Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững

Địa phương
02:08 PM 13/12/2023

Trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, sáng 13/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững.

Hội thảo nhằm tìm ra cách giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong các vấn đề: Sản xuất - Sau thu hoạch chế biến - Chuỗi giá trị lúa gạo - Thị trường, xúc tiến thương mại - Cơ sở hạ tầng và hậu cần phục vụ ngành lúa gạo - Nghiên cứu khoa học và khuyến nông - Thể chế và chính sách.

Lúa gạo đóng vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp

Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao…

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại, nhất là trong bối cảnh hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng cộng với biến đổi khí hậu. Thách thức mới đòi hỏi ngành hàng lúa gạo cần có sự thích ứng để nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chi phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, sản xuất lúa gạo là đóng vai trò hết sức quan trọng trong ngành nông nghiệp, không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế cho người dân mà còn hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế trong nước và đảm bảo thực thi các cam kết, trách nhiệm quốc tế về hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu. Sản lượng lúa trung bình một năm của Việt Nam đạt 43-45 triệu tấn, tương đương khoảng 26-28 triệu tấn gạo, trong đó khoảng 20 triệu tấn được dành cho tiêu thụ trong nước, phần còn lại là dành cho xuất khẩu. 

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu chia sẻ tại Hội thảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu chia sẻ tại Hội thảo.

Theo số liệu thống kê, sản lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm đạt 7,8 triệu tấn thu về kim ngạch 4,4 tỷ USD, đây là những con số kỷ lục, cao nhất kể từ năm 1989 trở lại đây và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Để đạt được những thành quả đó phải ghi nhận những sáng kiến, nỗ lực bền bỉ của người trồng lúa, của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, vật tư nông nghiệp đầu vào, của hệ thống các trường, viện nghiên cứu và sự vào cuộc sâu sát của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, trong những năm qua, Việt Nam đã tập trung nghiên cứu phát triển của giống lúa, tỷ trọng sử dụng giống lúa xác nhận không ngừng tăng; Các quy trình canh tác bền vững, tiên tiến được tăng cường áp dụng; thêm vào đó là chế biến gạo ngày càng phát triển, nhiều công nghệ hiện đại đã được đầu tư để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch. Nhờ đó, mặc dù diện tích trồng lúa giảm nhưng sản lượng và chất lượng lúa gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường. 

Gạo Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới, đáp ứng được các điều kiện an toàn thực phẩm. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chính thức phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" - nơi chiếm tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. 

Với đề án này, chúng tôi xác định mục tiêu hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao. 

Hậu Giang đăng ký tham gia 28.000ha (năm 2024), 48.000ha (năm 2025) lúa chất lượng cao.

Hậu Giang đăng ký tham gia 28.000ha (năm 2024), 48.000ha (năm 2025) lúa chất lượng cao.

Diện tích có xu hướng giảm nhưng năng suất, chất lượng ngày càng tăng, giá trị xuất khẩu gạo cũng được tăng lên. Ngành hàng sản xuất lúa gạo đã tạo ra việc làm, sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân, sản lượng gạo xuất khẩu luôn được giữ vững và tăng thêm.

Tuy nhiên, nhiều hạn chế của ngành hàng lúa gạo vẫn chưa được khắc phục triệt để, như sản xuất còn nhỏ lẻ, chi phí sản xuất cao. Khối lượng gạo xuất khẩu lớn, nhưng giá trị chưa cao, thu nhập người trồng lúa còn thấp. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được triển khai sẽ giải quyết nhiều yếu tố mà ngành hàng lúa gạo đang đặt ra. 

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện nay đang phải đối mặt với thách thức là nguồn nước, một là lũ không còn diễn ra theo quy luật, hai là mặn xâm nhập ngày càng gia tăng. Vì vậy, cần phải đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ để giảm phát thải và bán tín chỉ các bon để có thêm nguồn lực đầu tư cho nông dân sản xuất lúa gạo.

Ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh, chúng ta đã có diện tích 184.000ha vùng dự án VnSAT, là nền tảng, cơ sở để tiếp tục nhân rộng trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Cần tiếp tục xây dựng cải thiện quy trình sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất mới. Đảm bảo an ninh lương thực, an ninh thu nhập cho người trồng lúa, người tiêu dùng được ăn gạo ngon và an toàn. Bảo vệ nguồn tài nguyên, di sản văn hóa sản xuất lúa của các vùng, miền để khai thác giá trị gia tăng.

Ngành hàng lúa gạo Hậu Giang có nhiều cơ hội phát triển thành ngành kinh tế chủ lực

Chia sẻ tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, Hậu Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Ngành sản xuất lúa gạo đóng góp 54% trong tỷ trọng nông lâm thủy sản của tỉnh, hiện đang chuyển dịch từ sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, khoa học sản xuất để phát triển nông nghiệp bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vừa được phát động sáng ngày 12/12, tỉnh Hậu Giang đăng ký tham gia 28.000ha (năm 2024), 48.000ha (năm 2025); sẽ tiếp tục củng cố các hợp tác xã, các dự án như xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh; đề án Phát triển nông nghiệp bền vững gắn liền với kinh tế xanh, phát triển lúa phát thải thấp. 

Ông Đồng Văn Thanh đánh giá, Ngành hàng lúa gạo Hậu Giang có nhiều cơ hội để phát triển thành ngành kinh tế chủ lực. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, việc phát triển chuỗi sản xuất lúa gạo khoa học, bền vững thực sự cần thiết, phù hợp với kinh tế thị trường.

Ông Đồng Văn Thanh mong muốn Hội thảo sẽ góp phần để xây dựng chuỗi phát triển lúa gạo minh bạch, bền vững. Làm rõ những nội dung còn tồn tại trong sản xuất lúa gạo như: sự chưa đồng bộ, thiếu tính liên kết trong các chuỗi mắt xích sản xuất ngành hàng lúa gạo; quy mô nhỏ lẻ, manh mún; chưa có chính sách đủ hấp dẫn các doanh nghiệp, người dân; Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sản xuất lúa gạo; Lực lượng lao động trong ngành sản xuất lúa gạo…

PGS.TS. Nguyễn Phú Son - Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ tại hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Phú Son - Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ tại hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Phú Son - Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, mặc dù thực trạng sản xuất lúa của vùng ĐBSCL nói riêng và của Việt Nam nói chung đã có những dấu hiệu phát triển tích cực, đặc biệt là xu hướng chuyển đổi hành vi sản xuất lúa chất lượng thấp sang lúa có chất lượng cao, cũng như sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng do nhu cầu thị trường đòi hỏi và ảnh hưởng của ảnh hưởng của BĐKH, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Đồng thời ngành hàng lúa gạo của Việt Nam hiện đang hoạt động với nhiều kênh thị trường khác nhau, thích ứng với nhu cầu của thị trường.

Để khắc phục những điểm nghẽn và nhằm phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng có trách nhiệm và bền vững, PGS.TS. Nguyễn Phú Son đề ra 4 giải pháp nhằm phát triển chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL nói riêng và ở Việt Nam nói chung theo hướng trách nhiệm và bền vững, bao gồm: Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh, nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo, cắt giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo, và xây dựng dự án nghiên cứu phát triển giống lúa và phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.