Phạt đến 200 triệu đồng nếu vi phạm kinh doanh đa cấp

Đầu tư và Tiếp thị
08:36 AM 29/08/2020

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.

Mô hình kinh doanh đa cấp. Hình minh họa

Mô hình kinh doanh đa cấp. Hình minh họa

Cụ thể, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi: yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua bán hàng hóa của người được giới thiệu đó...

Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người tham gia bán hàng đa cấp hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nơi doanh nghiệp chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.

Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi vi phạm: yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về kế hoạch trả thưởng, quy tắc hoạt động, lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp...

Hành vi tham gia hoạt động tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thu lợi bất chính đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác đến dưới 500 triệu đồng, trừ trường hợp quy định.

Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với doanh nghiệp hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi: ký hợp đồng bán hàng đa cấp với cá nhân không đủ điều kiện tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; không chấm dứt hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp khi người tham gia bán hàng đa cấp bị xử phạt về hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về việc lập danh sách đào tạo viên, lưu giữ hồ sơ kèm theo, công bố danh sách đào tạo viên trên trang thông tin điện tử và thông báo tới Bộ Công thương...

Phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi vi phạm: không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về việc thông báo với sở công thương khi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên tại địa phương nơi thương nhân đã được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; không phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình cơ quan chức năng thực hiện trách nhiệm theo dõi, giám sát hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp của thương nhân; trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác, bao gồm cả lợi ích được hưởng theo chương trình khuyến mãi, trong một năm vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của thương nhân...

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện khuyến mãi sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mãi có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác thì sẽ bị phạt tiền từ 60-90 triệu đồng.

Thời gian qua, cơ quan chức năng xử phạt rất nhiều trường hợp công ty kinh doanh đa cấp vi phạm, trong đó vi phạm phổ biến nhất là hành vi vi phạm kinh doanh đa cấp và hợp đồng không đúng với đăng ký, có người bán hàng đa cấp tại các địa phương chưa được cấp phép, chỉ định đào tạo viên không đủ điều kiện.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hoạt động kinh doanh đa cấp hiện nay biến tướng khá nhiều, kéo số lượng các cá nhân bị lừa đảo ngày càng nhiều, gây nhức nhối trong xã hội. Do đó, cần thêm các quy định để siết chặt lĩnh vực này.

Thủy Phạm
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.