Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn mới

Doanh nhân
11:08 AM 14/10/2024

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, những năm qua đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực cố gắng, không ngừng lớn mạnh, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, các doanh nghiệp luôn là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trên địa bàn. Ở lĩnh vực nào đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cũng ghi dấu ấn và sự cống hiến to lớn của mình cho xã hội.

Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn mới- Ảnh 1.

Doanh nghiệp Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số.

Theo báo cáo tại lễ tôn vinh mới đây, Thanh Hóa có trên 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp thành lập mới luôn đứng trong nhóm đầu cả nước. Khu vực doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất trong quy mô nền kinh tế, với khoảng 65% GRDP của tỉnh; nộp ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 51% tổng thu nội địa; tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và của đất nước.

Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình cho biết: Là một địa phương luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Thanh Hóa đã sớm được hưởng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Nếu như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị vạch ra những đường hướng lớn về một Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh, thì Nghị quyết số 37 của Quốc hội như một đòn bẩy cơ chế, thôi thúc tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, từng bước hiện thực hóa khát vọng về một Thanh Hóa "kiểu mẫu".

Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu và khát vọng phát triển tỉnh Thanh Hóa như tinh thần Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, thì một trong những yêu cầu, đòi hỏi quan trọng là phải xây dựng được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Thanh Hóa lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh tầm khu vực và thế giới.

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, ông Cao Tiến Đoan cho biết: Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 38 nghìn doanh nghiệp đang ký thành lập. Doanh nghiệp tại Thanh Hóa chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực. Trong những năm qua, mặc dù bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, dưới sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HDDND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành; sự đồng lòng, quyết tâm cao của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa ngày càng có bước phát triển nổi trội.

Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn mới- Ảnh 2.

Công ty TNHH Triệu Thái Sơn là đơn vị chuyên sản xuất ván ép xuất khẩu.

Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh có hơn 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 430.000 lao động; nộp ngân sách nhà nước trên 10.063 tỷ đồng, chiếm khoảng 23 % tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh, gấp 1,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân còn tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, khuyến tài, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt...

Những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nhân đã tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện. 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Thanh Hóa ước đạt 12,46%, đứng thứ 2 cả nước (sau Bắc Giang tăng 13,89%); thu ngân sách Nhà nước ước đạt 42.695 tỷ đồng vượt 20% dự toán và tăng 44,7% so với cùng kỳ, lọt Top 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.

Với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội của tỉnh Thanh Hóa đã và đang mở ra triển vọng phát triển tươi sáng cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Bên cạnh đó, sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đã tiếp thêm động lực và niềm tin để các doanh nghiệp nỗ lực cống hiến, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển, tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng, là lực lượng nồng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lý giải cho sự trưởng thành nhanh chóng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 173-KH/TU ngày 30/1/2023; UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 12/01/2024.

Kế hoạch 16 đề ra mục tiêu: Phát triển đội ngũ doanh nhân Thanh Hóa lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, văn hóa, năng động, sáng tạo, tuân thủ pháp luật, làm giàu chính đáng; có năng lực quản trị tiên tiến, trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, hình thành một số doanh nghiệp lớn tầm cỡ trong nước và khu vực Đông Nam Á; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh, làm chủ một số chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thi cũng chỉ ra rằng: Đứng trước yêu cầu mới của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế như: Phần lớn các doanh nghiệp quy mô sản xuất, kinh doanh còn ở mức vừa và nhỏ, rất ít doanh nghiệp có quy mô lớn, cơ cấu các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề còn chưa hợp lý; việc ứng dụng khoa học và chuyển đổi số còn chậm; kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh chưa nhiều, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn thấp; đội ngũ doanh nhân còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, và khả năng cạnh tranh và hội nhập... một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân hiệu quả chưa cao.

Với quan điểm "lấy doanh nghiệp phát triển để làm động lực cho Thanh Hóa thịnh vượng", tỉnh Thanh Hóa cam kết luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Thanh Hóa luôn quan tâm lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách, đề ra nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát triển doanh nghiệp doanh nhân.

Đồng thời, chú trọng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật để doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn yên tâm đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Hà Nội phê duyệt thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội phê duyệt thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công

Việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Hà Nội là bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.