Phát triển năng lượng tái tạo cần là xu thế tất yếu để chống biến đổi khí hậu

Quốc tế
08:00 AM 07/05/2022

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi chính phủ các nước đánh giá lại chính sách năng lượng bởi lượng khí thải carbon độc hại trong giai đoạn 2010-2019 ở mức cao kỷ lục. Giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu nhằm góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, các nước cần hành động sớm để ngăn chặn các hệ lụy nghiêm trọng do biến đổi khí hậu (lũ lụt, hạn hán, sự nóng lên toàn cầu...). 

Trong thông điệp trực tuyến được đưa ra, ông Guterres cho biết, nếu không có hành động nhanh chóng nào được thực hiện thì một số thành phố lớn sẽ chìm trong nước. Ông cũng cảnh báo về "những đợt nắng nóng chưa từng có, những cơn bão kinh hoàng, tình trạng thiếu nước trên diện rộng và sự tuyệt chủng của một triệu loài động thực vật".

Theo người đứng đầu Liên Hợp Quốc, đây "không phải là hư cấu cũng không phải cường điệu. Khoa học cho chúng ta biết đây là kết quả của các chính sách năng lượng hiện tại của chúng ta". Các chuyên gia và nhà khoa học đang theo dõi "tình trạng ấm lên toàn cầu cao hơn gấp đôi mức dự báo là 1,5°C đã được đưa ra tại Paris vào năm 2015".

Phát triển năng lượng tái tạo cần là xu thế tất yếu để chống biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Tân Hoa xã

Cung cấp bằng chứng khoa học để chứng minh cho đánh giá đáng lo ngại này, báo cáo của IPCC lưu ý rằng lượng phát thải khí nhà kính do hoạt động của con người đã tăng lên kể từ năm 2010 “trong tất cả các lĩnh vực chủ yếu trên thế giới”.

Tỷ lệ phát thải ngày càng tăng tại các thành phố. Bên cạnh đó, thông tin cũng đáng lo ngại không kém, đó là mức giảm phát thải trong thập kỷ qua "thấp hơn mức tăng phát thải, do mức độ gia tăng của hoạt động toàn cầu trong ngành công nghiệp, cung cấp năng lượng, giao thông, nông nghiệp và các tòa nhà”.

Bởi vậy, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) kêu gọi thế giới giảm dần tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng than đá, cắt giảm lượng tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt lần lượt ở mức 60% và 70%.

Một số biện pháp được IPCC khuyến nghị nhằm giúp giảm từ 40% đến 70% lượng phát thải carbon vào năm 2050 là giảm mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo và tăng cường sử dụng các nhiên liệu thay thế, như hydro. Bên cạnh đó, các nước cũng cần cắt giảm chuyến bay đường dài, xây dựng các tòa nhà có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, cắt giảm nhu cầu năng lượng... 

“Thế giới hiện đang chi nhiều hơn cho năng lượng xanh hơn bao giờ hết. Người ta có thể thấy sự thay đổi lớn về số lượng chi tiêu cho năng lượng xanh, vốn đã tăng lên, trong đó chi tiêu cho dầu và khí đốt giảm xuống đáng kể", Audun Martinsen, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Dịch vụ Năng lượng tại Rystad Energy cho biết.

Do nguồn cung năng lượng hóa thạch từ Nga đang bị hạn chế, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Theo đó, năng lượng xanh gồm năng lượng mặt trời và năng lượng gió, hydro cũng như sáng kiến CCS (thu hồi và lưu trữ carbon), được coi là "chìa khóa" không chỉ để cải thiện an ninh năng lượng, mà còn thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng trong tương lại. 

Trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng truyền thống, vốn đang bị gián đoạn, Chính phủ Ðức đã thông qua kế hoạch sửa đổi luật lớn nhất trong nhiều thập niên nhằm khuyến khích phát triển nhanh chóng năng lượng tái tạo. Mục tiêu là trong vòng một thập niên tới, nước Ðức sẽ tăng gần gấp hai lần tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo trên biển và trong đất liền sẽ tăng gấp ba lần.

Với kế hoạch sửa đổi luật rất lớn, Chính phủ Ðức sẽ bảo đảm an ninh năng lượng và chủ quyền năng lượng, đồng thời đặt nền móng để nước Ðức sớm trở thành quốc gia trung hòa khí thải. Mở rộng năng lượng tái tạo trên đất liền và trên biển sẽ được triển khai mạnh với mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 80% tổng lượng điện tiêu thụ của Ðức sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Hệ thống điện mặt trời, điện gió trên đất liền và trên biển đều sẽ được tăng cường đầu tư mở rộng nhanh chóng.

Phát triển năng lượng tái tạo cần là xu thế tất yếu để chống biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: The Local It

Italia, quốc gia vốn phụ thuộc khoảng 45% nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, cũng nỗ lực đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Italia hiện đang tổ chức đàm phán với Libya và Algeria về việc huy động và phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong bối cảnh Rome tìm cách sử dụng nguồn năng lượng sạch từ các quốc gia giàu năng lượng tái tạo ở Bắc Phi. 

Bằng cách sử dụng cả các nguồn tài nguyên tái tạo của Libya và Algeria, Italia hy vọng sẽ góp phần cải thiện sự phát triển năng lượng sạch ở châu Phi và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, đồng thời củng cố chuỗi cung ứng từ các nguồn thay thế để đáp ứng nhu cầu nội địa.

An Mai (T/h)
Ý kiến của bạn
Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng

Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.