Phát triển logistics hàng không để thúc đẩy du lịch Việt Nam

Diễn đàn
10:35 AM 27/12/2024

Ngày 26/12 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) đã tổ chức "Diễn đàn dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: Mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam".

Theo nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường, thị trường hàng không Việt Nam đã phục hồi ngang mức năm 2019, với dự kiến sản lượng vận chuyển quốc tế trong năm 2024 đạt hơn 41 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2023. 

Dự báo, năm 2025, vận tải hàng không quốc tế đến và đi từ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 10% so với năm trước đó. Với mức tăng trưởng trung bình từ 5-6% mỗi năm, thị trường hàng không Việt Nam được kỳ vọng sẽ đón khoảng 150 triệu khách vào năm 2035 và 200 triệu khách vào năm 2040, tăng lần lượt 1,9 lần và gần 2,5 lần so với năm 2019. Đây là cơ hội quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ.

Phát triển logistics hàng không để thúc đẩy du lịch Việt Nam- Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, trong lĩnh vực du lịch hàng không, cần xây dựng một chiến lược bài bản và tăng cường hợp tác đồng bộ giữa các bên trong và ngoài nước.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không nhận định rằng, đạt được kết quả này là do nước ta đã tạo lập và duy trì được vị thế, hình ảnh một điểm đến an toàn, đặc biệt là bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Thủ tục cấp thị thực của Việt Nam hiện nay được đánh giá thông thoáng so với các nước trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam. Cùng với đó, kể từ sau đại dịch COVID-19, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải… đã tích cực trao đổi với các đối tác nước ngoài để khôi phục các đường bay quốc tế bị đứt gãy do dịch bệnh. Điều này góp phần tạo dựng niềm tin của các hãng bay nước ngoài về sự đồng hành và trách nhiệm của Việt Nam.

"Những nỗ lực của Chính phủ, nhà chức trách hàng không Việt Nam đối với sự phát triển thị trường hàng không quốc tế là rất đáng ghi nhận. Cùng với đó, việc cơ sở hạ tầng hàng không không ngừng được nâng cấp, mở rộng cũng cho thấy chúng ta đã có sự phát triển cực kỳ lớn", ông Võ Huy Cường nhấn mạnh.

Thời gian qua, giá vé máy bay nội địa tăng cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng không, du lịch, cũng như các ngành kinh tế khác và đời sống của người dân địa phương. Thêm vào đó, sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa các hãng hàng không, địa phương và doanh nghiệp du lịch khiến ngành hàng không và du lịch chưa đạt được bước đột phá như mong đợi. Vì vậy, cần xây dựng một chiến lược bài bản và tăng cường hợp tác đồng bộ giữa các bên trong và ngoài nước.

Đặc biệt, cần tận dụng và quảng bá tối đa các dịch vụ bán lẻ và tiện ích tại sân bay, đồng thời triển khai các sản phẩm bay vào giờ sáng sớm và tối muộn với mức giá giảm 20-30% so với giờ bay thông thường. Ngoài ra, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, khu vui chơi và điểm tham quan tại các vùng du lịch cũng cần tham gia vào chiến dịch kích cầu cho các chuyến bay đêm nhằm hỗ trợ thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Phát triển logistics hàng không để thúc đẩy du lịch Việt Nam- Ảnh 2.

Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí chia sẻ tại diễn đàn.

Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí cho biết, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh phát triển du lịch bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh.

Theo ông Trí, để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đòi hỏi vai trò lớn của cơ quan quản lý Nhà nước. Cần thiết kế hạ tầng xanh hướng tới sự thịnh vượng và bền vững dựa trên các tiêu chí của chứng chỉ LEED, xây dựng các công trình với việc sử dụng các vật liệu phát xạ thấp, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường sống, công trình xanh, hạ tầng xanh. Cùng đó, cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo 4 yếu tố tiện nghi, thẩm mỹ, vệ sinh, an toàn để thu hút du khách.

Ông Trí cũng chỉ ra các yếu tố tạo nên điểm đến hấp dẫn như phong cảnh đặc sắc, văn hóa bản địa, và công nghệ thông minh. Điều này yêu cầu sự đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.

Theo TS. Lê Tuấn Anh, Trưởng Khoa Quản trị Du lịch và Ngôn ngữ Quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ngành hàng không không chỉ là cầu nối giữa khách du lịch với điểm đến Việt Nam, mà còn là kênh quảng bá cho du lịch Việt, giữ vị trí rất quan trọng trong việc bắt đầu, kết thúc cũng như thúc đẩy việc quay trở lại của du khách.

"Chúng ta đã trải qua giai đoạn phát triển du lịch đại chúng. Đôi lúc giá cả chỉ là một phần thôi, khi đó chất lượng dịch vụ nó thể hiện qua con người, thể hiện qua văn hóa, cùng đó là vấn đề vệ sinh, an ninh, an toàn, cách sắp đặt điểm đến ứng xử của từng con người trong suốt cả chặng đường hành trình. Do đó tôi cho rằng, chất lượng là rất quan trọng. Chất lượng tích hợp rất nhiều giá trị, đặc biệt là giá trị văn hóa, tạo nên một điểm đến hấp dẫn", TS. Lê Tuấn Anh nêu ý kiến.

Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận cũng như đưa ra các giải pháp về việc khai thác mạng lưới hàng không quốc tế kết nối Việt Nam và các thị trường du lịch quốc tế lớn; Xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam và giải pháp cho các điểm du lịch thông qua dịch vụ hàng không; Phát triển thương hiệu điểm đến du lịch xanh Việt Nam để thu hút khách du lịch quốc tế. Tích hợp các giá trị, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam trong tình hình mới.

Nhật Mai
Ý kiến của bạn