Phát triển thị trường carbon, tạo động lực cho nền kinh tế xanh tại Việt Nam
Hội thảo khoa học "Xây dựng, phát triển thị trường carbon – tạo động lực phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam" vừa diễn ra nhằm làm rõ vai trò của thị trường carbon trong giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh thị trường carbon là công cụ kinh tế quan trọng, nhằm giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững thông qua cơ chế mua bán hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon. Công cụ này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động môi trường mà còn thúc đẩy đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo.
Thị trường carbon toàn cầu phát triển mạnh mẽ với hai hình thức chính: thị trường giao dịch phát thải và thị trường tín chỉ carbon tự nguyện. Những thị trường này đã mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt, đồng thời đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, xây dựng thị trường carbon là một trong những cam kết quan trọng để thực hiện Thỏa thuận Paris và các mục tiêu tại COP26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nền tảng pháp lý cho thị trường carbon đã được hình thành thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong đó quy định về lộ trình xây dựng và vận hành thị trường carbon. Đặc biệt, từ năm 2025, Việt Nam dự kiến triển khai thí điểm thị trường carbon nội địa, bao gồm các hoạt động giao dịch hạn ngạch phát thải và tin chi carbon.
Từ 2025 đến nay, thị trường carbon tại Việt Nam dù đã đạt được một số tiến bộ đáng ghi nhận, vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Một trong những hạn chế chính là thiếu hạ tầng kỹ thuật và sàn giao dịch chính thức. Điều này khiến các chủ dự án gặp khó khăn trong việc liên thông với thị trường quốc tế và tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng. Hệ quả là tính thanh khoản của thị trường bị hạn chế, làm giảm sức hấp dẫn đối với cả doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Nhận thức không đồng đều về thị trường carbon cũng là một trở ngại lớn. Nhiều tổ chức và doanh nghiệp chưa hiểu rõ vai trò, lợi ích cũng như cơ hội mà thị trường này mang lại, dẫn đến sự tham gia còn hạn chế và thiếu sự chuẩn bị để tận dụng cơ chế này hiệu quả.
Để giải quyết những thách thức trên, cần có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trước hết, nâng cao nhận thức là một ưu tiên hàng đầu. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và đào tạo sẽ giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và tiềm năng của thị trường carbon. Song song với đó, việc hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật, như cơ chế tính điểm và giao dịch, cần được triển khai nhằm đảm bảo tính minh bạch và khả năng liên thông với các tiêu chuẩn quốc tế.
Một giải pháp quan trọng khác là phát triển một sàn giao dịch carbon chính thức, tạo kênh giao dịch đáng tin cậy để tăng tính thanh khoản của thị trường và mở rộng cơ hội kết nối giữa người bán và người mua.
Ngoài ra, xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích hợp lý là yếu tố thiết yếu để thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng và các doanh nghiệp, từ đó đảm bảo tính bền vững và hiệu quả kinh tế của các dự án carbon.
Với các giải pháp trên, thị trường carbon tại Việt Nam có thể vượt qua những thách thức hiện tại, trở thành một công cụ đắc lực trong giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy nền kinh tế xanh phát triển bền vững.
Nhật MaiTừ ngày 02/01/2025, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể sử dụng bản sao chứng thực điện tử để thực hiện dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử.