Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam trong thời kỳ mới

Diễn đàn
10:01 AM 04/08/2022

Chiều 3/8/2022, tại Hội An (Quảng Nam), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới".

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, 30 chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản.

Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam trong thời kỳ mới - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Việt Nam là quốc gia có chiều dài bờ biển hơn 3.260km từ Móng Cái đến Hà Tiên, đi qua 28/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, đô thị biển tập trung dọc Vùng duyên hải Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, đóng vai trò cửa ngõ hướng biển của vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội từng vùng và toàn quốc. Đây là điểm cơ bản của hệ thống biển Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia trình bày các tham luận về: Thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam; Phát triển đô thị ven biển xanh và bền vững: Giải pháp từ quy hoạch; Phát triển kinh tế đô thị biển và hạ tầng đô thị biển Việt Nam; Xây dựng trung tâm tài chính đô thị biển; Phát triển thị trường bất động sản gắn với đô thị biển Việt Nam; Đô thị biển: Tầm nhìn định hướng cho tương lai… Cùng với đó là phiên tọa đàm với các vấn đề: Quy hoạch đô thị biển Việt Nam: Tầm nhìn và cơ hội; Phát triển thị trường bất động sản tại các đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới.

Phát biểu tại Hội thảo, KTS Trần Ngọc Chinh - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và thực sự trở thành cường quốc biển, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển các cực kinh tế biển với hệ thống các chuỗi đô thị biển làm "pháo đài" tiền tiêu trong phòng thủ và là "bàn đạp" hạt nhân tiến ra biển, đặt trong tư duy chiến lược liên kết vùng.

Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam trong thời kỳ mới - Ảnh 2.

KTS Trần Ngọc Chinh - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, để làm được điều này, trước mắt cần sớm hoàn thành quy hoạch không gian biển. Trong đó ưu tiên xem xét kết nối các đô thị ven biển hiện có và các đô thị mới để hình thành các chuỗi đô thị biển trong một chỉnh thể không gian kết nối ven biển - biển - đảo.

Theo ông Chinh, hiện nay nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng dành cho cộng đồng. Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai. Đặc biệt, những biến động về điều kiện tự nhiên và môi trường, lũ lụt... cũng là những thách thức lớn mà các đô thị ven biển phải đối mặt.

Để quy hoạch phát triển đô thị ven biển một cách bền vững, ông Chinh cho rằng cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án. Qua đó đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, phát triển thị trường bất động sản phải gắn với đô thị biển Việt Nam. Theo đánh giá của chuyên gia, với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị hướng biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp.

Đồng quan điểm với GS. Đặng Hùng Võ, ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, biển Việt Nam có tiềm năng về năng lượng tái tạo như thuỷ triều, sóng thì cần tận dụng năng lượng này ra sao.

Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam trong thời kỳ mới - Ảnh 3.

Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

Theo ông Danh, trong vấn đề phát triển đô thị, quy hoạch là tiền đề đi trước một bước. Và với đô thị biển, vấn đề quy hoạch lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, hiện nay khái niệm về đô thị biển còn chưa rõ ràng, vấn đề quy hoạch do đó lại càng khó khăn. Quy hoạch trên mặt đất sẽ phân biệt được đất dịch vụ, đất ở... nhưng ở trên biển sẽ như thế nào khi có không gian trên mặt biển, dưới đáy biển…

Được biết, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước… Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Phùng Sơn
Ý kiến của bạn
Thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng Thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng

Năm 2024, tiền lương, thu nhập của người lao động tăng, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020, đời sống của người lao động có sự cải thiện.