Phát triển du lịch cộng đồng mở rộng thị trường sản phẩm OCOP
Ngày 15-12, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hậu Giang đã diễn ra Hội thảo phát triển du lịch cộng đồng theo Bộ tiêu chí chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với hơn 400 đại biểu tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Việt Nam là nước nông nghiệp, có hơn 60% dân số sống ở nông thôn, cùng với truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với sản xuất nông nghiệp là chủ đạo nên việc khai thác các loại hình du lịch liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tính chất bao trùm và chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng thể hoạt động của ngành du lịch.
Nội dung Hội thảo đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung trọng tâm, quan trọng như làm rõ các nội dung của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng đối với Bộ sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch trong Chương trình OCOP. Từ đó, làm cơ sở để triển khai áp dụng một cách đồng bộ và phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Hội thảo cũng chia sẻ các kết quả đạt được, cách làm sáng tạo, cũng như các khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn nhìn từ góc độ chính quyền địa phương, các chủ thể thực hiện và các doanh nghiệp du lịch; đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc từ các chính sách, giải pháp để phát triển dịch vụ du lịch gắn với Chương trình OCOP.
Đồng thời thảo luận và đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: “Hội thảo là cơ hội quý để tỉnh Hậu Giang, cũng như các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được lắng nghe những ý kiến chia sẻ về phát triển chuỗi giá trị du lịch cộng đồng gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại vùng ĐBSCL".
Đặc biệt hội thảo diễn ra cũng là cơ hội quan trọng để Hậu Giang thực hiện nội dung kết nối cung cầu, giao thương với các tỉnh thành trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung. Từ đó giúp các nhà sản xuất và nhà phân phối, tiêu thụ gặp gỡ, chia sẻ kết nối kinh doanh để mở rộng sản xuất, phát triển thị trường, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung ứng ổn định trên thị trường và những mặt hàng, đối tác tiềm năng phù hợp.
Cùng với đó là đánh giá tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề của tỉnh Hậu Giang gắn với Chương trình OCOP; cũng như những chia sẻ về vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP của nhà lãnh đạo quản lý, những gợi ý các chuyên gia, các nhà khoa học.
Trong hội thảo, các chương trình hợp tác thương mại, giao thương hàng hóa giữa tỉnh Hậu Giang với các tỉnh thành trong cả nước được thực hiện, cụ thể hóa cho những nỗ lực hợp tác giao thương, xúc tiến thương mại, trao đổi hàng hóa của các tỉnh, thành đã diễn ra nhiều hợp đồng ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Sau gần 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã lan toả mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất các các địa phương trên cả nước.
Đến nay, đã có 51 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, 2.965 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao, 4 sao và 72 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hơn 1.573 chủ thể tham gia; trong đó có 36,8% là các hợp tác xã; 30,3% là doanh nghiệp và 31,1% là các cơ sở/hộ sản xuất, còn lại là các tổ hợp tác. Đặc biệt, cả nước đã có 18 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận OCOP, trong đó nhiều nhất cả nước hiện nay là vùng miền núi phía Bắc với 7 sản phẩm; vùng ĐBSCL đứng thứ 2 với 5 sản phẩm của 3 tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng và Vĩnh Long.
Đó là cơ hội rất lớn trong xây dựng nền nông nghiệp bền vững và sẽ bền vững hơn nếu gắn kết với du lịch. Từ hội thảo, sẽ có những gợi mở để sản phẩm OCOP không chỉ được công nhận trên giấy, mà trở thành chuỗi trong guồng máy phát triển, đem lại cuộc sống tốt cho người dân và sự phát triển của địa phương.
Từ các thế mạnh về nông sản, tỉnh Hậu Giang còn quan tâm phát triển mô hình du lịch cộng đồng, định hướng phát triển và hiện đã hình thành một số địa chỉ thu hút du khách tham quan và trải nghiệm như: Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, vùng du lịch cộng đồng Khóm Cầu Đúc, vườn dâu Thiên Ân, khu trải nghiệm làm nông dân “Miệt Ngàn”, trang trại sữa dê Ngọc Đào… Bên cạnh đó, một số làng nghề đã được công nhận và được đưa vào khai thác du lịch như làng trầu Vị Thủy, làng nghề Vị Thắng...
Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân, du lịch Hậu Giang đã có những bước đi khá ổn định, với việc khai thác hiệu quả những thế mạnh về điều kiện tự nhiên, địa hình, sản phẩm đặc trưng.
Ông tin tưởng rằng Hội thảo phát triển du lịch cộng đồng theo Bộ tiêu chí chương trình mỗi xã một sản phẩm sẽ góp phần giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, liên kết sản xuất - tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh liên kết vùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
.
H.TFestival Hoa Mê Linh lần thứ 2, năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ để "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.