Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập

Đầu tư và Tiếp thị
11:25 PM 23/09/2022

Chiều 23/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập”.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành; các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước,…

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, các trường đại học

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập". Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật của thị trường nhưng có sự can thiệp và điều tiết của nhà nước khi cần thiết). Với chủ đề: "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập", Hội nghị ngày hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá tình hình, nhận diện đúng những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức, từ đó xác định phương hướng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức, vận hành tốt hơn thị trường khoa học công nghệ (KHCN).

Thông qua đó để thị trường này thực sự trở thành con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất biến KHCN thành lực lượng sản xuất chủ lực của xã hội, giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều hàng hoá, dịch vụ mới có hàm lượng khoa học cao, tạo sức cạnh tranh vượt trội của nền kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển mạnh mẽ thị trường KHCN là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Thủ tướng Chính phủ đề nghị tại hội nghị này, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường KHCN ở nước ta hiện nay đã tương xứng với vai trò, vị trí trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa? Làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường KHCN; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau ra sao? Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường KHCN còn vướng ở đâu, mắc ở chỗ nào? Văn bản nào cần bổ sung, sửa đổi, văn bản nào cần thay thế, cấp nào là cấp có thẩm quyền?

Báo cáo đề dẫn về phát triển thị trường KH&CN theo hướng đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết KH&CN đã thể hiện vai trò quan trọng, đóng góp tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm qua đạt 45%, vượt yêu cầu nghị quyết của Quốc hội đề ra là 30-35%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,88%/năm, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 là 4,24%/năm, đưa Việt Nam trở thành nước có tăng trưởng năng suất lao động cao nhất trong khối ASEAN và cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao ở châu Á. 

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, hiện đứng ở vị trí thứ 42/131 quốc gia/nền kinh tế, tăng 17 bậc so với năm 2016. Nhiều công nghệ mới, tiên tiến được tạo ra hoặc tiếp thu, làm chủ và áp dụng trong các doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia hiệu quả các chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, tỉnh, thành, tổ chức quốc tế, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đã tham luận xoay quanh các vấn đề về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, tiềm năng và thách thức; chính sách thuế, tài chính… hướng tới thúc đẩy thị trường KH&CN và giải pháp thúc đẩy phát triển hệ thống tổ chức định giá công nghệ; chính sách phát triển hạ tầng hỗ trợ thị trường KH&CN và cơ chế đấu thầu đặc thù thúc đẩy giao dịch công nghệ…

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Tại Nghệ An, được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, trong những năm gần đây, tỉnh đã tập trung huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển khoa học và công nghệ.

Tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực Nông nghiệp, Y tế, dược, công nghệ sinh học, giáo dục, công nghệ thông tin, chuyển đổi số,… Xây dựng và đưa vào hoạt động Sàn giao dịch công nghệ thiết bị, điểm kết nối cung cầu công nghệ thiết bị vùng Bắc Trung bộ do Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đầu tư và đây là điểm đầu tiên và duy nhất của vùng Bắc Trung bộ nhằm cung cấp thông tin công nghệ, thiết bị cho doanh nghiệp. Hàng năm đã tổ chức 12 phiên kết nối cung cầu về công nghệ thiết bị, với tổng giá trị các hợp đồng thỏa thuận được ký kết từ 2 đến 2,5 tỷ đồng.   

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 11 dự án đầu tư đổi mới công nghệ, với tổng số tiền hỗ trợ là 5,8 tỷ đồng. Hỗ trợ về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho 220 doanh nghiệp với tổng kinh phí là 3,5 tỷ đồng. Hỗ trợ tham gia các Chợ công nghệ thiết bị do Bộ KH&CN tổ chức với tổng kinh phí 1 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, tỉnh đã khuyến khích sáng tạo khoa học công nghệ thông qua việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và thương mại hóa các tài sản trí tuệ. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 120 văn bằng, với tổng kinh phí hỗ trợ là 1,5 tỷ đồng.

Đến nay, Nghệ An đã có 1.479 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 1.384 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, 67 văn bằng bảo hộ kiểu dáng, 19 văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích và 9 văn bằng bảo hộ sáng chế. Có 20 doanh nghiệp khoa học công nghệ; 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá hội thảo diễn ra sôi nổi, dân chủ, sâu sắc, chỉ rõ được nguyên nhân, đưa ra được một số định hướng, mục tiêu để phát triển thị trường KH&CN đúng nghĩa. Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu; đồng thời đề nghị Bộ KH&CN tiếp thu các ý kiến để tham mưu Chính phủ có văn bản chỉ đạo điều hành, phát triển thị trường KH&CN trong thời gian tới. Đồng thời lưu ý, việc phát triển thị trường KHCN không nóng vội, bình tĩnh, có bước đi phù hợp, chắc chắc, không cầu toàn; phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Lê Dung
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.