Phản ứng ngay lập tức sau thông tin du lịch được "cởi trói", loạt cổ phiếu cùng ngành bất ngờ tăng tím trần, thời cơ đã đến?
Trong bối cảnh thị trường giằng co, vẫn có 1 nhóm cổ phiếu "âm thầm" tăng mạnh, VTD phiên 17/2 tăng trần lên 22.500 đồng/cp, OCH hay CTD trên sàn HNX cũng tăng hết biên độ 10%.
Thị trường chứng khoán những phiên đầu xuân Nhâm Dần đang có những nhịp giằng co quanh ngưỡng cản quan trọng 1.500 điểm. Sau những cú sập mạnh hồi cuối năm trước, dòng tiền trở nên không còn dễ dàng, do đó việc có thể xác định được chủ điểm cũng như chọn đúng cổ phiếu được cho sẽ giúp con thuyền đầu tư vượt qua được sóng gió trên thị trường chứng khoán trong năm con Hổ 2022.
Một luận điểm không thể bỏ qua trong năm nay chính là quá trình mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế Việt Nam, trong đó ngành du lịch sẽ được "cởi trói" hoàn toàn. Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến các Bộ, cơ quan tại cuộc họp về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19" từ ngày 15 tháng 3 năm 2022. Đây chính là tín hiệu khả quan nhất về một sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam năm 2022, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới.
Phản ứng rất nhanh với thông tin tích cực trên, loạt cổ phiếu thuộc lĩnh vực du lịch đã bất ngờ tăng kịch trần trong phiên 17/2. Tiêu biểu như VTD của Du lịch Vietourist tăng trần 14,8% lên 22.500 đồng/cp, OCH của Khách sạn và Dịch vụ OCH hay CTC của Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên trên sàn HNX cũng tăng hết biên độ 10% lên 12.100 đồng và 9,4% lên 9.300 đồng/cp. Trên sàn HOSE, DAH, VNG và NVT cũng đồng loạt "tím lịm", SKG cũng tăng tốt 2,6%.
Diễn biến cổ phiếu ngành du lịch trong
Là nhóm cổ phiếu không mấy "tiếng tăm" trên sàn chứng khoán, đặc biệt bối cảnh dịch bệnh khiến ngành du lịch "ngấm đòn" mạnh nhất càng khiến triển vọng của những doanh nghiệp trong thời gian qua hầu như không có gam màu sáng.
Như tại Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên (CTC), doanh thu trong quý 4 giảm mạnh gần một nửa so với cùng kỳ, chỉ còn gần 35 tỷ đồng, dẫn đến LNST là số âm. Theo giải trình, việc dịch bệnh bùng phát đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, đặc biệt là khối dịch vụ kinh doanh nhà hàng khách sạn, trong khi đó các khoản chi phí vẫn phải phân bổ.
Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) tiếp tục có quý thứ 4 lỗ liên tiếp, khép lại năm 2021 với khoản lỗ hơn 65 tỷ đồng. Hiện, tổng lỗ luỹ kế của doanh nghiệp xấp xỉ 708 tỷ đồng, chiếm tới 78% vốn điều lệ của doanh nghiệp (905 tỷ).
Du lịch Thành Thành Công (VNG) cũng có một quý 4/2021 ghi nhận hoạt động tại công ty mẹ thua lỗ, phải nhờ trong kỳ các công ty con cơ cấu danh mục đầu tư làm tăng lợi nhuận tài chính nên VNG mới có thể ghi nhận LNST hợp nhất hơn 1 tỷ đồng. Việc lấy lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính để bù đắp lỗ trong mảng cốt lõi là du lịch cũng tương tự tại một số công ty du lịch khác như VTD.
Khó khăn là vậy, tuy nhiên sự bứt phá đầy mạnh mẽ trong thời gian gần đây trước kỳ vọng tươi sáng cho thấy đây là một trong những nhóm cổ phiếu đầy hứa hẹn trong thời kỳ hậu COVID và nền kinh tế mở cửa trở lại hoàn toàn.
Kể cả các chỉ số từ công cụ của Google trong gần 2 tháng đầu năm 2022 đều đang cho thấy nhu cầu của du khách quốc tế về du lịch Việt Nam có xu hướng gia tăng rõ rệt. Điều này có được nhờ nhiều yếu tố như quá trình thí điểm đón khách quốc tế ngày từ cuối tháng 11/2021, chiến dịch truyền thông "Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) hay nhu cầu đi lại gia tăng vào thời điểm Tết Nguyên đán.
Một khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt nhờ chiến dịch bao phủ vaccine ngừa Covid-19 và mũi tiêm tăng cường, các hoạt động sẽ được tạo điều kiện để dần phục hồi trong trạng thái bình thường mới với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt. Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), năm 2022 sẽ chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của ngành du lịch toàn cầu, qua đó có thể đóng góp 8,6 nghìn tỷ USD và tạo ra hơn 58 triệu việc làm trong năm 2022.
Với những tín hiệu tích cực về gia tăng lượng tìm kiếm quốc tế đối với du lịch Việt Nam ngay trong những tháng đầu năm 2022, cùng với sự chuẩn bị tốt, ngành du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ tận dụng cơ hội sớm mở cửa du lịch quốc tế, nỗ lực phục hồi và sớm lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới. Khi đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp du lịch sẽ trở nên hấp dẫn hơn và có giá trị tăng trưởng bền vững dài hạn.
Phương LinhTheo WB, lộ trình chuyển đổi sang xe điện ở Việt Nam cần tập trung ở 5 trụ cột: sản xuất xe điện, kích cầu tiêu dùng, phát triển hạ tầng sạc, đảm bảo nguồn cung điện, đào tạo nhân lực chất lượng cao.