinh giữa thời kỳ dịch bệnh này, dáng hình của các cụ ông, cụ bà tuổi xế chiều vẫn không ngại nắng mưa, sớm tối, làm đủ mọi công việc mong kiếm được ít tiền trang trải cuộc sống… đã chạm vào trái tim chúng ta.
Có gì đó nhói đau, xót xa đến tận tâm khảm khi nhìn "những lao động đặc biệt" này trong cuộc mưu sinh ngược xuôi. Càng xót xa hơn khi lắng nghe những tâm sự nghẹn đắng của họ. Để rồi thấy rằng, phía sau những cuộc đời ấy, luôn có những câu chuyện chưa được nói hết, luôn có những nỗi buồn khó gọi thành tên…
Trong cơn giông tầm tã chiều ấy, tôi đã bắt gặp hình ảnh một cụ ông với nét nhìn hao gầy, khắc khổ ngồi co ro bên vỉa hè. Cơn mưa đến bất ngờ đã khiến cụ không kịp thu dọn "hàng hóa" của mình. Đó là một chiếc xe chở đầy trứng ướt nhèm trong gió bụi. Và người qua đường, không có ai dừng lại bên xe trứng. Bởi họ còn đang ngược xuôi tìm lối về nhà.
Trong một góc phố khác, bên ánh đèn đường hắt hiu nhạt nhòa mưa lạnh, một cụ bà đang run run thu dọn gánh hàng của mình. Đó là những mớ rau cải ngọt, vài ba quả bầu, cà tím, mướp ngọt và dăm củ khoai còn sũng nước. Hình ảnh ấy gợi cho ta thấy nhiều hơn cả những giãi bày, mô tả về sự cô quạnh giữa cuộc đời.
Bên cạnh vệ đường tàu, tại một con phố nhỏ nội đô, hình dáng của bà cụ bán nước ngồi trầm lặng một mình trong mưa cũng dấy nên những nỗi buồn khó tả. Ngọn đèn đường hắt lên gương mặt hằn nếp thời gian, chiếc áo mưa giấy sũng ướt không ngăn được những cơn gió mang mưa nặng hạt hắt thẳng vào gương mặt khắc khổ.
Trong cuộc chuyện trò với các cụ ông, cụ bà này sau đó vài ngày, tôi được biết một phần tích cực sau những hình ảnh ấy. Đó là người già khác, dù ở cái tuổi "gần đất xa trời" nhưng đa phần các cụ có tư tưởng "không muốn làm phiền con cái". Các cụ nói rằng "ngày nào còn sức, thì ngày đó chúng tôi còn chịu khó vất vả mưu sinh, để đỡ gánh nặng cho con cháu".
Ra là vậy, những nỗi lo lắng, thương cảm của các bậc cha mẹ tuổi xế chiều dành cho những đứa con đã phương trưởng vẫn cứ luôn đầy ăm ắp. Nhiều đến nỗi, họ quên mất rằng, lẽ ra ở cái tuổi ấy, người già xứng đáng được an nhàn, sống trong sự yêu thương, chăm sóc chu đáo của con cháu, gia đình… Vậy mà, các cụ ông, cụ bà vẫn nhọc nhằn với gánh mưu sinh đè nặng lên những đôi vai gầy guộc. Vẫn chắt chiu từng đồng tiền lẻ mỗi ngày, để cảm thấy bản thân mình "không là gánh nặng của một ai".
Ở một góc độ khác, trầm và buồn hơn, tôi được nghe những câu chuyện, những phận đời éo le. Sống trong cô độc, không người thân, không tiền bạc, cụ bà bán hàng rong trên phố vẫn hàng ngày tiếp tục cuộc mưu sinh của mình, mà không dám nghĩ tới ngày mai. Cụ ông bán vài ba chiếc bật lửa nơi góc đường vẫn cần mẫn chờ khách, lắc đầu vô thức khi được hỏi "sao mưa dông cụ chưa về nhà"…
Cái đói, cái rét vẫn thường trực quanh các cụ, nhưng vì tự trọng, vì đặc tính của lớp người "xưa nay hiếm" không muốn trông chờ sự hỗ trợ của mạnh thường quân hay chế độ phúc lợi xã hội, nên những người già ấy vẫn cần mẫn vượt qua khốn khó, vẫn sống với một niềm lạc quan mà có lẽ chúng ta chưa thể hiểu hết.
Một số cụ già khác, vốn được sinh ra trong thời buổi khó khăn (những năm 1940, 1950 của thế kỷ trước), thì lại giữ nếp suy nghĩ rằng, họ đã không thể nuôi nấng con cái chu đáo, nên "không xứng đáng được đền đáp". Vì vậy, họ tự tách khỏi con cái, tự mình bươn chải cuộc sống với công việc nhặt giấy, lượm ve chai để có thêm thu nhập. Và không giữ liên lạc thường xuyên với những đứa con còn đang ngược xuôi lo cho mái ấm của mình.
Tuổi đã cao, tai nghe không rõ, đôi mắt mờ dần,… nhưng những người già ấy vẫn tiếp tục công cuộc mưu sinh vất vả. Trong thời kỳ dịch bệnh, cuộc mưu sinh ấy càng trắc trở hơn. Nhưng, có một điều rất dễ nhận thấy, đó là dù khó khăn đến mấy, họ vẫn luôn giữ được những nụ cười đôn hậu, chất phác. Họ vẫn tin rằng cuộc sống này còn nhiều điều tốt đẹp.
"Hãy trải nghiệm, để hiểu hơn thời đại mà mình đang sống, hiểu hơn về chính con người mình giữa dòng đời xuôi ngược" - họ đã khuyên tôi như thế.
Nguyễn HạnhDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.