Phát triển nguồn nhân lực - yếu tố then chốt để VATM vươn tầm hội nhập

Doanh nghiệp
09:16 PM 27/04/2023

Sau 30 năm thành lập, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, bằng ý chí quyết tâm của tập thể cán bộ, nhân viên, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam hiện đang là một trong những đơn vị dẫn đầu ngành Hàng không về năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Hiện nay, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cung cấp dịch vụ trên diện tích gần 1,2 triệu km2, phạm vi hoạt động trải dài trên gần 30 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường hàng không nội địa và 36 đường hàng không quốc tế, đặc biệt Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) có các đường hàng không với mật độ bay cao, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.

Phát triển nguồn nhân lực - yếu tố then chốt để VATM vươn tầm hội nhập - Ảnh 1.

Đài Kiểm soát không lưu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Điều hành bay An toàn - Điều hòa - Hiệu quả

Trong 30 năm qua, kể từ khi ra đời, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam luôn giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vươn lên, từng bước đầu tư trang thiết bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, tiếp thu và làm chủ công nghệ mới, đưa lĩnh vực quản lý hoạt động bay vươn lên sánh vai với các nước có nền công nghiệp hàng không tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

30 năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, bằng ý chí quyết tâm, tập thể cán bộ, nhân viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã bảo đảm điều hành bay tuyệt đối an toàn cho hơn 11 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. Liên tục trong nhiều năm, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam là đơn vị dẫn đầu ngành Hàng không về năng suất, chất lượng và hiệu quả: Tổng thu điều hành bay ước đạt gần 65 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN đạt trên 32 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn bay, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay, giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc.

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực

Trong nhiều năm qua, Tổng Công ty luôn nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực với một đơn vị mang tính đặc thù về chuyên ngành quản lý bay với các chuyên ngành như: không lưu, không báo, kỹ thuật, khí tượng, tìm kiếm - cứu nạn. Cùng với việc đổi mới các hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại, nhất thiết Tổng Công ty cần có một đội ngũ nhân viên với đầy đủ trình độ và năng lực để có thể tiếp thu và vận hành các hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến.

Mục tiêu của Tổng Công ty là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên có đủ trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thực hành để thực hiện các phương thức đều hành bay tiên tiến hiện đại, sẵn sàng quản lý, khai thác, bảo dưỡng tốt trang thiết bị chuyên ngành Quản lý bay, nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ điều hành bay theo tiêu chuẩn, khuyến cáo thực hành của ICAO. 

Để đạt được mục tiêu này, Tổng Công ty thực hiện nhất quán làm việc gì đào tạo việc đó không đào tạo tràn lan; chú trọng đào tạo trong nước và đào tạo tại chỗ; tăng cường hợp tác tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các quốc gia có nền không vận phát triển và có kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật và quản lý không lưu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, New Zealand, Thái Lan,....

Phát triển nguồn nhân lực - yếu tố then chốt để VATM vươn tầm hội nhập - Ảnh 2.

Các học viên tham gia Chương trình xã hội hóa kiểm soát viên không lưu tại Airways New Zealand

Trong những năm qua, Tổng Công ty không ngừng đổi mới, thực hiện các bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện. Hoàn thiện hệ thống đào tạo, huấn luyện, các văn bản quản lý trong công tác đào tạo; thực hiện đổi mới chương trình đào tạo; đa dạng hóa các hình thức, phương thức đào tạo, huấn luyện (ngắn hạn, dài hạn, đào tạo trong nước, đào tạo tại nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam; đào tạo tập trung trực tiếp, đào tạo trực tuyến); đẩy mạnh đào tạo mới, đào tạo lại tại các cơ sở trong và ngoài nước, đảm bảo có đội ngũ lao động đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu quản lý và sản xuất kinh doanh. Xây dựng, phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên và cán bộ quản lý đào tạo về Hàng không. 

Hiện tại, toàn Tổng Công ty có khoảng 150 huấn luyện viên chuyên ngành được công nhận, cấp phép. Đội ngũ này không ngừng được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng giảng dạy. Tổng Công ty chú trọng đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo trong nước, nhất là đối với Học viện Hàng không Việt Nam và các cơ sở đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không khác.

Về việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các hệ thống thiết bị giả định (Simulator) hiện đại tại các cơ sở điều hành bay, đặc biệt tại các trung tâm kiểm soát đường dài, tiếp cận, các phòng huấn luyện giả định kiểm soát tại sân SIM 3D có thiết bị hiện đại đang được ứng dụng tại các nước có nền không lưu tiên tiến đã hỗ trợ các kiểm soát viên không lưu được làm quen với môi trường điều hành giả định như hoạt động thực tiễn hàng ngày, các tình huống điều hành thực tế sẽ được mô phỏng như thật, mỗi kiểm soát viên không lưu trước khi được tham gia vào dây chuyền điều hành bay đều phải tham gia huấn luyện trên hệ thống này hàng trăm giờ và 100% các kiểm soát viên không lưu hàng năm đều phải tham gia huấn luyện lại nhằm nâng cao các kỹ năng điều hành bay đảm bảo an toàn điều hành bay.

Nhằm huy động các nguồn vốn xã hội phục vụ nhu cầu phát triển ngành, Tổng Công ty đã tổ chức tốt công tác xã hội hóa tại nước ngoài (tại New Zealand) và trong nước (tại Học Viện HKVN). Để nâng cao hơn nữa năng lực an toàn và chất lượng dịch vụ điều hành bay, đào tạo được đội ngũ kiểm soát viên không lưu có trình độ ngang bằng các nước trong khu vực, năm 2015, Tổng Công ty đã xây dựng đề án xã hội hóa đào tạo kiểm soát viên không lưu (KSVKL Tiếp cận, Tại sân, Đường dài) cho các cơ sở Điều hành bay sân bay quốc tế, có cam kết tuyển dụng sau đào tạo. 

Tổng Công ty đã ký Thỏa thuận đào tạo cơ bản Kiểm soát viên không lưu với Công ty TNHH Quốc tế Airways New Zealand (Airways New Zealand). Trong giai đoạn 2015-2019, Tổng Công ty đã phối hợp với Airways New Zealand tổ chức tuyển chọn và đào tạo được 65 học viên KSVKL/03 khóa. Các học viên sau khi hoàn thành đào tạo, tốt nghiệp tại Airways New Zealand đã được Tổng Công ty tiếp nhận, ký hợp đồng tuyển dụng. Tổ chức hình thức đào tại xã hội hóa trong nước tại Học viện Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty đã xây dựng phương án đào tạo Kiểm soát viên không lưu cho các cơ sở Điều hành bay sân bay địa phương, có cam kết tuyển dụng sau đào tạo. 

Tổng Công ty đã ký Thoả thuận hợp tác đào tạo kiểm soát viên không lưu với Học viện Hàng không Việt Nam (VAA). Trong giai đoạn 2017-2022, Tổng Công ty đã phối hợp với VAA tổ chức tuyển chọn và đào tạo được 81 học viên KSVKL/02 khóa. Các học viên sau khi hoàn thành đào tạo, tốt nghiệp tại VAA đã được Tổng Công ty tiếp nhận, ký hợp đồng tuyển dụng.

Trong 30 năm qua, Tổng Công ty đã tổ chức đào tạo, huấn luyện trong nước và nước ngoài cho hơn 113.000 lượt người trong đó giai đoạn 1993-2003: 7.500 lượt người (trong nước: 6.700 lượt, nước ngoài: 815 lượt)  giai đoạn 2003-2013 tăng gấp 3,6 lần: 27.600 lượt người (trong nước: 26.200 lượt, nước ngoài: 1.300 lượt), giai đoạn 2013-2022 tăng gấp 3,8 lần: 78.000 lượt (trong nước: 68.000 lượt, nước ngoài: 957 lượt trong đó tại nước ngoài là 462 lượt, chuyên gia nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam: 495 lượt).

Phát triển nguồn nhân lực - yếu tố then chốt để VATM vươn tầm hội nhập - Ảnh 3.

Kíp trực điều hành bay tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội

Tiếp đà phát triển

Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những Nhà cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực Đông Nam Á trên cả hai tiêu chí: năng lực điều hành bay và chất lượng các dịch vụ; có hệ thống quản lý an toàn tin cậy; áp dụng công nghệ hiện đại và giải pháp quản lý không lưu tiên tiến, hiệu lực, hiệu quả; đóng góp xứng đáng cho ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước. 

Để đạt được mục tiêu này, quan điểm phát triển hệ thống quản lý bay đến năm 2030 là phải xây dựng được các nền tảng cho sự phát triển bền vững thông qua ba trụ cột: đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; đầu tư đổi mới công nghệ và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động; sắp xếp, kiện toàn tổ chức các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo hướng chuyên môn hóa hơn nữa nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa nguồn lực và đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực có chất lượng. 

Đặc biệt, Tổng Công ty tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm: đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đội ngũ chuyên gia có đầy đủ năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay; xây dựng đội ngũ nhân viên hàng không đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước và ICAO, có kỹ năng thành thạo, gắn bó, sẵn sàng cống hiến xây dựng ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

PV
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.