Phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội

Nhịp cầu BĐS
04:21 PM 19/05/2023

Sáng 19/5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị.

Tại hội nghị triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Phát triển nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp vai trò trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội.

Có thể nói, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở ổn định, an toàn.

"Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Đó là việc quy hoạch bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí nguồn vốn ưu đãi cho vay để phát triển nhà ở xã hội; sự quan tâm của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp…", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu vấn đề.

Từ những khó khăn vướng mắc nêu trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp nhằm cải thiện thứ bậc của Việt Nam về nhà ở trong bảng xếp hạng của quốc tế.

Phát triển nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 2.

Dự án nhà ở xã hội vừa mở bán, người dân đã xếp hàng từ nửa đêm, thậm chí từ chiều hôm trước để nộp hồ sơ mua.

Có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh, xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, "không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

Phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương phải được lồng ghép vào quy hoạch đô thị, quy hoạch công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm; trong đó cấp ủy, chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân.

Huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bất động sản lớn; có cơ chế, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.

Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn; đồng thời giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội cụ thể cho các địa phương trong từng giai đoạn (2022 - 2025 và 2025 - 2030). Đề án cũng đã đề ra các giải pháp đồng bộ để các bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp triển khai.

Để đảm bảo việc triển khai, thực hiện Đề án đạt mục tiêu đề ra, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và có các giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

"Tôi đề nghị các đồng chí, các bộ, các ngành, các địa phương khi phát biểu cần đi thẳng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng kết quả đã triển khai trong thời gian qua, các tồn tại, hạn chế, chỉ rõ các nguyên nhân còn tồn tại và mạnh dạn đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất là các giải pháp huy động mọi nguồn lực từ xã hội cùng tham gia với sự hỗ trợ của nhà nước để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội nhằm đạt mục tiêu của Đề án, trong đó tập trung vào các vấn đề liên quan đến thể chế chính sách, các thủ tục đất đai đầu tư - xây dựng, cải cách thủ tục hành chính...", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Thanh Thủy
Ý kiến của bạn