Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, nhìn từ kinh nghiệm Đài Loan
Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt thì các nguồn năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp rất cấp thiết cho phát triển bền vững. Từ hiện thực phát triển năng lượng tái tạo ở Đài Loan, TS Hoàng Xuân Lâm có bài viết nghiên cứu dưới đây nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực năng lượng này ở Việt Nam.
Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Kinh nghiệm của Đài Loan
Bắt đầu từ năm 2005, một loạt những cuộc hội thảo quốc gia và chuyên ngành được tổ chức bàn về những căn cứ pháp lý, trong đó có “Đạo luật Phát triển Năng lượng tái tạo” (REDA), thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo. Từ đó, Chính phủ Đài Loan đã tích cực triển khai nhiều chính sách, công cụ pháp lý cả về kinh tế và chính sách phi kinh tế nhằm hỗ trợ mở rộng nhu cầu thị trường nội địa, thúc đẩy đầu tư công nghiệp, tăng cường nghiên cứu phát triển và thành lập một chuỗi công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh.
Chính sách khuyến khích kinh tế
Trợ cấp
Theo đó, hằng năm, Chính phủ cung cấp ngân sách và trợ cấp cho các mô hình hệ thống khác nhau của năng lượng tái tạo. Từ đó, các cơ quan Chính phủ ở ngoài khơi hoặc ở vùng sâu vùng xa, các trường đại học đưa ra những kết quả mô hình tốt trong việc lắp đặt hệ thống. Tuy nhiên, việc thúc đẩy lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo này vẫn chưa thực sự hiệu quả do thời gian hoàn vốn quá lâu, quá trình áp dụng quá tốn thời gian, không có nghĩa vụ phải bắt buộc truyền tải điện được...
Tín dụng thuế
Bên cạnh việc trợ cấp giá và trợ cấp lắp đặt, Đài Loan còn đưa ra chính sách ưu đãi về thuế đối với các ngành năng lượng tái tạo. Họ giảm thuế để khuyến khích đầu tư, chuyển tiền hoặc tăng tốc độ khấu hao. Các ưu đãi chính được đưa ra trong cả “Quy chế thúc đẩy nâng cấp các ngành công nghiệp” và “Biện pháp giảm đầu tư”. Theo đó, Chính phủ hỗ trợ đến 13% cơ sở vật chất, được khấu trừ thuế cho tất cả các khoản thuế từ lợi nhuận trong kinh doanh; nhận tín dụng thuế từ 10-20% chi phí đầu tư vào thị trường chứng khoán của ngành; tăng tốc độ khấu hao 2 năm; vay với lãi suất thấp. Trong điều 9 của Quy chế thúc đẩy nâng cấp các ngành công nghiệp (Statute for promoting the Upgrading of Industrial) có quy định “nhập khẩu miễn thuế cho các thiết bị không sản xuất trong nước và chỉ giới hạn cho các thiết bị sử dụng trong công nghiệp”.
Ngoài ra, trong “Đạo luật Phát triển Năng lượng tái tạo” cũng nêu rõ: Các doanh nghiệp, xí nghiệp nhập khẩu các nguồn cung cho ngành công nghiệp để xây dựng hoặc vận hành các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo phải được miễn thuế.
Ngành công nghiệp NLTT trên toàn cầu phát triển mạnh nhờ vào trợ cấp.
Trợ giá
Từ năm 2003, Công ty Điện lực năng lượng tái tạo Đài Loan cung cấp mức trợ giá năng lượng tái tạo (FIT) đối với điện năng lượng tái tạo là 2 TWD cho mỗi kilowatt điện và đặt giới hạn ít nhất trên 600MW vào tổng công suất năng lượng tái tạo, trừ lò đốt thải và hệ thống thủy điện tạo ra trên 20MW.
Điều 9 của Đạo luật nói trên quy định cần phải thành lập lên Ủy ban đánh giá phí và kiểm tra lại giá năng lượng tái tạo. Giá mới này không được thấp hơn chi phí trung bình của nhiên liệu hóa thạch tạo ra điện năng trong thị trường trong nước. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp này có được một không gian hợp lý, việc thiết lập một hệ thống đo sáng như ở Mỹ cũng là một bước nữa để kích thích sự tham gia của công chúng.
Theo quan điểm của công chúng, mức giá điện FIT quá cao hoặc quá thấp đều không có lợi. Nếu quá cao thì sẽ dẫn đến lạm phát giá điện ở Đài Loan, còn nếu quá thấp thì sẽ không khuyến khích được mọi người tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo. Khi xác định giá điện, điều quan trọng là phải xem xét tất cả các yếu tố này để tránh bị hủy kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ. Và việc xây dựng giá điện phù hợp chính là yếu tố để giảm hiệu ứng nhà kính và cũng là cơ hội để ổn định nguồn cung năng lượng trong nước.
Chính sách phi kinh tế
Thúc đẩy sự phát triển và nghiên cứu công nghệ
Trong những năm gần đây, Chính phủ bắt đầu tích cực đầu tư vào nghiên cứu khoa học và công nghệ năng lượng tái tạo. Tham chiếu pháp lý sớm nhất về nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo ở Đài Loan là điều 5 của Luật Quản lý năng lượng, quy định: “Ủy ban Trung ương cùng với các quy định của luật ngân sách, nên thành lập quỹ nghiên cứu phát triển năng lượng, xây dựng kế hoạch, tăng cường nghiên cứu liên quan đến năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nguồn gốc của phần lớn kinh phí cho quỹ phát triển nghiên cứu năng lượng là để nghiên cứu ngành công nghiệp điện hoặc dầu mỏ mà có doanh thu cao hơn (điện và dầu khí phải đầu tư 0,5% tổng thu nhập vào nghiên cứu và phát triển) hoặc quỹ dầu khí.
Tuyên truyền giáo dục
Năm 1996, lần đầu tiên, việc thúc đẩy tuyên truyền giáo dục được đưa vào chính sách năng lượng của Đài Loan. Từ đó đến nay, Cục năng lượng thuộc Bộ Kinh tế tiến hành tuyên truyền giáo dục về năng lượng nhằm vào khu đông dân cư và ký túc xá của các trường đại học; đồng thời họ cũng thiết lập giáo dục năng lượng ở các trường tiểu học, giáo dục con người về sự hiệu quả của việc sử dụng quang điện.
Đài Loan cũng lựa chọn một số trường tiểu học và trung học để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời làm điểm trình diễn cho giáo dục năng lượng tái tạo. Ngoài ra, liên quan đến lĩnh vực giáo dục năng lượng tái tạo ở các trường Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã soạn thảo bộ các chỉ số “Đại học xanh”. Các chỉ số này ngoài việc tăng cường các cơ sở trường đại học có chính sách bảo vệ môi trường, nó cũng sẽ giúp các trường tăng cường bồi dưỡng tài năng trong các lĩnh vực năng lượng và môi trường.
Tham gia đầu tư
Chính phủ Đài Loan đã và đang bắt đầu làm việc để thúc đẩy việc thiết lập các hệ thống năng lượng tái tạo thông qua các dự án xây dựng công cộng. Ví dụ: Thành lập một “thành phố quang điện”, thành phố giải trí quang điện, xây dựng trần năng lượng mặt trời với công suất 1MW... Chính phủ Đài Loan soạn thảo “Các quy định để đảm bảo năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí CO2 thông qua kiến trúc” như một khung tham chiếu cho các công trình công cộng trong tương lai. Các chính sách này có thể hiểu như là một lời hứa của Chính phủ để sử dụng năng lượng tái tạo trong các công trình công cộng.
Hàm ý cho Việt Nam
Việt Nam có đường biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa tạo nguồn năng lượng tái tạo dồi dào như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy điện nhỏ, năng lượng đại dương, năng lượng sinh khối và năng lượng địa nhiệt. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Nhờ đó, trong giai đoạn 2013-2019, trung bình hàng năm, tổng công suất nguồn điện tăng khoảng 10,6%.
Trong đó, nguồn điện năng lượng tái tạo tăng với tốc độ 31,9%, đặc biệt là điện mặt trời (từ 2018 đến hết tháng 6/2019, công suất điện mặt trời đã gấp trên 51 lần, từ 86MW lên đến trên 4.400 MW). Đến nay, tỷ lệ công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (trừ thuỷ điện vừa và lớn) đã chiếm tới 15,4% công suất lắp đặt toàn hệ thống. Nếu tính cả các thuỷ điện này thì tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất nguồn điện hiện nay lên tới hơn 46%.
Mặc dù vậy, việc phát triển năng lượng tái tạo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Qua nghiên cứu kinh nghiệm từ Đài Loan, người viết bài này xin đề xuất một số giải pháp sau đây nhằm thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, xây dựng Luật Năng lượng tái tạo
Hiện nay, nước ta có Luật Điện lực, Luật Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, do đó, cần xem xét xây dựng luật riêng cho năng lượng tái tạo. Từ kinh nghiệm của Đài Loan cho thấy, xây dựng Luật Năng lượng tái tạo sẽ là giải pháp có tính then chốt, tiên quyết cho việc phát triển năng lượng tái tạo. Việc này nên giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.
Thứ hai, sử dụng mức hỗ trợ cố định, không liên quan đến giá điện
Đài Loan sử dụng mức hỗ trợ cố định thay vì sử dụng phương pháp giá điện cộng thêm một mức hỗ trợ để giảm rủi ro biến động giá điện cho người đầu tư. Bên cạnh đó, áp dụng cơ chế FIT để hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo rồi dần chuyển sang cơ chế đấu thầu dự án nhằm giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh hiệu quả. Cần đưa ra một tiêu chuẩn hợp lý và rõ ràng để nhận được hỗ trợ FIT.
Thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thị trường năng lượng tái tạo
Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các loại thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo; ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị; công khai danh mục các dự án đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Thứ tư, tập trung nghiên cứu khoa học, công nghệ để phát huy được nguồn năng lượng tái tạo; bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật về năng lượng tái tạo.
Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm về năng lượng tái tạo, hoạt động theo cơ chế mở nhằm tạo điều kiện làm việc tốt cho nhiều nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Các phòng thí nghiệm trọng điểm này sẽ là nơi thích hợp cho việc tập hợp các nhà nghiên cứu trong nước cùng làm việc cũng như trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài.
Thứ năm, thành lập Quỹ phát triển năng lượng bền vững sử dụng nguồn vốn từ ngân sách, nguồn thu từ phí môi trường với nhiên liệu hóa thạch, các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ tài chính cho hoạt động khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trên phạm vi toàn quốc. Có thể dùng nguồn vốn của quỹ này để hỗ trợ cộng đồng phát triển mô hình sử dụng năng lượng tái tạo, thực hiện thí điểm, tiến tới nhân rộng các mô hình nhà xanh, tòa nhà xanh, đô thị xanh và nông thôn (làng, xã) xanh…
Thứ sáu, đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức đến với mọi người dân về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình phát triển bền vững, từ đó, có những hành động thiết thực đóng góp cho việc phát triển và sử dụng nguồn năng lượng này. Đồng thời giáo dục ý thức tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng sạch cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường./.
TS Hoàng Xuân LâmTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.