Phát huy vai trò của doanh nhân kiều bào trong thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành Nông nghiệp

Sự kiện
12:24 PM 15/02/2022

Nhằm phát huy vai trò cầu nối của kiều bào, kết nối với kiều bào ở nước ngoài để truyền tải các giá trị văn hóa Việt, các sản phẩm sản xuất của Việt Nam nói chung và sản phẩm Nông nghiệp nói riêng ra thị trường thế giới, mới đây, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức "Diễn đàn kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành Nông nghiệp".

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; lãnh đạo các cục, vụ có liên quan của Bộ NN&PTNT; các Bộ, đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài; cùng hàng trăm kiều bào đang làm ăn, sinh sống, đầu tư trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực cùng nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Phát huy vai trò của doanh nhân kiều bào trong thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành Nông nghiệp - Ảnh 1.

Phát huy vai trò của doanh nhân kiều bào trong thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành Nông nghiệp - Ảnh 2.

Diễn đàn với sự tham gia của các Bộ, Ban, ngành, cơ quan cùng hàng trăm kiều bào đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành Nông nghiệp đang tập trung phát triển các chuỗi giá trị nông sản, các chủ thể trong sản xuất để kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu.

Với sự nỗ lực của toàn hệ thống, ngành Nông nghiệp liên tục tăng trưởng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tục tăng cao từ 4,2 tỷ USD năm 2000 tăng lên 48,6 tỷ USD vào năm 2021. Hàng hoá nông lâm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi trên 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch COVID-19 trong năm 2021, có thời điểm chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản tại nhiều tỉnh, thành phía Nam đã bị gián đoạn do giãn cách. Tuy nhiên, toàn ngành vẫn vượt khó, đảm bảo cung ứng thực phẩm trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, thặng dư thương mại lên đến 6,44 tỷ USD.

Phát huy vai trò của doanh nhân kiều bào trong thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành Nông nghiệp - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ tại Diễn đàn

Có được kết quả tích cực này, Thứ trưởng Trần Thành Nam nhấn mạnh và đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực từ các kiều bào. Mỗi bà con kiều bào đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước.

Kiều bào còn đóng góp đưa về tri thức và kinh nghiệm giúp ngành Nông nghiệp chuyển mình những công nghệ mới, mô hình sản xuất tiên tiến vào sản xuất như nuôi tôm công nghệ cao, phân bón thông minh, bao bì bảo quản nông sản đa lớp…

Thay mặt cho Bộ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cảm ơn sự hỗ trợ và đồng hành của bà con kiều bào với ngành Nông nghiệp trong thời gian qua. Đồng thời mong bà con tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, Thứ trưởng mong bà con giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo Chương trình quốc gia Mỗi làng một sản phẩm của Việt Nam. Bà con cũng là kênh truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, đưa nông nghiệp Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và là Trung tâm chế biến, logistics trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu…

Cùng với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cũng đánh giá, thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) vui mừng khi được chứng kiến nhiều hoạt động đóng góp thiết thực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước. Ngoài ra, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương.

Phát huy vai trò của doanh nhân kiều bào trong thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành Nông nghiệp - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Diễn đàn

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm. Bộ sẽ tích cực cung cấp thông tin, tăng cường tuyên truyền để phổ biến và tận dụng các lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Bá Linh - Giám đốc Pacific Foods – doanh nghiệp có kinh nghiệm đưa nước mắm tiếp cận sàn giao dịch Amazon, cũng thành công trong việc đưa vải thiều sang châu Âu, xuất gạo ST25 sang Canada và Anh cho biết để đưa được sản phẩm ra quốc tế, doanh nghiệp rất chú trọng phát triển chất lượng và coi đây là một vinh dự, niềm tự hào.

Phát huy vai trò của doanh nhân kiều bào trong thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành Nông nghiệp - Ảnh 5.

Ông Lê Bá Linh - Giám đốc Pacific Foods

Theo ông Linh, để đưa nông sản Việt ra thế giới, doanh nghiệp cần biết nắm bắt cơ hội. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhà nước cần có cơ chế giảm thuế, phí với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Doanh nghiệp nên được tạo cơ chế phát hành trái phiếu để tạo nguồn vốn, sớm phục hồi sau đại dịch.

Trong xu hướng hội nhập kinh tế, Việt Nam hưởng lợi từ các FTA thế hệ mới. Nhưng cùng với đó, hàng rào kỹ thuật sẽ được nâng lên. Vì thế, ông Linh đề nghị các bên có một giải pháp tổng thể, kịp thời, cập nhật các xu hướng kinh tế mới để các doanh nghiệp trong đó có Pacific Foods phát triển hơn nữa trong tương lai.

Theo ông Võ Văn Long – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức - Chủ tịch Tập đoàn Thăng Long - là doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, nhà hàng với 30 cửa hàng trên khắp nước Đức và Đông Âu, cần tận dụng thế mạnh cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là hơn 220.000 người Việt Nam đang sinh sống ở Đức làm cầu nối tiêu thụ nông sản của Việt Nam.

Ông Võ Văn Long cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang Đức một cách ngắn nhất, tiết kiệm nhất thì phải kết hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, coi các doanh nghiệp của người Việt tại Đức là cầu nối, là điểm giao hàng, điểm có thể tiếp cận được thị trường này.

Ông Nguyễn Quốc Sỹ - Viện sỹ hàn lâm Viện Khoa học Kỹ thuật Điện Liên bang Nga, cho rằng để đưa được sản phẩm Việt Nam ra thế giới, thì trước hết phải đưa được khoa học công nghệ thế giới vào Việt Nam. Một trong số những công nghệ được ông Sỹ đánh giá khá đặc biệt và cần thiết cho đầu ra của nông sản Việt Nam đó là công nghệ khử khuẩn Palsma. Công nghệ này giúp khử khuẩn nấm mốc, nấm men, hoa quả, nông sản, thực phẩm… giúp cho việc bảo quản nông sản trong quá trình xuất khẩu đảm bảo được chất lượng và đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, từ đó nâng cao giá trị của hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài.   

Cùng với đó, ông Sỹ cho rằng Việt Nam đang bị hạn chế do thiếu tri thức, thiếu công nghệ. "Nguồn lực rất quan trọng là tri thức, tôi tha thiết mong muốn Bộ NN-PTNT và Bộ Ngoại giao kết nối mạnh hơn với kiều bào, và cả nguồn lực, mối quan hệ của kiều bào với các chuyên gia quốc tế để mang khoa học công nghệ về nước", ông Sỹ chia sẻ.

Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mong muốn mỗi kiều bào sẽ là một "đại sứ" nông nghiệp Việt Nam tại nước sở tại để các nước biết nhiều hơn đến Việt Nam thông qua các mặt hàng nông sản.

Phát huy vai trò của doanh nhân kiều bào trong thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành Nông nghiệp - Ảnh 6.

Ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn

"Với việc Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, chú trọng thị trường xuất khẩu nông sản, do đó, mong rằng bà con kiều bào sẽ là người hỗ trợ giúp cho Bộ NN&PTNT, giúp cho hàng chục triệu hộ nông dân kết nối giao thương nông sản bền vững, thị trường luôn rộng mở" – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Trịnh Đồng - Lê Thủy
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.