Phát lộ nhiều doanh nghiệp nhà nước lỗ ngàn tỷ, nợ nần chồng chất
Kiểm toán Nhà nước phát lộ thêm nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước thua lỗ ngàn tỷ, nợ nần chồng chất, nguy cơ mất an toàn tài chính.
Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2018 của 235 doanh nghiệp thuộc 36 tập đoàn, tổng công ty và công ty.
Lộ thêm nhiều doanh nghiệp thua lỗ
Trong báo cáo kết quả kiểm toán gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết: Kết quả kiểm toán cho thấy 31/36 doanh nghiệp được kiểm toán sản xuất kinh doanh có lãi; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, thu nhập bình quân của người lao động tại một số đơn vị đạt tương đối cao.
Nhiều doanh nghiệp vẫn ngập trong thua lỗ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, một số đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, tập trung ở một số đơn vị như Tập đoàn hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Xi măng Việt Nam...
Cụ thể, Công ty CP Hóa chất và Phân đạm Hà Bắc của Vinachem có hệ số nợ phải trả lên tới 73,72 lần; Các công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp 17,71 lần; Petrolimex có Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào 50 lần; Lilama: Công ty CP Lilama 69-3 là 9,17 lần, Công ty mẹ 7,23 lần…
Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính hoặc được đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt như Công ty CP Hàng không Jestar Pacific Airlines, Hãng hàng không quốc gia Angkor Air; Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP - Vinachem...
Ngoài ra, Công ty mẹ - Vinachem không có khả năng thanh toán khoản vay đến hạn nợ gốc và lãi quá hạn tại thời điểm 31/7/2019 là 1.000 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, nhiều công ty con của các tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ lớn. Lỗ lũy kế đến 31/12/2018 của Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp là 1.103 tỷ đồng, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc 2.642 tỷ đồng, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem 1.836 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn 1.507 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cao su 344 tỷ đồng…
Một số khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn. Cụ thể, Công ty mẹ - Vicem có 1 công ty đang làm thủ tục giải thể; 5 công ty liên kết lỗ lũy kế đến 31/12/2018 là 766 tỷ đồng;
Còn Công ty mẹ - VNA đầu tư vào Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn lỗ lũy kế đến 31/12/2018 là 139 tỷ đồng; Hãng hàng không Cambodia Angkor Air 44,25 triệu USD (lớn hơn lỗ kế hoạch là 6,96 triệu USD); công ty mẹ - Vinaincon đầu tư dài hạn tại 2 đơn vị có lỗ lũy kế 1.079 tỷ đồng...
Công ty mẹ - Saigontourist, 10 công ty liên kết lỗ lũy kế 231 tỷ đồng, đầu tư dài hạn tại 5 công ty có lỗ lũy kế 4.536 tỷ đồng; Công ty mẹ - VRG, 11 công ty liên kết lỗ lũy kế 1.050 tỷ đồng, đầu tư dài hạn khác tại 3 công ty có lỗ lũy kế 134 tỷ đồng...
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tình trạng một số đơn vị đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả. Công ty mẹ - TKV đã giải thể Công ty liên doanh Khoáng sản Steung Treng và xử lý 55 tỷ đồng tiền đầu tư bằng nguồn dự phòng đã trích lập; đang triển khai thủ tục giải thể Công ty TNHH Vinacomin Lào (số tiền đầu tư 120 tỷ đồng); dừng hoạt động Công ty Alumina Campuchia - Việt Nam (số tiền đầu tư 187 tỷ đồng).
Công ty mẹ - Petrolimex đưa Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào vào diện giám sát tài chính đặc biệt tháng 2/2019 (số tiền đầu tư 68 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2018 là 46 tỷ đồng).
Quản lý lỏng lẻo
Theo Kiểm toán Nhà nước, việc quản lý chi phí, giá thành sản phẩm tại nhiều doanh nghiệp chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh chưa phù hợp với thực tế; chưa ban hành quy định về phân phối tiền lương , trích quỹ lương vượt quy định, chi vượt quỹ lương được duyệt , chưa đóng đầy đủ các loại bảo hiểm bắt buộc cho người lao động .
Ngoài ra, Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn không phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà chuyển vào quỹ công đoàn 12,2 tỷ đồng tiền thu từ hoạt động cho thuê mặt bằng.
Một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách. Qua kiểm toán xác định tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phải nộp tăng thêm (ACV 63,88 tỷ đồng; VNA 25,67 tỷ đồng; Saigontourist 25,6 tỷ đồng); Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn chuyển nhượng dự án hình thành trong tương lai khi chưa được UBND TP.HCM chấp thuận.
Ngoài ra, qua kiểm toán đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tập đoàn, tổng công ty cho thấy: Phê duyệt dự án chưa có trong danh mục quy hoạch, quy hoạch vùng, ngành; trình thông qua chủ trương đầu tư khi chưa được xem xét, thẩm định, không đáp ứng yêu cầu về sự cần thiết đầu tư.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp có nguồn vay thương mại lớn trong khi hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao, ảnh hướng đến an toàn tài chính doanh nghiệp. Đơn cử Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty CP than Núi Béo được thông qua kế hoạch đầu tư 689 tỷ đồng năm 2016, 1.164 tỷ đồng năm 2017 và 1.339 tỷ đồng năm 2018 trong khi theo số liệu Báo cáo tài chính đến 31/12/2017 đơn vị có tỷ lệ nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu = 4,62 lần (2.227 tỷ đồng/481 tỷ đồng).
Kinh tế Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp; ở trong nước, các tỉnh thành phố phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, Hà Nội đạt được kết quả GRDP 6,12% trong 9 tháng rất quan trọng và đáng ghi nhận.