Phản hồi kiến nghị Công ty TNHH Toàn Thắng về hoạt động khoáng sản

Cùng bạn đọc
10:53 AM 13/11/2021

Sau khi Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị đăng 3 bài viết về hoạt động khoáng sản tại mỏ của Công ty TNHH Toàn Thắng, đến nay UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.

Ngày 23/10/2021, Tạp chí nhận được Văn bản số 1535/STTTT-TTra đề ngày 15/10/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An, đề nghị trả lời đơn thư bà Trần Thị Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng. Đơn của bà Toàn ghi ngày 25/8/2021, ở phần "Kính gửi" có đề tên Tạp chí nhưng thực tế không gửi đến Tạp chí.

Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị khẳng định đơn kiến nghị của bà Toàn hoàn toàn không có cơ sở, thậm chí có nội dung không đúng sự thật và được chứng minh bởi chính tài liệu bà Toàn cung cấp. Kèm theo các đơn kiến nghị là Biên bản làm việc ngày 10/8/2021 giữa Công ty Toàn Thắng và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An (Sở TN&MT), Cục Thuế tỉnh Nghệ An và đại diện của huyện và xã (gọi tắt là Biên bản 10/8/2021).

Phản hồi kiến nghị Công ty TNHH Toàn Thắng về hoạt động khoáng sản - Ảnh 1.

Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng cho rằng đã mua diện tích đất hiện dùng làm nơi xả thải trước khi cấp cho Công ty An Lộc Sơn. Tuy nhiên, việc mua bán bằng giấy tay trong trường hợp này không có giá trị pháp lý để công nhận quyền sử dụng đất.

Nội dung kiến nghị không đúng sự thật

Đơn kiến nghị của bà Toàn có nội dung không đúng sự thật khi cho rằng: "Tạp chí phản ánh Công ty TNHH Toàn Thắng xả thải và khai thác khoáng sản trên diện tích đất đã cấp cho Công ty An Lộc Sơn. Thực tế, các bài viết không chỉ ra ai đã khai thác và ai đã xả thải".

Theo Biên bản 10/8/2021, bà Toàn thừa nhận có xả thải trên đất đã cấp phép cho Công ty An Lộc Sơn. Việc này đã bị UBND huyện Quỳ Hợp xử phạt hành vi chiếm đất và buộc trả lại hiện trạng ban đầu. Doanh nghiệp đã nộp phạt ngày 3/6/2021, Biên lai thu tiền phạt số 0010571 tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với số tiền 55.853.000 đồng (bao gồm cả tiền phạt chậm nộp).

Tại sao không xuất trình Báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng để kiểm tra?

Theo Đơn kiến nghị của bà Toàn, doanh nghiệp không khai thác vượt công suất, không trốn thuế. Để chứng minh, lẽ ra phải sử dụng Báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng và các tài liệu khác. Công ty Toàn Thắng được cấp Giấy phép thăm dò mỏ Lèn Chu ngày 2/8/2012 và Giấy phép khai thác ngày 27/7/2018 nên trữ lượng đã khai thác trước đây hoàn toàn không liên quan đến trữ lượng cấp phép cho doanh nghiệp.

Sau khi có giấy phép khai thác, ngày 16/9/2018, bà Trần Thị Toàn, đại diện Công ty Toàn Thắng được Sở TN&MT cùng với đại diện UBND xã Minh Hợp, UBND xã Thọ Hợp gồm Chủ tịch xã và Địa chính xã bàn giao và nhận 11 mốc cắm ranh giới tại hiện trường mỏ Lèn Chu.

Theo Biên bản cắm mốc ranh giới hiện trường: "Các thành phần trên đã tiến hành kiểm tra khảo sát thực địa sử dụng thiết bị đo đạc chuyển vẽ ranh giới, mốc giới theo tọa độ được xác định trên Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường như sau: 1) Số lượng: Mốc cắm ngoài thực địa là 11 mốc được ký hiệu từ (I, II, III…IX, X, XI)", "Chất lượng độ chính xác: Vị trí mốc cắm ngoài thực địa đúng theo tọa độ được xác định trên Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Công ty chịu trách nhiệm quản lý về ranh giới mốc giới để khai thác theo quy định của pháp luật trong khu vực được xác định ngoài thực địa".

Phản hồi kiến nghị Công ty TNHH Toàn Thắng về hoạt động khoáng sản - Ảnh 2.

Biên bản cắm mốc ranh giới 11 mốc tại hiện trường mỏ đá khu vực Lèn Chu với Công ty TNHH Toàn Thắng được thực hiện vào ngày 16/9/2018.

Theo đó, Công ty TNHH Toàn Thắng là đơn vị thăm dò, lập hồ sơ về trữ lượng và các tài liệu khác, sau đó được cấp phép khai thác và nhận bàn giao trên thực địa 11 mốc cắm ranh giới từ Sở TN&MT và đại diện chính quyền cơ sở. Do đó, ý kiến cho rằng khoáng sản bị người khác khai thác trái phép là không có cơ sở.

Theo quy định, chậm nhất đến ngày 31/1/2021, các bản vẽ mặt cắt, báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản năm 2020 phải nộp cho cơ quan chức năng. Các tài liệu cung cấp thông tin như trữ lượng đã khai thác, trữ lượng còn lại, v.v... Tuy nhiên, Biên bản ngày 10/8/2021 không thể hiện các tài liệu nêu trên để các cơ quan chức năng kiểm tra. Đơn kiến nghị của bà Toàn cũng không cho biết trữ lượng còn lại là bao nhiêu. Điều này thể hiện sự bất thường (!).

Biên bản ngày 10/8/2021 cho thấy Công ty TNHH Toàn Thắng không lắp đặt thiết bị giám sát (trạm cân) và Sở TN&MT đã từng nhắc nhở. Mặc dù nêu lý do "chưa có kinh phí" lắp đặt thiết bị giám sát, nhưng Công ty TNHH Toàn Thắng lại có tiền đầu tư nhà xưởng chế biến đá, với 3 dây chuyền cắt đá và khu chứa đá trên diện tích 29.000m2 đất trồng cây lâu năm, mà chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa được thuê đất (đã bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt và doanh nghiệp đã nộp 100.150.000 đồng vào ngày 29/6/2021 theo Biên lai thu tiền phạt số CR/2015 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Nghệ An).

Phản hồi kiến nghị Công ty TNHH Toàn Thắng về hoạt động khoáng sản - Ảnh 3.

Các báo cáo, bản vẽ mặt cắt, báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng có xuất trình hay không cho Đoàn kiểm tra ngày 10/8/2021?

Tài liệu của bà Toàn cũng không chứng minh được doanh nghiệp không khai thác vượt công suất vì công suất là trữ lượng được phép khai thác mỗi năm; trữ lượng đã khai thác và sản lượng khoáng sản đã kê khai là 2 khái niệm khác nhau (597,49m3 là số liệu Công ty TNHH Toàn Thắng khai thuế từ Cục Thuế tỉnh Nghệ An từ khi được cấp phép khai thác từ năm 2018 đến hết năm 2020 - có văn bản từ Cục Thuế cung cấp). Tuy nhiên, nếu không lắp đặt trạm cân thì liệu có đủ cơ sở để xác định việc không khai thác vượt quá công suất?

Về vấn đề thuế, không chỉ Tạp chí, mà cả Chi cục Thuế Phủ Quỳ I là cơ quan quản lý thuế cũng đánh giá "có rủi ro rất cao về thuế" tại Công ty TNHH Toàn Thắng.

Từ năm 2016 đến năm 2019, thời điểm này Công ty TNHH Toàn Thắng chỉ có Giấy phép khai thác số 5215/CP-UBND ngày 4/11/2013, do UBND tỉnh Nghệ An cấp phép tại mỏ Lèn Một và núi Ba Không là khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, đá vôi làm đá chẻ, đá xẻ... Mặc dù mỏ Lèn Chu chưa được khai thác, chưa được thuê đất, nhưng "rất lạ" loại khoáng sản mà Công ty kê khai thuế lại có đá dolomit, đá khối dolomit dùng để xẻ theo nhiều diện tích bề mặt, giống với loại khoáng sản tại giấy phép khai thác mỏ Lèn Chu. Tại sao kê khai bất thường như vậy?

Theo Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, đối với đá dolomite vân gỗ (mã II100104) có đơn giá tính thuế tài nguyên là 18 triệu đồng mỗi 1m3 . Như vậy, việc xác định đơn giá tính thuế tài nguyên không chỉ dựa trên tính chất hóa học của khoáng sản (dolomit) mà còn dựa trên đặc điểm vật lý (vân gỗ). Quy định này phù hợp với thị trường, tránh thất thu ngân sách.

Theo Biên bản 10/8/2021: "Khoáng sản đá dolomit vân gỗ là do Công ty TNHH Toàn Thắng tự đặt". Chính ý kiến của bà Toàn đã cho thấy rõ cần phải thẩm định loại khoáng sản tại mỏ Lèn Chu nhằm xác định đúng đơn giá thuế tài nguyên. Đơn giá doanh nghiệp đang kê khai thuế tài nguyên hiện tại là 7-10 triệu đồng/1m3.

Hơn nữa, nếu không lắp đặt thiết bị giám sát kết nối với cơ quan chức năng thì liệu có đủ cơ sở kết luận doanh nghiệp kê khai đúng hay không? Từ đó, đánh giá có rủi ro về thuế là có căn cứ.

Trong Biên bản ngày 10/8/2021, đại diện UBND xã Minh Hợp cho biết: "Đến thời điểm 2019, Công ty TNHH Toàn Thắng chưa triển khai hoạt động khai thác tại khu vực mỏ Lèn Chu này, thời điểm đó Công ty đang tận thu những cục đá ở bãi thải do trước đây Nông trường 3/2 đã khai thác trước đây...".

Theo Điều 67 Luật Khoáng sản, khai thác tận thu cũng phải được cấp phép, hơn nữa bãi thải nói trên không nằm trong diện tích đất được giao. Việc kê khai loại khoáng sản dolomit từ năm 2016 đến 2019 và ý kiến của UBND xã Minh Hợp trong Biên bản ngày 10/8/2021, cho thấy đặt nghi vấn việc doanh nghiệp đã khai thác mỏ Lèn Chu từ trước khi được cấp phép hoặc trước khi đủ điều kiện khai thác hay nói cách khác là khai thác trái phép là có cơ sở, không phải là suy diễn.

Các cơ quan chức năng vào cuộc

Các bài viết phản ánh những bất thường, vi phạm không phải là sự suy diễn như ý kiến của bà Toàn. Bởi vì, trên thực tế một số hành vi đã bị cơ quan chức năng xử lý và từ đó, Đoàn kiểm tra đã làm việc với doanh nghiệp ngày 10/8/2021, nhiều dấu hiệu sai phạm được ghi nhận trong biên bản, cho thấy cần thiết phải tiếp tục kiểm tra làm rõ.

Vì thế, ngày 17/8/2021, Sở TN&MT có Văn bản số 4707/STN&MT-KS gửi Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, ghi nhận: "Sở Tài nguyên và Môi trường luôn tiếp thu, cảm ơn sự quan tâm phán ánh, góp ý của Tạp chí", và cho biết, cơ quan chức năng sẽ lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về khoáng sản cũng như các lĩnh vực khác đối với Công ty TNHH Toàn Thắng.

Ngày 18/6/2021, Sở Xây dựng Nghệ An có Công văn số 2003/SXD-VLXD gửi UBND tỉnh Nghệ An báo cáo đã hoàn thiện dự thảo Quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về hoạt động khoáng sản. Do dịch bệnh phức tạp, nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Ngày 25/8/2021, Sở Xây dựng tỉnh tiếp tục có Công văn số 2965/SXD-KT&VLXD gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị sớm ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra…

Ngày 24/8/2021, Sở TN&MT có Công văn số 4880/STNMT-KS gửi Cục Thuế tỉnh Nghệ An thông báo Sở Xây dựng tỉnh đang tham mưu UBND tỉnh Nghệ An thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và quy định pháp luật khác có liên quan đối với Công ty TNHH Toàn Thắng.

Phản hồi kiến nghị Công ty TNHH Toàn Thắng về hoạt động khoáng sản - Ảnh 4.

Mỏ Lèn Chu nằm sát mỏ Lèn Một và núi Ba Không mà Công ty TNHH Toàn Thắng đã khai thác từ năm 2013. Và cũng theo Biên bản 10/8/2021, bà Trần Thị Toàn cho biết “chỉ có 1 con đường độc đạo ra khỏi mỏ”.

Trước đó, ngày 13/8/2021, Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 2239/ĐCKS-KSMB đề nghị Sở TN & MT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm tra.

Ngày 6/9/2021, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Nghệ An cũng có Văn bản số 1079/CV-CSKT gửi Cơ quan chức năng đề nghị phối hợp cung cấp hồ sơ kê khai, quyết toán thuế tài nguyên, phí tài nguyên tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, báo cáo tài chính của Công ty TNHH Toàn Thắng từ năm 2018 đến nay.

Ngày 21/10/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3892/QĐ-UB thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành trên cơ sở đề nghị của Sở TN&MT. Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài nguyên & Môi trường làm Trưởng đoàn và có đại diện của Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cục Thuế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND huyện và xã nơi có hoạt động khai thác, Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ, Trung tâm Phát triển quỹ đất, đơn vị có chức năng giám định, kiểm định và đo đạc, thống kê, kiểm kê khoáng sản. Đoàn đã công bố Quyết định 3892/QĐ-UB tại huyện Quỳ Hợp về việc bắt đầu làm việc từ ngày 29/10/2021.

Hiện nay, dư luận đang chờ kết quả kiểm tra toàn diện việc chấp hành pháp luật và trữ lượng còn lại, sản lượng đã khai thác tại các mỏ của Công ty TNHH Toàn Thắng từ Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Nghệ An.

Thái Quảng và Nhóm PV
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.