Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Lời giải nào cho bài toán chứng nhận?
Nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc xuất hiện trong quá trình chứng nhận sản phẩm hữu cơ
Những vướng mắc ở khâu chứng nhận
Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, tính đến nay, diện tích canh tác hữu cơ tại Việt Nam tăng từ 53.350ha năm 2016 lên khoảng 237.693ha năm 2019. Cả nước có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ. Số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người.
Số lượng doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97 doanh nghiệp; tham gia xuất khẩu là 60 doanh nghiệp với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia... là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.
Theo đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ vừa được Thủ tướng ban hành, mục tiêu đến năm 2025, đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ chiếm 1,5%-2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng hơn 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực như: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, điều, dừa... Với ngành chăn nuôi, tỉ lệ sản phẩm hữu cơ đạt khoảng 1%-2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Những sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ theo tiềm năng thế mạnh được ưu tiên, gồm: sữa, mật ong, yến sào, thịt gia súc gia cầm...
Liên quan tới vấn đề trên, theo ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, sản xuất hữu cơ đã bắt đầu từ những năm 1990 đến nay, tuy nhiên, quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa trở thành hàng hóa đủ lớn. Nhưng từ khi Nghị định 109/2018/NĐ-CP về sản xuất nông nghiệp hữu cơ được thực thi đã xuất hiện nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn từ hàng trăm đến hàng ngàn hécta.
"Rất đáng tiếc là bộ tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ với 8 tiêu chuẩn đã ban hành là chưa đủ. Để áp dụng đúng và dễ dàng cho nhà sản xuất, cần thiết phải có bảng danh mục vật tư đầu vào từ danh mục chi tiết của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền" - ông Mịch phản ánh.
Ông Mịch cũng cho rằng đã tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ tất yếu phải áp dụng theo một tiêu chuẩn phù hợp với thị trường có nhu cầu, cụ thể để xác định là sản phẩm hữu cơ phải có đơn vị chứng nhận. Bởi vậy vấn đề hoạt động của các đơn vị chứng nhận sản phẩm hữu cơ cần được xây dựng, hình thành theo các quy định hiện hành, thậm chí cần công khai danh sách các đơn vị đã được phép hoạt động chứng nhận.
"Đến nay chúng tôi thấy xuất hiện một số chứng nhận sản phẩm hữu cơ không rõ ràng được bán trên thị trường như không ghi rõ trên bao bì các thông tin. Lĩnh vực chứng nhận là rất nhạy cảm nếu quản lý, giám sát không tốt sẽ phản tác dụng, như bài học chứng nhận VietGAP trước đây", ông Mịch nói.
Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nói thêm, thông thường, hoạt động đánh giá chứng nhận các tiêu chuẩn sẽ thực hiện theo quy định của Bộ KH&CN nhưng riêng lĩnh vực chuyên môn về nông nghiệp hữu cơ thì do Bộ NN&PTNT đảm nhận. Nghị định 109/2018 về nông nghiệp hữu cơ quy định rõ Bộ NN&PTNT là cơ quan cấp phép cho tổ chức chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Khi chưa được cấp phép, mọi giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ của các tổ chức chứng nhận đều không hợp pháp.
"Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Tài chính cần có thông tư hướng dẫn mức chi phí cho mỗi hec-ta sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để làm căn cứ cho các tổ chức chứng nhận thu phí của nông dân, hợp tác xã, thay vì thả nổi như thời gian qua. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cũng cần sớm ban hành danh mục vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ để nông dân, hợp tác xã chọn lựa. Thực tế, có nhiều loại phân bón hữu cơ, vi sinh ra đời trước khi có tiêu chuẩn hữu cơ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên lập Hội đồng giám định, chỉ ra cho doanh nghiệp, nông dân sản xuất hữu cơ về các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được phép đưa vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ”, ông Mịch kiến nghị.
Ông Hà Phúc Mịch nhấn mạnh, ngoài yêu cầu minh bạch trong quy trình sản xuất từ phía doanh nghiệp, thì chính đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm tra, giám sát tại các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, từ Trung ương đến địa phương cũng cần được đào tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm.
“Nếu đội ngũ cán bộ Sở NN&PTNT các địa phương không hiểu rõ tiêu chuẩn, quy trình cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thì rất khó để quản lý giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản hữu cơ”, ông Hà Phúc Mịch nói.
Chấn chỉnh, minh bạch thị trường nông nghiệp hữu cơ
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới còn nhanh hơn nữa nhất là sau khi Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 nhằm từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Để làm được việc này, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, bên cạnh diện tích tiếp tục phải thâm canh, tăng năng suất để đảm bảo an ninh lương thực thì từng địa phương căn cứ vào diện tích đất, cũng như mặt hàng nông nghiệp chủ lực để chỉ đạo phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cần tập trung công tác đào tạo và nâng cao năng lực sản xuất, bởi hiện nay rất nhiều hợp tác xã và hộ dân triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nên phải để họ hiểu rõ nông nghiệp hữu cơ là như thế nào, tiêu chuẩn quy chuẩn ra sao.
Do đó, sau đợt này, Bộ sẽ tổ chức các đợt tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý các cấp từ cấp sở, cấp địa phương và người sản xuất về các tiêu chuẩn hữu cơ, nhất là Tiêu chuẩn TCVN 11041:2017. Song song với đó, Bộ sẽ hướng dẫn các quy trình sản xuất hướng đến nông nghiệp hữu cơ và đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Bởi lẽ, quy trình đầu tư để chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ là rất tốn kém, không phải nơi nào cũng làm được.
Một vấn đề nữa được Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề cập đó là không phải nơi nào cũng có thể sản xuất hữu cơ, nên cần quản lý chặt, để có sản phẩm hữu cơ thực sự, bao gồm cả công tác chứng nhận, nhãn mác, chất lượng các sản phẩm hữu cơ đưa ra thị trường.
“Vừa qua, chúng tôi thử đi tìm hiểu một số nơi cho thấy có những mặt hàng được dán nhãn mác nông nghiệp hữu cơ nhưng lại chưa được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Vấn đề này cần phải chấn chỉnh. Việc này cũng không chỉ riêng Bộ NN&PTNT làm được mà đòi hỏi các ngành, nhất là các cơ quan quản lý thị trường cùng tham gia phối hợp”, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trần Thanh Nam, một trong những khoảng trống hiện nay là chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn trong nước mà một số tổ chức đang thực hiện chưa bảo đảm về pháp lý. “Chúng tôi đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong đó sẽ hỗ trợ các tổ chức chứng nhận trong việc đào tạo nhân lực, thực hiện chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”, ông Nam chia sẻ.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng hướng dẫn các quy trình sản xuất hướng đến nông nghiệp hữu cơ và đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ; tiến hành hỗ trợ về cơ sở pháp lý để nâng đỡ các tổ chức chứng nhận hữu cơ nâng cao năng lực, đi vào hỗ trợ cho các mô hình trong nước. Hướng họ liên kết với các tổ chức chứng nhận của quốc tế để nâng cao vị thế, trình độ năng lực của các tổ chức chứng nhận ngang bằng với các nước trong khu vực.
Theo đại diện một số doanh nghiệp và chuyên gia, trước khi tiến đến các mục tiêu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chúng ta cần nhìn lại bài học trong ngành nông nghiệp, với VietGAP khi chưa phát triển mạnh mà đã phát sinh những chuyện lùm xùm, mất uy tín trong chứng nhận.
Ý kiến cụ thể về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, không phải những quy định để được cấp chứng nhận VietGAP thiếu tiêu chuẩn chặt chẽ, mà là quy trình thực hành để đạt chứng nhận này còn nhiều điều chưa minh bạch. Đây là nguyên nhân dẫn đến thực tế, nhiều sản phẩm đạt VietGAP, nhưng khi xuất khẩu sang các nước bị vượt ngưỡng nhiều tiêu chuẩn, trong khi nếu thực hành đúng theo các quy chuẩn VietGAP thì điều này sẽ không xảy ra.
Vị này cho rằng, trong từng mắt xích của chuỗi chưa được đơn vị sản xuất thực hiện minh bạch, dẫn đến chất lượng nông sản không đạt nhiều tiêu chí về tỷ lệ dư lượng, chất cấm… Dù có tiêu chuẩn hữu cơ, nhưng chính sự minh bạch trong các công đoạn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt mới là điều kiện tiên quyết làm nên chất lượng nông sản.
Phong LâmTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.