Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, thương mại dịch vụ
Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, thương mại dịch vụ đã được xác định là một ưu tiên "thành ngành kinh tế quan trọng", vì sẽ góp phần phát triển dịch vụ, tận dụng dư địa, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Du lịch được coi là ngành "công nghiệp không khói", ngành kinh tế xanh, phát huy, tận dụng được nguồn lực thiên nhiên và nguồn lực văn hóa xã hội của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Thời gian qua, hoạt động du lịch nước ta đã trở thành ngành kinh tế quan trọng khi thu hút sự tham gia và tạo động lực phát triển cho các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân. Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương luôn xác định được vị thế, tầm quan trọng của ngành kinh tế du lịch nói chung, các loại hình dịch vụ du lịch nói riêng. Trên cơ sở nguồn lực, tiềm năng sẵn có, các địa phương đã từng bước định vị và khẳng định thương hiệu du lịch của riêng mình.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thái Bình đang đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội với chiến lược phát triển cả 3 trụ cột: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ. Bởi vậy phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, thương mại dịch vụ đã được xác định là một ưu tiên "thành ngành kinh tế quan trọng", vì sẽ góp phần phát triển dịch vụ, tận dụng dư địa, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Để hiện thực hoá mục tiêu này, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và du lịch đã có nhiều giải pháp đồng hành cùng các huyện, thành phố trong hành trình phát triển du lịch của từng địa phương; Hiệp hội Du lịch tỉnh đã kiện toàn và hoạt động mạnh mẽ hơn.
Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện lưu giữ kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, cả vật thể và phi vật thể: Gần 3.000 công trình kiến trúc cổ, hàng trăm hội làng, trò chơi, diễn xướng dân gian mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống, cổ truyền của người Việt. Thái Bình còn là vùng đất có nhiều nghề truyền thống nổi tiếng gắn với địa dư vang danh bờ cõi như dệt chiếu Hới - Tân Lễ, dệt lụa đũi Nam Cao, thêu ren Minh Lãng, mây tre đan Thượng Hiền, đúc đồng An Lộng, rèn sắt An Tiêm, chạm bạc Đồng Xâm... được gìn giữ, bảo tồn qua mấy trăm năm, trở thành tinh hoa nghệ thuật nghề, vừa là nét đẹp văn hóa vừa mang lại giá trị kinh tế.
Cùng với đó, Thái Bình có nhiều làng nghề truyền thống với đa dạng sản phẩm chủ lực mang đậm dấu ấn, bản sắc của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 113 sản phẩm OCOP, hàng chục sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó nhiều sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp của Thái Bình được xếp vào hàng đầu Việt Nam, là nơi có rất nhiều sản vật quý với hàng chục giống lúa chất lượng cao như lúa Hom, nếp Bể, Bắc thơm..., nông sản, thực phẩm có mít dai vàng Hà Giang, dưa Quài Thượng, khoai Bái Thượng, bánh đa Quỳnh Côi, bánh cáy làng Nguyễn, cốm Đồng Thanh, mắm cáy, mắm rươi Hồng Tiến... ngon nức tiếng, được xếp vào hàng "tiến vua".
Với tiềm năng, lợi thế về bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và tài nguyên thiên nhiên đa dạng, Thái Bình có dư địa phát triển du lịch ở nhiều loại hình, phân khúc khác nhau với tầm nhìn trước mắt và lâu dài, trong đó phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, thương mại dịch vụ là một hướng đi phù hợp, có thể làm ngay.
Thực tế thời gian qua đã khẳng định thông qua nhiều điểm sáng, cách làm mới trong đó có cả sự năng động, sáng tạo của người dân và của một số cấp chính quyền, như: huyện Hưng Hà đã và đang nỗ lực phát huy giá trị văn hóa lịch sử của đền Trần, Đền Liên La cũng như du lịch trải nghiệm vùng trồng sen Vân Đài; Kiến Xương quan tâm bảo tồn, phát triển làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, dệt đũi Nam Cao giữ chân du khách;
Quỳnh Phụ đưa du lịch văn hóa tâm linh thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với Lễ hội Đền Đồng Bằng, A Sào; huyện Thái Thụy phát triển Khu du lịch sinh thái Cồn Đen, xã Thái Đô và rừng ngập mặn xã Thụy Trường; Vũ Thư quan tâm phát triển Làng vườn du lịch sinh thái cộng đồng ở Bách Thuận, chú trọng bảo tồn và phát huy, nâng tầm giá trị di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo, du lịch trải nghiệm làng nghề trồng dâu, nuôi tằm xã Hồng Phong; Đông Hưng bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo làng Khuốc, xã Phong Châu và múa rối nước ở Nguyên Xá, Đông Các. Tiền Hải tập trung đầu tư, xây dựng Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm biển cồn Vành...
Mỗi chúng ta đều ý thức được rằng, nếu như khách du lịch quốc tế, khách du lịch trong nước đến với Đồng bằng sông Hồng, trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa vùng châu thổ mà bước chân của khách mới chỉ lại ở Nam Định, Ninh Bình hay Hải Dương, Hải Phòng đã cảm thấy là đủ thì đó là một điều đáng tiếc. Chúng ta phải xây dựng, phát triển du lịch, truyền thông điểm đến như thế nào để thu hút du khách đi tiếp sang đến Thái Bình, tiếp tục trải nghiệm, tiếp tục chi dùng và cảm thấy thực sự hài lòng về sự lựa chọn của mình. Điều đó đòi hỏi tỉnh vừa phải có chiến lược, vừa phải có cách làm chuyên nghiệp, bài bản, đồng thời phải có sự phối hợp, liên kết giữa các đơn vị kinh doanh lữ hành với các cơ sở lưu trú và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn một cách chặt chẽ.
Để đạt được điều đó, thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, làm tốt công tác quy hoạch tạo động lực cho phát triển du lịch. Quy hoạch là tiền đề cho việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất thu hút các dự án kinh doanh du lịch trên cơ sở các sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh. Việc xây dựng, quản lý và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới cần được thực hiện bài bản, khoa học và hiệu quả hơn. Các địa phương quan tâm quy hoạch chi tiết không gian của các trang trại, nhà vườn gắn phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm; quy hoạch phát triển các làng nghề truyền thống, tạo ra những món quà lưu niệm, đặc trưng, sản phẩm OCOP; các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh. Đặc biệt, cần gắn quy hoạch du lịch phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng, miền để tạo sự gắn kết và gia tăng nguồn lực thúc đẩy du lịch phát triển.
Hai là, xây dựng sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết, tạo ra những sản phẩm, tour tuyến du lịch, xây dựng thương hiệu điểm đến là vấn đề mà chúng ta cần phải lưu tâm. Xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, cần có sản phẩm mang tính đặc thù; trong các chương trình hợp tác cần phải dựa trên cơ sở cùng thống nhất theo chuỗi liên kết đã tính đến đặc trưng tài nguyên và lợi thế của Thái Bình. Phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao: Sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp trong chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; các hoạt động trải nghiệm nhà nông: trải nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thủy hải sản, thu hoạch..., trong đó du khách được trải nghiệm trồng cây ăn trái, thu hoạch cây trồng cùng nhà nông; du lịch văn hóa - lịch sử (đình làng - Nhà cổ) kết hợp Lễ hội thưởng thức các tiết mục nghệ thuật, trò chơi dân gian; du lịch sự kiện/hội nghị - thưởng thức ẩm thực kết hợp mua sắm đặc sản, sản phẩm OCOP; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch đường thủy. Xây dựng các tuor tuyến kết nối các điểm trong huyện, trong tỉnh và liên kết với các đơn vị làm du lịch tỉnh bạn để thu hút du khách về với Thái Bình. Tăng cường nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và đưa ra các sản phẩm kịp thời, phù hợp nhằm hướng khách hàng chưa biết về điểm đến - Biết tới điểm đến - Quan tâm - Tin tưởng - Quyết định đi du lịch - Trở về, kể lại cho bạn bè, người thân và khuyên họ đến với Thái Bình.
Ba là, tập trung nguồn lực cải thiện, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch: xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; tập trung huy động đa dạng các nguồn lực tu bổ, tôn tạo, bảo tồn di tích danh thắng, các thiết chế văn hóa phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch; giữ gìn và tổ chức lễ hội, hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian; khôi phục và phát triển các làng nghề; xây dựng và cải tạo nâng cấp hệ thống trung tâm thương mại và chợ, trung tâm trưng bày sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống, hệ thống quầy hàng lưu niệm tại các địa phương, trung tâm các huyện, thành phố; đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ khách du lịch, như: bãi đỗ xe du lịch tại các chợ, khu dịch vụ ăn uống, vệ sinh công cộng... Từ thực tiễn khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư, cần phải chủ động phối hợp xây dựng những chính sách kêu gọi đầu tư một cách thống nhất và khuyến khích đầu tư (Vũ Thư đã làm rất tốt vấn đề này trong việc xã hội hóa nguồn lực tu bổ di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia miếu Hai Thôn xã Xuân Hoà). Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, thu hút các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đầu tư phát triển du lịch với các chính sách đầu tư hạ tầng, sử dụng quỹ đất, hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi; xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển nhân lực, bảo tồn giá trị văn hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Bốn là, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng bao quát toàn diện đến các đối tượng liên quan đến phát triển du lịch: Nhân lực của các cơ quan quản lý về du lịch và đơn vị sự nghiệp từ tỉnh đến cơ sở; nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về du lịch, gồm nhân lực quản trị kinh doanh và nhân lực nghiệp vụ lao động trực tiếp; hệ thống cơ sở đào tạo du lịch và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động du lịch. Huy động các nguồn lực để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư.
Bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư trở thành những hướng dẫn viên du lịch quảng bá, giới thiệu di tích, danh thắng, làng nghề, sản vật, những thức quà quê hương đến với du khách. Muốn vậy, phải khơi gợi cảm hứng cho người nông dân, cho cộng đồng dân cư cùng làm du lịch. Sức sống của du lịch Thái Bình trong thời gian tới được tạo nên bởi nguồn lực con người, những người dân sẵn lòng thay đổi, dám đón nhận điều mới. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để các thành phần trong xã hội có thể tham gia phát triển nhân lực ngành du lịch, nhất là thu hút doanh nhân, nghệ nhân, lao động nghề bậc cao tham gia đào tạo...
Năm là, chú trọng công tác xúc tiến, thông tin và quảng bá du lịch. Ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác tuyên truyền, quảng bá có hiệu quả những mô hình, sản phẩm du lịch; nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả xúc tiến quảng bá tại các kỳ hội chợ, sự kiện, lễ hội văn hóa du lịch,... Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của du lịch. Kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khu, điểm du lịch trong hoạt động xúc tiến quảng bá. Đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước để kết nối tuor, tuyến du lịch gắn với phát triển dịch vụ lữ hành. Lồng ghép hoạt động quảng bá các sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu sở hữu trí tuệ, các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của Thái Bình vào các chương trình xúc tiến du lịch.
Sáu là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch và kết nối dữ liệu với các ngành khác; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch, quản lý tài nguyên, môi trường du lịch và hỗ trợ, tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt, khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị thông minh.
Với quan điểm phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, thương mại dịch vụ đến năm 2025, định hướng đến 2030, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh là một định hướng đúng đắn, có tầm nhìn chiến lược. Khai thác được tiềm năng, thế mạnh, đánh thức được dư địa, tận dụng được lợi thế về nông nghiệp, phát huy, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và người dân Thái Bình. Song, trước câu chuyện của không ít địa phương trên cả nước đang đối mặt với ô nhiễm môi trường, băng hoại hệ sinh thái, nguồn tài nguyên cạn kiệt, người dân mất việc làm, mất sinh kế,… do những hệ lụy của phát triển du lịch là những minh chứng cho hướng phát triển nóng, thiếu bền vững mà chúng ta cần hết sức lưu ý. Chúng ta phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, dịch vụ thương mại không phải bất chấp bằng mọi giá.
Một mùa xuân mới - xuân Giáp Thìn 2024 lại đang tới. Tin tưởng rằng, với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, trong tương lai không xa, ngành du lịch gắn với nông nghiệp, dịch vụ thương mại của chúng ta sẽ như "Rồng cất cánh", khẳng định được vị thế của mình, xác lập được thương hiệu du lịch Thái Bình với khách du lịch các địa phương, trong nước và quốc tế.
Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch UBND huyện Vũ ThưTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.