"Phạt nguội" nâng cao ý thức tham gia giao thông
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông được quyền tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh trên mạng hoặc phương tiện truyền thông để làm căn cứ xử lý vi phạm giao thông. Ảnh: Nam Nguyễn
Theo đó, từ ngày 5-8-2020, lực lượng Cảnh sát giao thông được quyền tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đăng tải trên mạng hoặc các phương tiện truyền thông để làm căn cứ xử lý vi phạm. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nhiều người ủng hộ và cho rằng, quy định "phạt nguội" này nâng cao ý thức của người tham gia giao thôn
Trung tá Trương Song Thành, Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội):
Nâng cao vai trò giám sát của người dân
Thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, thời gian qua, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; dừng, đỗ sai quy định; biển kiểm soát không rõ chữ hoặc bị che lấp… và thông báo đến các đơn vị trên tuyến triển khai lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định. Đặc biệt, với quy định từ ngày 5-8-2020, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ được quyền xác minh, xử phạt các hành vi vi phạm luật giao thông dựa vào những thông tin, hình ảnh về giao thông do tổ chức, cá nhân cung cấp trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, chắc chắn sẽ góp phần giảm thiểu số vụ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tăng cường ý thức tham gia giao thông. Khi Thông tư số 65/2020/TT-BCA có hiệu lực, mong rằng mỗi người dân với vai trò giám sát của mình sẽ ghi lại những hình ảnh vi phạm pháp luật, phản cảm trong lĩnh vực giao thông và kịp thời cung cấp để cơ quan chức năng có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Văn Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Song Trần (phố Đốc Ngữ, phường Liễu Giai, quận Ba Đình):
Phù hợp và cần thiết
Điều 24 Thông tư số 65/ 2020/TT-BCA của Bộ Công an nêu rõ, những thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tiếp nhận từ các nguồn: Ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) và thông tin, hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh đúng, xác định có hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Trước tình hình tai nạn giao thông ngày một gia tăng, nhất là người điều khiển phương tiện vẫn chưa nghiêm túc chấp hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, việc Bộ Công an ban hành quy định trên là phù hợp pháp luật hiện hành và cần thiết đối với tình hình thực tế ở nước ta.
Bà Nguyễn Thị Liên, số nhà 19, tổ 29, phường Thượng Thanh, quận Long Biên:
Tăng cường xử lý để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ
Thời gian qua Công an thành phố Hà Nội đã triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông và đo đếm phương tiện tại nhiều tuyến đường nhằm kiểm soát lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, phòng, chống ùn tắc, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc “phủ kín” hệ thống camera giám sát giao thông ở tất cả các tuyến đường đòi hỏi chi phí lớn, việc lắp đặt không dễ, trong khi đó, tất cả các xe khách và nhiều ô tô cá nhân đã lắp đặt hệ thống camera hành trình để ghi lại hành trình di chuyển. Thực tế, qua các trang mạng xã hội, rất nhiều vụ tai nạn giao thông được phát hiện nhờ hệ thống camera hành trình của các phương tiện này. Vì vậy, đây thực sự là nguồn thông tin cần được lực lượng chức năng tận dụng để tăng cường “phạt nguội” với các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Anh Nguyễn Quốc Bảo, số 4 phố Lê Quý Đôn, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng:
Cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin
Tôi rất đồng tình và kỳ vọng Thông tư số 65/2020/TT-BCA sẽ góp phần chấm dứt những hành vi coi thường pháp luật, thách thức lực lượng chức năng của một bộ phận người tham gia giao thông, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Trên thực tế, thời gian qua, bằng các nguồn thông tin trên mạng hay camera giám sát, camera hành trình, lực lượng Cảnh sát giao thông đã làm rõ, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, như gây tai nạn, lái xe đi vào đường cấm, đường một chiều…
Tuy vậy, mỗi cá nhân khi ghi nhận, đăng tải thông tin, hình ảnh cũng cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin đã cung cấp, tránh lợi dụng việc này khiến cơ quan chức năng mất thời gian xác minh, xử lý.
Nhóm PVTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.