Phát huy vai trò của kinh tế tập thể

Diễn đàn
07:01 PM 29/10/2023

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, trong đó kinh tế tập thể được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên thời gian qua, trước một số hạn chế bất cập trong hoạt động kinh tế tập thể đã xuất hiện một số ý kiến bày tỏ sự hoài nghi, thậm chí một số đối tượng thiếu thiện chí tung ra những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận, đòi xóa bỏ mô hình kinh tế tập thể. Thực tế này đặt ra yêu cầu mỗi chúng ta cần đánh giá đúng đắn vai trò của kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay.

Phát huy vai trò của kinh tế tập thể - Ảnh 1.

Sản phẩm măng tây của HTX nông nghiệp hữu cơ Quỳnh Phụ, ảnh Lưu Ngần

Kinh tế tập thể ở nước ta hiện nay là thành phần kinh tế có hình thức đa dạng (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) với nòng cốt là hợp tác xã (HTX)  phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể.

Tại Thái Bình, toàn tỉnh có 344 HTX nông nghiệp (chiếm 75,3% tổng số HTX toàn tỉnh), 1 Liên hiệp HTX (Liên hiệp HTX nông dược Thái Bình)  và khoảng 181 tổ hợp tác trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản. Tổng số hộ thành viên hợp tác xã hiện nay là 414.294 hộ thành viên; bình quân mỗi hợp tác xã có 1.204 hộ thành viên. Số lao động trong HTX là 6.659 người, bình quân 19 lao động/HTX, chủ yếu trong các tổ đội dịch vụ thủy nông, cung ứng vật tư nông nghiệp. Đây là thành phần kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt cho người lao động, góp phần làm giảm sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội bởi kinh tế tập thể tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc các thành viên cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi.

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, những năm qua Thái Bình tích cực triển khai Luật HTX và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức triển khai thực hiện tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết TW5 khóa IX; 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 đối với các hợp tác xã trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, nghề muối. Cùng với đó, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý HTX là Giám đốc , Trưởng ban Kiểm soát, kế toán HTX, các tổ đội dịch vụ nông nghiệp... Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và chế biến, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ các HTX tham gia chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm.

Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của tỉnh và ngành hữu quan nên trong những năm qua, kinh tế tập thể đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Các HTX, Tổ hợp tác, Liên hiệp HTX đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc chuyển tải, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước đến nông dân; chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cùng với chính quyền địa phương tổ chức chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, HTX đóng vai trò nòng cốt trong quy hoạch, phân vùng, bố trí sản xuất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển cây màu vụ đông. Vận động thành viên tham gia dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, đào đắp bờ vùng, bờ thửa, củng cố giao thông, thủy lợi nội đồng... 

Các dịch vụ được mở rộng cả về số lượng và quy mô với nhiều loại hình sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, giúp bình ổn giá cả khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển. Các HTX  mới thành lập tham gia tích cực vào thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tại địa phương.  Đã hình thành xu thế hợp tác, liên kết giữa HTX với hộ thành viên và các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nâng cao thu nhập kinh tế hộ thành viên.

Phát huy vai trò của kinh tế tập thể - Ảnh 2.

Vùng trồng rau xà lách của HTX SXKD nông nghiệp xanh xã Trung An (Vũ Thư), ảnh Lưu Ngần

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể trong tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình.

Nhìn chung số lượng HTX  có tăng nhưng số lượng các thành viên trong HTX lại có xu hướng giảm. Trình độ quản lý, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý HTX còn thấp, thiếu tính năng động, sáng tạo thích ứng với cơ chế thị trường. Quy mô, năng lực hoạt động của nhiều HTX còn nhỏ, nguồn lực thấp, cơ sở hạ tầng thiếu tính đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Việc liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên có tính bền vững thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao...

Những hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế tập thể do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do: Quy mô của các HTX nông nghiệp nhỏ, hoạt động trên địa bàn xã, thôn nên năng lực hoạt động có những hạn chế nhất định. Sản xuất của hộ thành viên hiện nay chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất hàng hoá quy mô lớn chưa phát triển nên nhu cầu hợp tác chưa cao, đất sản xuất nông nghiệp manh mún, cơ sở vật chất hạ tầng của HTX chưa đáp ứng được nhu cầu hợp tác sản xuất trong điều kiện mới hiện nay. Ngoài ra còn do công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước về củng cố và phát triển kinh tế tập thể chưa mạnh, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của kinh tế tập thể nên chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động phát triển HTX. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn chồng chéo, không cụ thể rõ ràng nên hiệu quả quản lý chưa cao.

Năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể của Thái Bình được đặt trong kế hoạch kinh tế tập thể 5 năm (2021-2025) của tỉnh; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và định hướng những năm tiếp theo. Theo đó, Thái Bình tiếp tục củng cố, mở rộng và phát triển kinh tế tập thể trong đó hình thức hợp tác xã là nòng cốt; khuyến khích phát triển hợp tác xã trong các lĩnh vực nông nghiệp chuyên ngành, chuyên lĩnh vực; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, lồng ghép việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ thành viên.

Để tiếp tục củng cố, phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để thống nhất và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhất là những người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý,  HTX nông nghiệp; trong đó, chú trọng nâng cao năng lực quản trị kinh doanh tiếp cận thị trường của cán bộ quản lý HTX. Cùng với đó, mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ của HTX nông nghiệp để thích ứng với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở chủ trương tập trung tích tụ ruộng đất, trọng tâm là dịch vụ cung ứng đầu vào và dịch vụ tiêu thụ các sản phẩm chủ lực tại địa phương. Thúc đẩy phát triển và nhân rộng các mô hình HTX thực hiện chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó liên kết HTX-doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc tham gia vào chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản… 

Phan Lợi, Châu Nguyên
Ý kiến của bạn
Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng

Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.