Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp

Diễn đàn
04:29 PM 30/03/2023

Sáng 30/3, tại Khách sạn Dầu khí, TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình) Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Thái Bình đồng chủ trì và tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”.

Hội thảo là hoạt động hướng tới việc cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 14/NQ-CP (ngày 8/2/2023) của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW.

Hội thảo phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng. - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, phát triển liên kết vùng là một chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước trong quá trình phát triển nhằm khai thác, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của các vùng và các địa phương trong cả nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Hội thảo phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng. - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc hội thảo.

Thực tiễn cho thấy sự cần thiết của việc tập trung thu hút đầu tư phát triển mạng lưới logistics, chợ đầu mối, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại, thông minh gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để phát huy tối đa lợi thế vùng: là đầu mối giao thông, cửa ngõ chuyển tiếp giữa vùng Thủ đô Hà Nội và vùng trung du, miền núi phía Bắc tạo luồng lưu chuyển hàng hóa, thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế.

Theo Thứ trường Bộ Công thương cần có các giải pháp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hình thành các sàn giao dịch hàng hóa và các cụm, khu vực hội chợ triển lãm quy mô lớn; tận dụng tối đa các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để thu hút đầu tư, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi xuất khẩu xanh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Bộ Công thương

Cũng tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, định hướng phát triển liên kết kinh tế vùng cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng đi vào thực chất, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề trúc môi trường nội vùng và liên vùng, phát triển các cụm liên kết ngành. 

Xây dựng, hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức không gian phát triển vùng bảo đảm cân bằng, bền vững, đại kết nối hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, các cực tăng trưởng và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Quy hoạch các địa phương bảo đảm phù hợp với quy hoạch vùng.

Ngoài ra, Vùng cần huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, lan tỏa, đồng bộ, kết nối. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. 

Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, robot, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới. Đồng thời phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh…

Cũng tại hội thảo, các tham luận đã tập trung trao đổi, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy liên kết thương mại dịch vụ phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu; kinh nghiệm liên kết phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch vùng miền; đẩy mạnh kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng miền vào hệ thống phân phối.

Các ý kiến tham luận trao đổi đều thống nhất với những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, các giải pháp nêu ra tại Nghị quyết số 14 của Chính phủ thực hiện nghị quyết.

Trên cơ sở đó đi sâu phân tích, làm rõ thêm các cơ sở lý luận và thực tiễn; đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp trong Vùng đồng bằng sông Hồng. Các ý kiến phát biểu tham luận đều nhất trí cho rằng, Vùng đồng bằng sông Hồng phải thực sự là vùng đi đầu cả nước về liên kết nội vùng và ngoại vùng.

Thành Trung
Ý kiến của bạn