"Phao cứu sinh" cho vận tải biển
Mặc dù lượng hàng hóa thông qua các cảng có xu hướng tăng, nhưng các doanh nghiệp vận tải biển trong nước vẫn gặp khó trong đại dịch COVID-19.
Theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, dù chịu tác động của dịch COVID-19, nhưng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam quý 1/2020 đạt hơn 159 triệu tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Khó khăn chồng chất
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vận tải biển lại tiếp tục điêu đứng. Ông Nguyễn Công Thắng, hãng tàu GLS – chuyên khai thác tuyến nội địa, cho biết trước đây mỗi tháng trung bình hãng chạy khoảng 10 chuyến tàu từ TP. HCM đi Hải Phòng và ngược lại. Tuy nhiên, từ khi có dịch COVID-19, mỗi tháng đơn vị này chỉ còn khai thác được khoảng 6 chuyến.
Hay như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được xem là “người hùng” của vận tải biển trong nước, nhưng từ khi có dịch COVID-19, doanh thu của doanh nghiệp này giảm khoảng 1.000 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận sẽ giảm khoảng 500 tỷ đồng. Nếu dịch bệnh kéo dài thêm, mức độ thiệt hại sẽ còn lớn hơn nữa.
Hiện nay, đội tàu của Việt Nam có khoảng 1.500 chiếc, trong đó khoảng 500 tàu chạy tuyến quốc tế và hơn 700 tàu chạy tuyến nội địa. Nhưng hầu hết lượng hàng hoá thông qua cảng biển ở Việt Nam lại không được vận tải bởi đội tàu Việt Nam, mà do đội tàu nước ngoài đảm nhận do giá cước rất cạnh tranh và các đội ngũ khai thác của Việt Nam không thể kiếm được hàng cho việc nối tuyến hay chiều ngược lại.
Đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp vận tải biển khan hiếm nguồn hàng, đặc biệt là nguồn hàng từ Trung Quốc. Theo ông Lê Thành Đỏ - Phó giám đốc chi nhánh cảng Đình Vũ (Công ty CP Cảng Hải Phòng) mỗi tháng cảng này sụt giảm hàng chục chuyến tàu chuyên tuyến Trung Quốc vào làm hàng tại đây.
Thiếu hàng, kéo theo sự sụt giảm tiền cước. Bên cạnh đó, thủ tục kiểm soát dịch bệnh gắt gao khiến các tàu gia tăng ngày tàu chờ/chạy tàu rỗng dẫn tới sự tăng vọt về chi phí. Ví dụ, tàu vào làm hàng tại cảng Hải Phòng sẽ phải thực hiện khai báo y tế tại phao số 0 mất rất nhiều thời gian. Chưa kể, nếu tàu có nghi vấn thuyền viên mắc dịch, phải thực hiện cách ly 14 ngày.
Đặc biệt, với vận tải biển, “ngồi chơi” vẫn phải mất tiền. Bởi tàu dừng thì lãi suất ngân hàng vẫn phải trả, tiền lương thuyền viên buộc phải đảm bảo định biên tối thiểu trên tàu vẫn phải trả, máy đèn vẫn phải hoạt động tại cảng dù tàu đang neo chờ,… Ngoài ra, việc cung cấp phụ tùng vật tư cho các tàu phục vụ sửa chữa cũng như việc thay thế và cung ứng thuyền viên đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì hiện nay, hầu hết các cảng đều không làm thủ tục lên bờ cho các thuyền viên nên các thủy thủ sẵn sàng cắm chốt ở tàu đến khi hết dịch.
Gỡ khó cho vận tải biển
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo về giải pháp khắc phục khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ động triển khai thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ vận tải biển; Xem xét miễn, giảm các chi phí của doanh nghiệp (thuế, phí, giá…) thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển về phát triển nguồn nhân lực, hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.
Trong khi đó, Bộ Công thương đã có văn bản gửi UBND thành phố Hải Phòng đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan tại địa phương triển khai các công tác chống dịch mà vẫn đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics phục vụ công tác vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lưu thông tại cảng Hải Phòng. Đồng thời, Bộ Công Thương đề nghị UBND thành phố Hải Phòng xem xét, rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, phí cơ sở hạ tầng... thực hiện hình thức thu phí thuận lợi, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics.
Trước kiến nghị của Bộ Công thương, thành phố Hải Phòng đang xem xét giảm một số mức phí đối với các doanh nghiệp. Theo ông Cáp Trọng Tuấn – Phó Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng, Sở đang đề xuất UBND thành phố xem xét giảm phí dịch vụ hạ tầng cảng biển. “Căn cứ vào từng loại mặt hàng, Sở đang đề xuất thành phố giảm mức phí dịch vụ hạ tầng cảng biển từ 20 – 37% tùy theo mặt hàng” – ông Tuấn nói.
Ngoài ra, các mức phí khác như: phí bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, phí cơ sở hạ tầng... đang được thành phố Hải Phòng khảo sát, đánh giá để có phương án giảm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo ông Bùi Văn Trung - Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, các doanh nghiệp rất mong muốn nhận được sự chia sẻ từ phía Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam, cụ thể: đề nghị giãn thời gian đối với các loại phí, thuế, bảo hiểm; đề xuất Bộ Y tế có cơ chế hỗ trợ như ngành hàng không đối với tàu thuyền, thuyền viên bị cách ly. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải, cảng biển cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước có hỗ trợ tài chính, khoanh nợ, giãn nợ, xóa lãi…
Vinalines cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về thuế, nguồn hàng; kiến nghị các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp của Tổng công ty; Thực hiện cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, khoanh nợ gốc khi chưa xử lý nợ… nhằm hỗ trợ vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID- 19.
Theo Enternews
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.