Phát triển công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy ngành đóng tàu

Nếu phát triển được công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ tạo ra cơ hội tốt cho ngành đóng tàu Việt Nam tham gia cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Và khi doanh nghiệp đóng tàu phát triển sẽ kéo theo hàng loạt doanh nghiệp lĩnh vực cơ khí cùng phát triển.

Theo các chuyên gia, tàu thủy là một ngành công nghiệp lớn, đa dạng về chủng loại. Đặc thù ngành đóng tàu cũng như ngành cơ khí có tỷ suất lợi nhuận không cao, nhưng có tác động lan tỏa lớn đến nền kinh tế, có thể thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy ngành đóng tàu- Ảnh 1.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy ngành đóng tàu. Ảnh: Công Thương

Tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam có thể tạo ra giá trị ước tính khoảng 200 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp đóng tàu của nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng và nhu cầu.

Có nhiều nguyên nhân khiến ngành công nghiệp đóng tàu của nước ta chưa phát triển mạnh. Trong đó, đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, trong khi đóng tàu là một ngành công nghiệp dài hơi và muốn trụ vững được đòi hỏi phải rất trường vốn. Bên cạnh đó, do yêu cầu của thị trường và những quy định của công ước quốc tế, các thế hệ tàu mới phải bảo đảm tính an toàn cao, đa dạng về chủng loại, kích thước, mẫu mã..., đặc biệt trong gia công, sản xuất phải theo hướng xanh, bảo vệ môi trường.

Một nguyên nhân nữa được Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam chỉ ra phụ kiện phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu của nước ta mới chỉ chiếm khoảng 20 - 30%; trong đó, các mặt hàng thuần Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10-15%, còn lại là phụ kiện nước ngoài gia công tại Việt Nam. Còn lại gần 70% vật tư thiết bị ngành đóng tàu Việt Nam đang phải nhập ngoại. 

Trong khi đó, theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), công nghiệp hỗ trợ đóng tàu từ lâu được xem là thế mạnh của công nghiệp cơ khí, những hạng mục phụ trợ mà các doanh nghiệp cơ khí thường xuyên thi công gồm: Lan can, cầu thang, thông gió, ống khói, sàn thao tác... của tàu thủy. Đây chính là dư địa lớn cho các doanh nghiệp trong nước phát huy thế mạnh của mình.

Mặt khác, việc đóng tàu liên quan mật thiết đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực luyện kim, một số lĩnh vực chính như sản xuất thép đóng tàu, chế tạo, lắp ráp thiết bị, máy móc cơ khí thủy, điện, điện tử, tự động hóa, vật liệu mới…

Vì thế, nếu phát triển được công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ tạo ra cơ hội tốt cho ngành đóng tàu Việt Nam tham gia cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Và khi doanh nghiệp đóng tàu phát triển sẽ kéo theo hàng loạt doanh nghiệp lĩnh vực cơ khí cùng phát triển.

Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, các chuyên gia đề xuất, các bộ, ngành liên quan cần đánh giá đúng vai trò của ngành đóng tàu; cần coi đây là ngành công nghiệp xương sống để tạo điều kiện cho nhiều ngành công nghiệp khác như luyện kim, cơ khí, kinh tế biển… cùng phát triển.

Thực tế, thời gian qua, ngành đóng tàu cũng luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 xác định, kinh tế biển là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, từ đó tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện cơ cấu kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Vì vậy, để ngành công nghiệp đóng tàu khôi phục và khởi sắc, các DN đóng tàu cần nâng cao năng lực tài chính; liên doanh liên kết, lấy lại niềm tin của khách hàng mà Việt Nam từng hợp tác đóng tàu tải trọng lớn.

Bên cạnh đó, cần có chính sách tạo điều kiện cho ngành đóng tàu, nghiên cứu ưu đãi vốn cho DN đóng tàu, khuyến khích hợp tác đầu tư liên doanh liên kết trong ngành đóng tàu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho thị trường tín chỉ carbon Việt Nam Tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho thị trường tín chỉ carbon Việt Nam

Thị trường tín chỉ carbon là công cụ giảm thiểu phát thải khí nhà kính, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng thị trường này tại Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng và chặt chẽ.