Phát triển làng nghề truyền thống của Hà Nội gắn với du lịch
Nếu được khai thác tốt để phục vụ du lịch, chắc chắn các làng nghề của Thủ đô sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Tự hào nghề truyền thống
Những năm qua, bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Hà Nội như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái... du lịch làng nghề cũng trở thành một hướng đi triển vọng để thu hút du khách.
Du lịch làng nghề được đánh giá là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng bởi tính sinh động, đa dạng và phong phú.
Hà Nội hiện có 806 làng nghề với hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu, có nhiều lợi thế phát triển du lịch, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thủ đô.
Những năm qua, nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội đã tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch và đã có những thành công bước đầu, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc… đã và đang thành công trong việc phát triển du lịch làng nghề khi đón nhiều lượt khách du lịch trong ngày với các hoạt động tham quan nơi sản xuất, mua hàng làm quà lưu niệm.
Hà Nội còn nhiều làng nghề lâu đời khác như mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên), làng Kiêu Kỵ (nơi duy nhất trong cả nước làm nghề vàng, bạc quỳ), phường rối Chàng Sơn (huyện Thạch Thất... có tiềm năng lớn trong việc phát triển trở thành điểm du lịch, có thể gắn kết với các sản phẩm du lịch khác để phát triển bền vững.
Các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Du khách đến với làng nghề của Hà Nội không chỉ được ngắm cảnh quan của một làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình, mà còn được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Điều này tạo nên sức hấp dẫn riêng của du lịch làng nghề.
Tuy nhiên, dù tự hào về nghề truyền thống nhưng những trường hợp phải loay hoay, tự tìm hướng quảng bá, giới thiệu nghề và làng nghề không phải là hiếm. Không khó để thấy phát triển du lịch các làng nghề còn là những câu chuyện dài bởi thiếu rất nhiều yếu tố thu hút khách.
Những tồn tại như chất lượng nguồn nhân lực thiếu và yếu; tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; mẫu mã sản phẩm không đa dạng, thiếu sức sáng tạo, chưa bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng; cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông còn một khoảng cách khá xa so với nhu cầu phát triển du lịch... nên du lịch làng nghề của Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của cơ quan quản lý, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, đồng bộ khiến việc phát triển du lịch làng nghề thiếu tầm nhìn chiến lược, chưa thực sự được đầu tư bài bản, nghiêm túc.
Biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch
Phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống gắn với du lịch là câu chuyện được thành phố Hà Nội cũng như nhiều sở, ngành liên quan trăn trở suốt những năm qua.
Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2022-2025 mỗi huyện, thị xã có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn triển khai từ 1-3 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch.
Nhìn sự phát triển du lịch của làng lụa Vạn Phúc có thể thấy, nhờ sự khai thác khéo léo tiềm năng du lịch, nơi đây nhanh chóng trở thành điểm đến khám phá, trải nghiệm lý tưởng đối với du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Hiện làng lụa Vạn Phúc có khoảng 300 hộ dệt, kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm.
Đặc biệt trong dịp SEA Games 31, các gian hàng trong khu phố Lụa được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt. Các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm mới, các mẫu thiết kế thời trang, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lụa nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Để khẳng định bản sắc riêng, phát triển du lịch bền vững, địa phương quản lý như phường Vạn Phúc và Ủy ban nhân dân quận Hà Đông đã xây dựng các tuyến phố Lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm…
Ngoài ra, nơi đây đã thành lập Hợp tác xã Vụn Art, mang lại thu nhập cho người khuyết tật bằng việc sử dụng các vải lụa vụn để ghép tranh lụa xuất khẩu ra nước ngoài.
Dẫn chứng như vậy để thấy, các làng nghề cần sự phối hợp của nhiều yếu tố mới có thể trở thành điểm đến du lịch. Trước hết, các địa phương phải quy hoạch lại không gian làng nghề cho phù hợp, đảm bảo tạo thuận lợi cho du khách khi đến tham quan.
Các làng nghề cần có khu sản xuất, khu trải nghiệm, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm; sắp xếp lại quy trình sản xuất; cho phép du khách cùng tham gia trải nghiệm các công đoạn sản xuất, chế tác sản phẩm.
Các địa phương có thể tổ chức dịch vụ phục vụ du khách, đầu tư dịch vụ lưu trú theo hướng homestay để tăng thời gian lưu trú cũng như dịch vụ cho du khách trải nghiệm; trùng tu, làm tăng sức sống cho các nhà cổ để đảm bảo thu hút khách bền vững...
Mỗi một làng nghề đều mang trong mình những giá trị văn hóa riêng. Du khách đến với làng nghề đều muốn tìm hiểu sản phẩm ấy đã ra đời và tồn tại trong lịch sử như thế nào, mang bản sắc văn hóa ra sao… và địa phương nào biết khéo léo khai thác những thế mạnh của sản phẩm để đáp ứng nhu cầu du lịch thì nơi đó sẽ thu hút du khách.
Phải nhận thức phát triển du lịch làng nghề là phát triển kinh tế bền vững, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, cải thiện mức sống. Chính quyền cơ sở muốn làng nghề phát triển trở thành một sản phẩm du lịch phải kêu gọi đầu tư, vận động các thành phần kinh tế tham gia theo phương châm xã hội hóa sản phẩm du lịch; xây dựng đội ngũ làm công tác du lịch bằng cách đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ…
Cùng với đó, ban hành hay đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư, hỗ trợ họ về các dịch vụ phục vụ du lịch như làm đường, quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, xây dựng môi trường sạch đẹp.
Về phía thành phố Hà Nội, nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, UBND thành phố đã lên kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn này mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch"; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân-hợp tác xã-hộ kinh doanh-doanh nghiệp. Thành phố sẽ triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn.
An Mai (t/h)Ngày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".