Phát triển công nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Diễn đàn
12:01 PM 29/12/2022

Ngày 28/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp ở Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi với những dấu hiệu tích cực sau khi hứng chịu những tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Phát triển công nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo.

Song song với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang đề ra những định hướng, chủ trương chính sách nhằm cụ thể hóa khát vọng phát triển đến năm 2045, thông qua nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

"Trong bối cảnh ấy, Việt Nam càng cần tư duy mới về quá trình và mục tiêu phát triển, nhằm bảo đảm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Một trọng tâm quan trọng là làm thế nào để tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp của đất nước" - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh khẳng định.

Phát triển công nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Việt Nam đã có các Nghị quyết quan trọng của Đảng về phát triển công nghiệp. Cụ thể, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

"Tư duy về phát triển công nghiệp cũng đã được lồng ghép trong các Nghị quyết của Đảng về tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0, phát triển vùng,... Trên cơ sở các Nghị quyết ấy, một yêu cầu là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, không chỉ để định hướng mà còn tạo thuận lợi, tạo khung khổ pháp lý ổn định cho phát triển công nghiệp ở Việt Nam"-  bà Trần Thị Hồng Minh chia sẻ.

Phát triển công nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp - Ảnh 3.

Tiến sỹ Yasushi Ueki - đại diện của IDE-JETRO phát biểu tại Hội thảo.

Trình bày tham luận "Dự án phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam", Tiến sỹ Yasushi Ueki - đại diện của IDE-JETRO - cho rằng: Điều kiện cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ô tô là đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô trong sản xuất phụ tùng và linh kiện của ngành công nghiệp ô tô, hay tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành phụ tùng/linh kiện ô tô.

TS. Yasushi Ueki cũng đưa ra một số chính sách khuyến nghị như hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà cung cấp địa phương tiềm năng, cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ và phát triển thành phố thông minh,…

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Fusanori Iwasaki - đại diện ERIA - cho biết: Trong 3 khía cạnh của kết nối và lĩnh vực ô tô (Kết nối vật lý, Kết nối thể chế và Kết nối giữa người với người) thì phát triển kết nối vật lý trong ô tô và các bộ phận là quan trọng nhất.

Bên cạnh các cơ sở hạ tầng vật chất thông thường như cầu, đường,…, cơ sở hạ tầng phức tạp cần có bao gồm hệ thống vạch kẻ đường rõ ràng, mạng không dây, nhà cung cấp điện, bản đồ kỹ thuật số dành cho lái xe tự động.

Phát triển công nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp - Ảnh 4.

Ông Fusanori Iwasaki - đại diện ERIA phát biểu tại Hội thảo.

Ông Iwasaki cho rằng, một khía cạnh quan trọng không kém là phát triển và tăng cường kết nối thể chế bởi kết nối thể chế bao gồm luật và quy định, thỏa thuận quốc tế, thủ tục và chương trình xây dựng năng lực.

"Đây là tiêu chuẩn môi trường, ví dụ quy định việc sử dụng năng lượng tái tạo và hệ thống tái chế pin là cần thiết. Bên cạnh đó, điều này còn đảm bảo an toàn khi lái xe, quản lý an toàn và quy định cho các dịch vụ chia sẻ chuyến đi..." - ông Fusanori Iwasaki chia sẻ.

Đưa ra nhận định về vấn đề phát triển công nghiệp tại Việt Nam, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cho rằng: Công nghiệp hoá Việt Nam nên kết hợp giữa nông nghiệp và công nghiệp, nên đặt vấn đề xây dựng những lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Theo Tiến sỹ Doanh, nên có công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản, bởi vì đây là lĩnh vực có nhiều cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, cần đặt vấn đề công nghiệp hoá trong việc phát triển công nghệ thông tin, chuyển sang kinh tế số...

Xuyên suốt hội thảo, các đại biểu đã cùng đưa ra những tham luận nhằm chia sẻ, kiến nghị các định hướng về xây dựng pháp luật liên quan đến phát triển công nghiệp; định hướng phát triển công nghiệp gắn với chuyển đổi số…

Phát triển công nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp - Ảnh 5.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đã đưa ra những bình luận chi tiết tại Hội thảo.

Theo các đại biểu, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Việt Nam cần ưu tiên phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, kết hợp với công nghiệp dân sinh theo hướng lưỡng dụng. Tiếp tục phát triển công nghiệp dệt may, da giày nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

Ngoài ra, cần ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí như: ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế…

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.