Phát triển kinh tế biển

Sự kiện
07:59 AM 23/05/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Ðề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

    PGS.TS Vũ Thanh Ca

    DĐDN đã có buổi phỏng vấn PGS.TS Vũ Thanh Ca, Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam về nội dung này. 

    Theo PGS TS Vũ Thanh Ca, mục tiêu của Đề án là thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển, nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế, các đối tác đã được đề ra tại Nghị quyết Trung ương số 36/2018 về về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

    - Vậy, chúng ta sẽ phải nhận thức như thế nào cho đúng về mục tiêu này, thưa ông?

    Quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết 36 là “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

    Để xây dựng được một nền kinh tế biển bền vững, cần có một lực lượng tri thức cùng các số liệu điều tra cơ bản. Trong những năm qua, với sự phát triển kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển. Chúng ta đã thực hiện được nhiều đề tài, dự án thuộc Chương trình khoa học – công nghệ biển (KC09), Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển (Đề án 47).

    Tuy nhiên, số liệu điều tra cơ bản về biển của Việt Nam cho đến nay vẫn thiếu đồng bộ. Đơn cử, chưa được quan trắc cùng một lúc về một yếu tố với mật độ số liệu phù hợp, thiếu các chuỗi thời gian; các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án điều tra cơ bản chưa được thiết kế một cách hoàn chỉnh… Chúng ta dã thực hiện được nhiều dự án điều tra cơ bản nhưng số liệu vẫn chưa được phổ biến rộng rãi cho nên số người có khả năng tiếp cận, khai thác, sử dụng số liệu đó còn rất ít. Một vấn đề nữa là những vấn đề về quản trị, quản lý biển, phát triển hạ tầng, cải thiện sinh kế của người dân. Do còn thiếu nguồn lực trong nước nên hợp tác quốc tế sẽ giúp ta bổ sung kiến thức, kinh nghiệm và thực tiễn một cách nhanh chóng để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển.

    - Ông đánh giá thế nào về những bất cập trong phát triển kinh tế biển hiện nay?

    Trong những năm vừa qua, nền kinh tế biển Việt Nam đã phát triển dưới tiềm năng rất nhiều, nhưng đã bộc lộ những yếu điểm nghiêm trọng, gây suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Tôi xin phân tích kỹ một số khía cạnh như dưới đây.

    Thứ nhất là không gian ven biển, đặc biệt là các bãi cát biển sạch đẹp là một nguồn tài nguyên rất quan trọng cần được sử dụng công cộng để đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển và khai thác với hiệu quả cao nhất. Tuy vậy, hiện nay đang diễn ra tình trạng “phân lô, bán nền” các khu vực ven biển và các tài sản công này biến thành tài sản tư nhân với hiệu quả khai thác, sử dụng rất kém.

    Thứ hai, cơ sở hạ tầng ven biển còn rất yếu kém. Chúng ta đang thiếu đường sá, các công trình phòng chống thiên tai, các cơ sở xử lý nước thải, rác thải, các cơ sở nghỉ dưỡng đạt chuẩn và các hạ tầng khác phục vụ phát triển kinh tế biển, hỗ trợ sinh kế bền vững của người dân.

    Thứ ba, đầu tư cho hạ tầng rất dàn trải nên sử dụng nguồn lực rất lãng phí và không hiệu quả. Thí dụ chúng ta xây dựng quá nhiều cảng biển gần nhau nên phần lớn kinh doanh thua lỗ do thiếu hàng hóa để vận chuyển.
    Thứ tư, quản lý môi trường biển không hiệu quả. Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia có mức ô nhiễm rác thải nhựa ở biển cao nhất thế giới. Hiện tượng nước thải, rác thải chưa qua xử lý được xả trực tiếp ra biển rất phổ biến, gây ô nhiễm môi trường biển.

    Thứ năm, suy thoái hệ sinh thái biển do đánh bắt hải sản quá mức, bằng các hình thức hủy diệt; công tác bảo tồn chưa hiệu quả đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản biển.

    Thứ sáu, công tác quản lý nhà nước về biển, đặc biệt là quản lý tổng hợp biển và hải đảo, quản lý nghề cá, quản lý bảo tồn còn rất nhiều hạn chế, yếu kém.

    Thứ bảy, việc xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển mặc dù đã tạo được thành tựu nhưng chưa nhiều.

    - Vậy theo ông chúng ta cần có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả kinh tế biển?

    Theo tôi, cần phải nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về biển để bảo vệ, bảo tồn, khai thác và sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển. Thí dụ, để bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản biển, Việt Nam cần nâng cao chất lượng đánh bắt thủy sản trên biển bằng cách giảm lượng tàu thuyền và số người tham gia đánh bắt nhưng nâng cao hàm lượng tri thức cho ngư dân, áp dụng các công nghệ cao, tăng hiệu quả đánh bắt và quản lý tốt hoạt động đánh bắt để ngăn chặn xu thế suy thoái, cạn kiệt của nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, chúng ta cần tính đến giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho một số ngư dân để đảm bảo họ sẽ không đánh bắt thủy sản đến mức cạn kiệt.

    Trong tất cả các lĩnh vực bị tác động bởi dịch COVID-19, thì kinh tế biển mà trong đó có du lịch, nghỉ dưỡng và vận tải hành khách trên biển là bị tác động mạnh nhất. Chính phủ đang có chủ trương mở cửa lại nền kinh tế, nhưng nếu Việt Nam và thế giới chưa kiểm soát được dịch bệnh này ngành du lịch biển sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì chỉ cần phát hiện một ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng thì lập tức cả chuỗi nhà hàng, khách sạn biển sẽ phải đóng cửa.

    Mặc dù đại dịch gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế, nhưng đại dịch này cũng tạo cơ hội để nền kinh tế biển tự rà soát, quản trị tốt hơn các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và trở nên bền vững hơn trong tương lai. Thí dụ, nghỉ du lịch và hạn chế đánh bắt sẽ giúp biển phục hồi và chúng ta có thời gian nhìn lại để quy hoạch tốt hơn kinh tế biển.

    Trong tương lai giá trị của ngành kinh tế biển sẽ ngày càng cao. Tuy nhiên, ngành kinh tế này cũng rất dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh nên vấn đề quản trị rủi ro với kinh tế biển, trong đó có du lịch biển chắc chắn sẽ được đầu tư một cách thích đáng.

    - Trân trọng cảm ơn ông!

    Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

    Trong tình hình mới, trên cơ sở những thành tựu, hạn chế, yếu kém thời gian qua, chúng ta cần thống nhất tư tưởng, nhận thức rằng biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, chúng ta cần tạo hành lang pháp lý tốt hơn nữa, đồng thời đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, để Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

    PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên Thường vụ Hội nghề cá Việt Nam,
    Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển:

    Trong mô hình phát triển các khu kinh tế ven biển nói riêng và kinh tế biển nói chung thiếu “đầu tàu,” chưa thực sự áp dụng quy luật lan tỏa trong phát triển; thể chế chưa rõ ràng, chưa tôn trọng ‘tính phổ quát’ của luật các khu kinh tế mở. Hiện nay, nhận thức về “tăng trưởng xanh” và “kinh tế biển xanh” của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ, thậm chí rất khác biệt. Các ngành, các địa phương chưa chuẩn bị đủ điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển từ “nâu” sang “xanh.”

    Ý kiến của bạn
    Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

    Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.