Phát triển hàng hóa chủ lực: Điểm sáng từ địa phương

Cộng tác viên
03:01 PM 16/06/2020

Thời gian qua, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất chất lượng của các sản phẩm chủ lực như các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, hàng nông sản, đặc sản địa phương, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp,... góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khẳng định tên tuổi trên thị trường, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xác định năng suất và chất lượng là yếu tố đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng nền kinh tế, ngay từ khi Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 được triển khai, nhiều tỉnh, thành phố đã đồng loạt đưa hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng vào kế hoạch hoạt động hằng năm của địa phương mình.


Nâng cao chất lượng hàng hóa chủ lực trở thành mục tiêu chung của nhiều địa phương trong cả nước.

Với sự chủ động, nỗ lực từ cơ quan chủ trì dự án tại địa phương, sự thay đổi về năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh đã đến với các doanh nghiệp, qua đó đã góp phần làm dày thêm những kết quả đáng kể trong đó có những mô hình điểm là doanh nghiệp thụ hưởng từ chương trình.

Điển hình tại Nam Định, việc khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất kinh doanh đã được triển khai từ nhiều năm nay. Dệt may được coi là ngành sản xuất trọng điểm của tỉnh Nam Định, vì vậy, Nam Định đã nỗ lực phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may, triển khai, áp dụng thành công các mô hình, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới, cải tiến quá trình kinh doanh, giảm thiểu lãng phí trong sản xuất, từng bước nâng cao trình độ quản lý vươn lên phát triển toàn diện.

Thực tiễn tại Công ty CP May Nam Hà - doanh nghiệp rất tích cực trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và đạt được hiệu quả cao. Qua 6 tháng triển khai áp dụng Lean, năng suất lao động của Công ty đã tăng 110 USD/người/tháng, tương đương 128% so với trước đó.

Nhận thức rõ hiệu quả của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, từ đó đến nay, Công ty liên tục triển khai các dự án nâng cao NSCL để tăng năng lực quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời thường xuyên đổi mới máy móc, trang thiết bị, công nghệ sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ðúc thép Thắng Lợi, Cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Ðịnh) được tư vấn chọn áp dụng hệ thống quản lý sản xuất tinh gọn LEAN để thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng. Sau khi áp dụng, việc điều hành công việc thuận lợi, không bị chồng chéo và chạy vòng; giảm lãng phí về thời gian di chuyển, chờ đợi, thao tác bê vác, tồn kho, an toàn hơn khi làm việc, việc sắp xếp mặt bằng sản xuất tại xưởng đóng gói, diện tích kho lưu trữ khoa học hơn.

Do đó đã giảm được 9,09% công nhân dư thừa so với trước khi áp dụng; sản phẩm tạo ra trong ngày tăng 30% và hầu như không phát sinh sai lỗi. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Dược, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Max Window, Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Thanh (thành phố Nam Ðịnh) sau khi xây dựng và áp dụng công cụ quản lý 5S thông qua các giải pháp hiệu quả đã đẩy năng suất tăng trung bình khoảng 20%.


Với sự chủ động của doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ tích cực từ Chương trình, Nam Định trở thành 
địa phương có nhiều doanh nghiệp thành công về NSCL. 

Tại tỉnh Bình Dương, nghề gốm là nghề thủ công truyền thống lâu đời, thời gian qua các sản phẩm hầu hết đều sản xuất theo lối truyền thống. Để nâng cao năng suất chất lượng, tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng. Cụ thể, là Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Dương; chương trình cải tiến năng suất, chất lượng…

Trong quá trình thực hiện chương trình, Công ty Cường Phát áp dụng các công cụ năng suất, chất lượng 5S, kaizen…, kết quả đã tiết kiệm chi phí cho công ty hơn 2,5 tỷ đồng. Qua việc áp dụng kaizen, công ty đã cải tiến lò nung, triển khai thu hồi đất từ bùn thải. Nhờ đó, hàng năm công ty tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng chi phí nguyên liệu nung, tiết kiệm trung bình gần 26 triệu đồng/tháng cho chi phí nguyên liệu sản xuất.

Cũng như Công ty Cường Phát, hiện nay nhiều doanh nghiệp gốm sứ chủ lực ở Bình Dương đã có đủ đơn hàng sản xuất đến cuối năm. Trong đó các đơn hàng ở thị trường xuất khẩu tăng từ 10-15%, đơn hàng nội địa tăng từ 20-30% so với năm trước.

Tại Đắk Lắk, để phát triển cây cà phê – một trong những sản phẩm chủ lực, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, chiến lược năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu của Đắk Lắk là tập trung tái cơ cấu lại ngành hàng cà phê vối phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao.

Theo đó, tỉnh Đắk Lắk đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành hàng; ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ cao vào các khâu sản xuất, chế biến và tổ chức quản lý sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, doanh nghiệp. Đồng thời, quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Từ thực tiễn triển khai dự án tại doanh nghiệp các đia phương cho thấy, để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển với các mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với định hướng phát triển chung, từ đó đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Bảo Anh
Ý kiến của bạn