Phát minh công nghệ chống dịch Covid-19 ở thế giới và Việt Nam: Từ camera nhắc nhở người không đeo khẩu trang đến phân tích... nước thải để phát hiện virus
Từ những phát minh cơ bản cho đến những nghiên cứu có vẻ kỳ lạ, những sáng kiến này đều có một mục đích nhằm phát hiện và chống lại đại dịch.
Mỹ – Thiết bị phát sáng nếu phát hiện virus trong không khí
Vào năm 2020, công ty Senseware (Mỹ) đã phát minh ra một thiết bị gắn tường có tên là Jellyfish. Đây là một thiết bị có kích thước nhỏ gọn, có chức năng phát hiện virus SARS-CoV-2 nhờ ứng dụng công nghệ phản quang. Nghĩa là, khi trong không khí xuất hiện virus thì thiết bị này sẽ phát sáng và sau đó các tín hiệu sẽ được gửi về máy chủ.
Trả lời phỏng vấn với trang tin Fox4, Giám đốc Senseware, Serene Al Momen chia sẻ: "Jellyfish dựa trên cơ chế phát quang của sứa để phát hiện virus và các kháng thể đặc hiệu đối với mầm bệnh, do đó khi virus Covid-19 xuất hiện, thiết bị sẽ phát sáng để báo hiệu cho mọi người xung quanh".
Thiết bị Jellyfish. Nguồn: Fox4
Theo miêu tả, Jellyfish phản ứng rất nhanh, chỉ trong vòng vài phút đã đưa ra kết quả. Vì vậy, thiết bị này thường đặt ở những nơi công cộng có nhiều người qua lại như trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn.
Pháp – Phân tích nước thải để phát hiện virus
Trong khi đó, thủ đô Paris (Pháp) lại áp dụng phương pháp phân tích nước thải để kiểm soát sự lây lan của virus mà không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Khi chia sẻ về phương pháp này với trang tin ABC (Mỹ), ông Laurent Moulin, trưởng phòng xét nghiệm của Eau De Paris cho biết đây là cách nhanh và hiệu quả và tổng thể nhất để phát hiện ra virus thông qua việc phân tích mẫu gen trong các mẫu nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình vì không phải ai cũng đến được bệnh viện, không phải ai cũng có những biểu hiện nhiễm bệnh.
Nhà khoa học ở Eau De Paris đang phân tích mẫu nước thải. Nguồn: ABCnews
Trả lời phỏng vấn với ABC, chuyên gia nghiên cứu bệnh truyền nhiễm John Brownstein cho biết đây là phương pháp có tính khả quan khi giúp phát hiện virus trên diện rộng, ở các bộ phận dân cư khác nhau, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí so với cách lấy mẫu thông thường.
"Dịch tễ học nước thải đại diện cho một cơ hội hoàn toàn mới, nghĩa là họ có khả năng phát hiện ra bệnh tật ngay cả trước khi mọi người biết rằng họ đang bị bệnh", ông nói.
Việt Nam – Camera phát hiện người không đeo khẩu trang
Trong bối cảnh dịch bệnh phải hạn chế tiếp xúc như hiện nay thì việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn hay điện toán đám mây đã cho thấy những hiệu quả đáng kể trong phòng chống dịch bệnh.
Một trong số những ứng dụng đáng để kể đến đó là việc sử dụng camera tích hợp trí tuệ nhân tạo để truy vết, giám sát tự động các trường hợp tiếp xúc gần, các khu cách ly và nơi công cộng. Qua đó phần nào san sẻ gánh nặng cho các cán bộ y tế trong công tác quan lý cách ly, phòng chống dịch.
Camera AI được sáng tạo bởi một công ty startup Việt là HANET Technology, có thể phát hiện người không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách từ khoảng cách xa đến 8m, tại những nơi tập trung đông người và đưa ra lời nhắc nhở "Yêu cầu đeo khẩu trang" ngay lập tức.
Tính năng này giúp kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm trong cộng đồng, giảm lây lan dịch bệnh ở môi trường đông người và khó truy vết mà không cần bất kỳ ai tới tiếp xúc và nhắc trực tiếp. Hiện tại, HANET AI Camera ghi nhớ được tối đa 50.000 gương mặt, hỗ trợ tìm kiếm hơn 100 triệu người, và đang được sử dụng thí điểm ở bệnh viện tim Hà Nội khoảng 1 tháng nay.
Trước đó, HANET Technology và Tập đoàn Công nghệ G-Group đã triển khai kế hoạch tài trợ giai đoạn đầu 1.000 Camera AI phục vụ công tác phòng chống dịch cũng như giám sát tự động cho người cách ly.
Theo đó, tại mỗi khu cách ly, AI Camera sẽ đóng vai trò điểm danh và quản lý số lượng người cách ly khi được lắp đặt tại cửa ra vào. Người cách ly vẫn đeo khẩu trang, chỉ cần bước đến gần camera là có thể nhận diện. Quy trình điểm danh và thống kê hoàn toàn tự động, cắt bỏ công đoạn kiểm đếm thủ công mất thời gian và dễ nhầm lẫn.
Những thiết bị công nghệ cao như Camera AI khi được đưa vào sử dụng sẽ giảm thiểu đáng kể khối lượng công việc cho các cán bộ, nhân viên phòng chống dịch Covid-19. Những F0, F1 trong các khu cách ly tập trung, khu cách ly tư nhân hoặc cách ly tại nhà sẽ được giám sát tự động 100%, từ đó san sẻ gánh nặng cho công tác quản lý cách ly trực tiếp tại các tỉnh, thành.
Việt Nam – Vòng tay theo dõi cách ly và quản lý thân nhiệt
Vòng đeo tay điện tử G-Track là thiết bị theo dõi cách ly và kiểm soát thân nhiệt hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 được nghiên cứu, sản xuất bởi Công ty công nghệ cao G-Innovations (G-Innovations JSC.), trực thuộc Tập đoàn công nghệ G-Group.
Với bề dày kinh nghiệm nhiều năm làm công tác nghiên cứu phát triển công nghệ lõi, G-Innovations chỉ mất 3 tuần để tích hợp và phát triển ý tưởng cho vòng đeo tay điện tử G-Track. Vòng đeo tay điện tử G-Track sẽ ra mắt 2 phiên bản: G-Track Bluetooth và G-Track GPS.
G-track, vòng tay theo dõi cách ly và quản lý thân nhiệt
Vòng tay này dự kiến dùng trong các trường hợp người dùng không sử dụng smartphone như trong nhà máy, sử dụng cho người già… để hỗ trợ theo dõi, khai báo y tế…
Còn vòng tay định vị GPS hỗ trợ quản lý trong khu cách ly, cho phép xác định vị trí người đeo, có cảnh báo phá hủy hoặc tháo vòng; pin 30 ngày, sạc được nhiều lần và có thể tái sử dụng. Vòng tay có cảnh báo gửi đến người cách ly, cán bộ y tế phụ trách khi rời khỏi phạm vi cho phép hoặc vi phạm tuyến trình định trước.
Tham khảo: Fox4, ABC news
Giang AnhBộ KH&ĐT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất của UBND TP Hà Nội về dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.