Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng

Diễn đàn
05:17 PM 22/11/2023

Ngày 22/11, Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam với chủ đề: "Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng" được Báo SGGP và Báo ĐTTC phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Cơ hội và thách thức trong phát triển điện khí

Ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP, cho biết Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí "Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng" đồng thời "Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống".

Theo ông Tăng Hữu Phong, Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW (không bao gồm nhập khẩu, điện mặt trời mái nhà tự dùng, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới) và định hướng năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 490.000 đến 573.000 MW.

Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng- Ảnh 1.

Ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP

Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (trong đó nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện khí hóa lỏng là 22.400 MW chiếm 14,9%).

Trong khi đó, nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%. Phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện 8 để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường; bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống.

Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, chia sẻ: "Trong năm nay tôi tham dự không dưới 3 hội thảo về năng lượng và chuyển đổi xanh và đều nói về những khó khăn và thách thức của thị trường điện khí".

Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng- Ảnh 2.

Theo ông Bùi Quốc Hùng, cam kết của Việt Nam tại COP26 được thể hiện thông qua Quy hoạch điện 8, việc điều chỉnh lại cơ cấu nguồn điện theo từng giai đoạn tới năm 2045, trong đó có điện khí.

Hiện Quy hoạch điện 8 đưa ra mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Nghĩa là, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 16% cơ cấu nguồn điện, tập trung chủ yếu ở miền Bắc để đảm bảo nguồn điện chạy nền cho khu vực này. Theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ m3 vào năm 2045.

Nhưng hiện nay vẫn đứng trước nhiều thách thức, nhiều dự án vẫn nằm ở trạng thái treo, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Việt Nam hiện cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. LNG có những đặc thù riêng của nó như mức độ các cam kết dài hạn, thị trường biến động và chịu nhiều ảnh hưởng của các sự kiện chính trị, xã hội…

Các dự án điện khí LNG có công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư lớn nên đòi hỏi nhà đầu tư cần có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ kinh nghiệm về lĩnh vực này nên có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án. Cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG chưa có quy định đầy đủ.

Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng- Ảnh 3.

Diễn đàn tìm lời giải cho bài toán phát triển phát triển thị trường điện khí hiệu quả và cạnh tranh

Hiện nay Chính phủ cũng không cấp bảo lãnh nào, và việc phát điện sẽ là cạnh tranh trên thị trường điện, nên quyết định đầu tư nhà máy điện độc lập đòi hỏi nhà đầu tư phải rất nỗ lực. Về tiến độ triển khai thực hiện các dự án LNG, thách lớn nhất là đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA). Việc đàm phán PPA phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ Công Thương.

Giải pháp phát triển thị trường điện khí hiệu quả và cạnh tranh

Ông Huỳnh Quang Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), cho biết xây dựng và quy hoạch tổng kho chứa khí LNG hiện nay là khó khăn nhất. "Quan điểm của chúng tôi là làm nhiều kho để cấp cho nhiều nhà máy điện, nhưng các địa phương vẫn chưa có quy hoạch về kho và đường dẫn. Bây giờ một kho mà vận chuyển đến các nhà máy điện khí thì sẽ khó đáp ứng được", ông Huỳnh Quang Hải chia sẻ.

Từ đó, ông Huỳnh Quang Hải đề xuất một kho cấp cho một nhà máy điện, như vậy mới giảm được chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, nên xây dựng mô hình kho đầu mối và một cầu cảng phù hợp. "Theo tính toán, cứ 2 triệu USD đầu tư cho 1km đường ống dẫn khí dọc bờ biển thì khoảng 350 triệu USD là chúng ta có thể làm được một đường ống dẫn khí", ông Huỳnh Quang Hải phân tích.

Theo ông Huỳnh Quang Hải, kiến nghị các bộ ngành và địa phương cần rà soát đảm bảo đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết giữa các quy hoạch và kế hoạch thực hiện: Quy hoạch điện 8; quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia; quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển và quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước; các quy hoạch địa phương đặc biệt là quy hoạch kế hoạch sử dụng đất.

Về cơ chế chính sách, ông Huỳnh Quang Hải đề xuất, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến cấp khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện như: cơ chế chuyển ngang giá khí LNG tái hóa và bao tiêu khối lượng khí từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện; phê duyệt cước phí qua kho, cước phí đường ống.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, cho rằng khi nói đến điện khí thì phải nói đến quy hoạch. Không có quy hoạch thì không thể phát triển được. Cơ sở hạ tầng là rất quan trọng để phát triển điện khí, nó liên quan đến cả cảng nước sâu, phải có các quy chuẩn quốc tế.

Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng- Ảnh 4.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính đưa ra 6 giải pháp quan trọng trong phát triển điện khí.

Ông Đinh Trọng Thịnh nêu 6 giải pháp. Trước hết, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển.

Thứ hai, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Thứ ba, về phát triển hạ tầng cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho an ninh kho cảng. Đồng thời cần xây dựng hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, xây dựng các cơ sở tái khí hóa từ LNG tại các khu vực tiêu thụ.

Thứ tư, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG, cần giao UBND các tỉnh, thành phố tập trung đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính.

Thứ năm, đối với các đề xuất, kiến nghị của các địa phương về giải quyết các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, môi trường, hạ tầng truyền tải, thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện... Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết.

Thứ sáu, cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD. Cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch... nhằm tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG.

Mai Phương
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.