Phát triển cây dược liệu hồi sinh kinh tế xã nghèo Yên Hợp
Xuất phát điểm là một xã nghèo thuộc huyện miền núi của tỉnh Nghệ An nhưng nhờ biết vận dụng các lợi thế địa phương để phát triển cây dược liệu, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp đang dần “thay da đổi thịt", đời sống người dân nơi đây được cải thiện và nâng cao rõ rệt.
Trong thời gian qua, trước việc nhiều loại cây dược liệu có giá trị bị khai thác cạn kiệt, tỉnh Nghệ An cùng nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã xây dựng và phát triển được một số vùng chuyên canh cây dược liệu tại các huyện miền núi Nghệ An.
Từ năm 2021, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã phê duyệt Đề án "Xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2021-2025". Theo đó, quan điểm của đề án xây dựng mô hình trồng cây dược liệu là từng bước hình thành các vùng trồng cây dược liệu hàng hoá trên địa bàn huyện nhằm phục hồi, bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu quý, cung cấp dược liệu cho các bài thuốc chữa bệnh trong nhân dân, làm nguyên liệu cho các công ty, nhà máy chế biến các loại thuốc chữa bệnh phổ biến cho con người trong giai đoạn hiện nay.
Huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An được tách từ huyện Quỳ Châu cũ thành 3 huyện: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong theo Quyết định số 53/CP ngày 19/4/1963 của Hội đồng Chính phủ, nay là Chính phủ. Từ đó đến nay, huyện Quỳ Hợp có 20 xã và 1 thị trấn gồm 3 dân tộc anh em Thái, Thổ, Kinh. Trong đó dân tộc Thái, Thổ chiếm 52% dân số cả huyện. Cùng với chiều dài lịch sử của đất nước, cộng đồng các dân tộc anh em Thái, Thổ, Kinh trên quê hương Quỳ Hợp đã cùng chung lưng, đấu cật khai hoang, vỡ đất, ra sức xây dựng xóm làng xây dựng huyện Quỳ Hợp ngày càng đổi thay, khởi sắc và giàu bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Xã Yên Hợp là một xã thuộc khu vực 135 của huyện miền núi Quỳ Hợp, có gần 100% người Thái sinh sống. Ở đây, bà con chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng đất đai lại không màu mỡ, phần lớn là đồi sỏi và núi đá, vì vậy đời sống còn nhiều khó khăn. Mô hình bảo tồn, phát triển diện tích trồng cây dược liệu và cơ sở chế biến, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cũng như đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.
Tháng 8 năm 2022, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng với sự giúp sức của nhiều phòng ban chuyên môn cấp huyện. Đề án phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị được xây dựng ở xã miền núi Yên Hợp. Ngay từ những ngày đầu đã có sự thuận lợi khi nhận được sự đồng tình của người dân trên địa bàn. Tất cả đều vào cuộc thực hiện kế hoạch với tinh thần phấn đấu và nỗ lực để tạo ta giá trị kinh tế phát triển địa phương. Và hơn hết là mong muốn đây sẽ là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả ổn định, lâu dài và giúp người dân thoát nghèo.
Hơn 5ha cây dược liệu bao gồm các loại: Cà gai leo; cây lá khôi tím, cây xạ đen, cây bách bộ và cả rau má được người Thái ở Yên Hợp trồng theo quy mô kế hoạch của Đề án. Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên cây dược liệu phát triển rất tốt. Sau 8 tháng trồng và chăm sóc theo quy trình chuẩn hữu cơ, nhiều hộ gia đình người Thái ở Yên Hợp đã có thu nhập khá từ vườn của gia đình. Theo ước tính sơ bộ, hiện nay xã Yên Hợp đã có hơn 30 hộ người Thái tham gia trồng cây dược liệu theo chuỗi giá trị. Từ đề án phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị, mô hình sinh kế mới đã và đang phát huy hiệu quả trên địa bàn xã miền núi Yên Hợp.
Tất cả các hộ dân trồng dược liệu theo đề án không sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Chỉ sử dụng phân chuồng, khai thác thủ công theo hướng dẫn của cán bộ xã và đơn vị bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, các vườn dược liệu đều đã cho thu hoạch ổn định. Điều đặc biệt là toàn bộ nguồn dược liệu của bà con trồng, được Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường đóng trên địa bàn cam kết thu mua tại vườn. Người dân trồng dược liệu không phải lo thị trường tiêu thụ, được đảm bảo giá cả thu mua ổn định. Đây cũng là động lực và niềm tin để người dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng trọt và tích cực sản xuất tạo nên hiệu quả sản xuất cao tại địa phương.
Ngoài đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người trồng cây dược liệu ở Yên Hợp, Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường cũng xây dựng mô hình trồng cây dược liệu với diện tích 10ha. Điều này góp phần tạo công ăn việc làm cho đồng bào người Thái trên mảnh đất quê hương.
Với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, nỗ lực của Ban Giám đốc Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường đã xây dựng hoàn chỉnh nhà máy, dây chuyền chế biến các loại thảo dược. Hợp tác xã đã đủ năng lực bao tiêu đầu ra sản phẩm trồng cây dược liệu cho bà con ở Yên Hợp.
Để sản phẩm đạt chất lượng và có uy tín, Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường, đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại bậc nhất trong các hợp tác xã nông nghiệp ở Nghệ An. Hệ thống khép kín sản xuất từ máy lọc nước, bể rửa, máy sấy nhiệt, máy sấy lạnh, máy nấu cao, máy nghiền bột, máy khử khuẩn, máy ép màng, đóng nắp...Công nhân làm việc tại nhà xưởng của hợp tác xã đều là người dân địa phương và đều là người Thái nhưng tất cả được trải qua tập huấn về ý thức kỉ luật, cũng như quy trình kỹ thuật. Và công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm ngặt, từ khâu trồng và chăm sóc nguyên liệu, đến việc sơ chế, sản xuất, đóng gói ra thành phẩm để cung cấp ra thị trường.
Hiện nay, HTX đã có hơn 30 sản phẩm được chế biến từ các cây dược liệu tại địa phương gieo trồng như: Bột rau má sấy lạnh, cao cà gai leo, cao dây thìa canh, cao an lạc miên, cao khôi bình vị, trà túi lọc cà gai leo... Trong đó, sản phẩm trà túi lọc cà gai leo, bột rau má sấy lạnh, mật ong được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh.
Việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm ở huyện Quỳ Hợp được xem là "cú hích" tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đặc biệt, việc xây dựng các sản phẩm OCOP từ các sản phẩm nông nghiệp vẫn là thế mạnh của địa phương. Với lợi thế có sẵn, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng dược liệu, xã Yên Hợp đang dần "thay da đổi thịt" trên đất nghèo. Không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển nhiều loại dược liệu quý của địa phương mà còn tự lực sinh kế, tạo nguồn thu nhập ổn định, dần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thái Quảng - Văn QuyềnBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.