Phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ siết chặt hơn từ 1/9
Theo quyết định của Chính phủ, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 sẽ cụ thể, chặt chẽ hơn so với Nghị định số 163/2018/NĐ-CP trước đây.
Để chuẩn bị cho sự ra đời của Nghị định 81, trước đó Bộ Tài chính đã có dự thảo lấy ý kiến các thành viên thị trường nhiều lần kể từ đầu năm đến nay.
Theo đó, từ ngày 1/9/2020, để phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền, doanh nghiệp phải đáp ứng 11 điều kiện sau:
1. Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
2. Có thời gian hoạt động tối thiểu từ 01 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật. Đối với doanh nghiệp được tổ chức lại hoặc chuyển đổi, thời gian hoạt động được tính là thời gian hoạt động của doanh nghiệp bị chia (trong trường hợp chia doanh nghiệp), thời gian hoạt động của doanh nghiệp bị tách (trong trường hợp tách doanh nghiệp), thời gian hoạt động dài nhất trong số các doanh nghiệp bị hợp nhất (trong trường hợp hợp nhất doanh nghiệp), thời gian hoạt động của doanh nghiệp nhận sáp nhập (trong trường hợp sáp nhập công ty), thời gian hoạt động của doanh nghiệp trước và sau khi chuyển đổi (trong trường hợp chuyển đổi công ty).
3. Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định.
4. Ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành là tổ chức được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật.
5. Đảm bảo tuân thủ giới hạn về số lượng nhà đầu tư khi phát hành, giao dịch trái phiếu theo quy định.
6. Có phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận.
7. Thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có).
8. Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
9. Đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
10. Mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 06 tháng, trái phiếu phát hành trong một đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
11. Tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu không phải đáp ứng quy định thứ chín và thứ mười nêu trên.
Đối với phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng từ điều kiện thứ hai đến điều kiện thứ mười một nêu trên.
Được biết, trong quí II/2020 đã có sự gia tăng phát hành trái phiếu doanh nghiệp mạnh, một phần cũng là sự tăng tốc trước của doanh nghiệp khi các điều kiện phát hành bị siết chặt lại.
Bởi vậy, theo Chứng khoán SSI nhận định, các doanh nghiệp có thể tiếp tục tăng mạnh phát hành trước khi Nghị định 81 chính thức có hiệu lực. Sau thời điểm 1/9/2020, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ giảm mạnh, các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành phần lớn sẽ phải chuyển qua phát hành ra công chúng.
Bộ KH&ĐT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất của UBND TP Hà Nội về dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.