Pháp: Bảo tàng hàng nhái trong nỗ lực chống hàng giả

Quốc tế
11:50 AM 19/05/2022

Tại Paris (Pháp) có một bảo tàng tên là Musée De La Contrefaçon (Bảo tàng hàng nhái), chuyên trưng bày các hàng giả bị hải quan Pháp thu giữ hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức và sức phân biệt hàng thật - giả cho người dân.

Kinh doanh hàng hiệu giả - vấn nạn toàn cầu

Theo một số ước tính, việc buôn bán các sản phẩm giả có lợi nhuận trị giá 600 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, 10% tổng số hàng hóa có thương hiệu được bán là hàng giả. Người ta ước tính rằng 80% trong số chúng ta từng mua phải hàng giả hoặc hàng nhái.

Những thập niên gần đây, doanh số bán hàng xa xỉ tăng liên tục, song hàng giả còn tăng mạnh hơn, ở mức 10.000% trong 20 năm qua.

Pháp: Bảo tàng hàng nhái trong nỗ lực chống hàng giả - Ảnh 1.

Một cửa hàng hàng nhái ở Fethiye, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Guardian

Con số trên có bằng chứng chứ không chỉ là ước lượng. Một cuộc đột kích của hải quan Pháp đã tịch thu lô vải Louis Vuitton giả đủ để che 54 sân tennis. Một người bán hàng trên nền tảng mua sắm trực tuyến của Trung Quốc tàng trữ 18.500 túi xách, tạp dề và giày dép giả. Tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 2020, gần 700.000 sản phẩm chăm sóc tóc giả đã bị thu giữ.

Hàng giả đang ngày càng tinh vi hơn bất chấp sự phát triển của các công cụ chống hàng giả, con dấu chống giả mạo được kích hoạt bằng nhiệt, số bảo mật, thẻ RFID (nhận dạng tần số vô tuyến)... những công cụ này vẫn không thể phát hiện được hết số lượng hàng giả. Hàng giả đã và vẫn đang tràn lan trên thị trường.

Tại Paris, Pháp, thậm chí có hẳn một bảo tàng với tên gọi Musée De La Contrefaçon (Bảo tàng Hàng nhái), chuyên trưng bày các loại hàng nhái bị hải quan Pháp thu giữ hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức và sức phân biệt hàng thật - giả cho người dân.

Pháp: Bảo tàng hàng nhái trong nỗ lực chống hàng giả - Ảnh 2.

Một gian trưng bày hàng giả ở Bảo tàng Hàng nhái. Ảnh: Musée De La Contrefaçon

Ở Bảo tàng Hàng nhái, các nhân viên có kỹ năng nhận biết được rất nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ việc kiểm tra bất chợt những hành khách sử dụng sản phẩm cao cấp như túi xách, đồng hồ, trang sức... Nếu phát hiện sử dụng hàng nhái sẽ bị tịch thu, phạt tiền hoặc bị kết tội buôn bán hàng giả khi tàng trữ số lượng lớn.

Hàng giả hiện được làm tinh vi tới mức không thể nhận ra nếu không có chuyên gia tư vấn. Như một chiếc túi Chanel 2,55 chần bông nổi tiếng được trưng bày tại đây được hướng dẫn viên cho biết túi giả do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Bản gốc có đường khâu đều đặn và chắc chắn, bản giả được dán lại với nhau.

Một chiếc túi khác trông giống thiết kế của Louis Vuitton nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, những ký tự đã được thay đổi một cách khéo léo theo chữ tượng hình của Hàn Quốc, mô phỏng họa tiết monogram của hãng mốt Pháp. Không một yếu tố nào của thiết kế tương đồng với bản gốc, nhưng hiệu ứng tổng thể thì đậm chất Vuitton.

Sự bùng nổ hàng giả trong hai thập kỷ qua chủ yếu diễn ra ở thị trường tầm trung. Hàng nhái thương hiệu từng được bán trên các quầy hàng ở chợ giờ chỉ cần vài cú nhấp chuột trên Internet. Các sản phẩm giả được thu hút nhiều nhất là hàng hóa cao cấp nhưng vẫn có giá cả phải chăng.

Không có ranh giới rõ ràng nào phân biệt những thứ này với hàng xa xỉ. Thay vì nhấn mạnh đến sự khéo léo và truyền thống, chất lượng vượt trội và tính độc quyền, hàng hóa đại chúng tự bán dựa trên các xu hướng thời trang của người nổi tiếng.

Bjorn Gorgewagers, Giám đốc khu vực của tổ chức chống hàng giả React có 30 năm kinh nghiệm chống buôn bán hàng giả. Công ty này xử lý khoảng 20.000 trường hợp mỗi năm với hơn 300 khách hàng đạo nhái sản phẩm của Adidas, Converse, Nike, Puma, Levi's, Tommy Hilfiger, Playboy... React đã ngăn chặn được 25 triệu vụ làm giả mỗi năm.

Hàng thật thường dễ bị lấy cắp ý tưởng và thiết kế nếu được đặt may trong một số khu công nghiệp đông đúc. Từ đó, họ đánh cắp mẫu mã và sử dụng các chất liệu rẻ tiền để sản xuất hàng loạt sản phẩm tung ra thị trường. Do nhu cầu mua sắm đồ giá rẻ của con người ngày càng tăng, đó chính là lý do khiến các xưởng may hàng giả phát triển mạnh.

Pháp: Bảo tàng hàng nhái trong nỗ lực chống hàng giả - Ảnh 3.

Cơ quan quản lý thị trường tiêu hủy hàng giả ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, năm 2017. Ảnh: Guardian

React được quyền kiểm tra thị trường và cửa hàng bán đồ giả, giám sát các cảng container như Rotterdam, Antwerp và Bremen - nơi tập trung các lô hàng kém chất lượng tuồn vào EU. Bjorn nói: "Một container vận chuyển có thể chứa số sản phẩm giả gấp nghìn lần một vali của kẻ buôn lậu. Nếu chọn đúng cảng, đúng tàu và đúng container, bạn có thể ngăn chặn hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn đồ giảchỉ trong một lần. Nhưng điều này không dễ dàng".

Bảo tàng Hàng nhái trong nỗ lực chống hàng hiệu giả

Nhiều năm qua, Pháp là một trong những quốc gia tích cực chống vấn nạn này. Bảo tàng hàng nhái Musée de la Contrefaçon được xem là một trong những nỗ lực của chính phủ nhằm nâng cao nhận thức người dân. Nằm ở quận 16 của Paris, do Union des Fabricants thành lập năm 1951, Musée de la Contrefaçon có 6 phòng trưng bày hơn 350 mặt hàng gồm quần áo, nước hoa, đồng hồ, túi xách, mỹ phẩm, dụng cụ, đồ dùng vệ sinh cá nhân... 

Dự án ban đầu là ý tưởng của Liên minh các nhà sản xuất, được hỗ trợ bởi chủ tịch lúc bấy giờ là Gaston Louis Vuitton.

Pháp: Bảo tàng hàng nhái trong nỗ lực chống hàng giả - Ảnh 4.

Nước hoa Dior thật (trái) và nhái trưng bày trong bảo tàng Musée de la Contrefaçon. Ảnh: Surla2

Bảo tàng mở cửa từ thứ hai đến thứ sáu, 14h đến 17h30 hàng tuần. Mỗi lượt thăm sẽ kéo dài khoảng 40 phút thì sẽ đi hết được 6 phòng. Giá vé tham quan là hơn 6 USD/người. Nếu khách là nhân viên hải quan, cảnh sát chống hàng giả, cảnh sát nói chung, thì sẽ được vào cửa miễn phí khi tham quan Bảo tàng Hàng nhái.

Thực ra, việc trưng bày hàng giả bên trong bảo tàng không hề đơn giản, vì đó là hàng hóa không được phép lưu hành ở Pháp, khi phát hiện phải cho vào máy hủy hoặc nghiền nát. Ngoài nguồn chính từ hải quan, bảo tàng còn được một số công ty thành viên của Liên minh các nhà sản xuất, là nạn nhân của hàng giả cung cấp các mẫu. Ngoài ra hàng được lấy từ các nền tảng bán hàng trực tuyến, họ cũng có thể cung cấp hàng hóa vi phạm trong các giao dịch gian lận.

Pháp: Bảo tàng hàng nhái trong nỗ lực chống hàng giả - Ảnh 5.

Bảo tàng hàng giả Musée de la Contrefaçon. Ảnh: Musée de la Contrefaçon

Hầu hết hàng giả trong bảo tàng đều được trưng bày bên cạnh sản phẩm gốc. Những mẫu trong tủ kính được lựa chọn với sự đồng ý của các thương hiệu. Các công ty trong Liên minh các Nhà sản xuất thường cho bảo tàng mượn mẫu chính hãng để so sánh. 

Dịch vụ hướng dẫn viên cũng được bảo tàng cung cấp phòng trường hợp khách tham quan không hiểu hết về các sản phẩm trưng bày, do có khá ít chú thích trong những chiếc tủ kính trưng bày.

Mỗi năm, Musée de la Contrefaçon hợp tác hải quan Pháp và các tổ chức thu giữ hàng trái phép, đem về trưng bày, nhằm giúp mọi người phát hiện sản phẩm kém chất lượng. 

Bình An (Theo Guardian/Myshareusa)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.