Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập
Sáng 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”.
- Nghệ An: Tạm đình chỉ các hoạt động khai thác khoáng sản tại xã Châu Hồng
- Nghệ An: Chốt phương án mở rộng địa giới và không gian thành phố Vinh ra phía biển
- Nghệ An - Thanh Hóa - Hà Tĩnh: Trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển
- Nghệ An: Kiểm tra, giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- Nghệ An: Triển khai công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới
Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, LĐ-TB&XH, VHTT&DL, GD&ĐT, Công an, Ngân hàng Nhà nước..., Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại diện một số tổ chức, chuyên gia quốc tế.
Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí Tỉnh ủy viên: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Theo Bộ LĐTB&XH, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Theo đó, khuôn khổ thể chế, chính sách ngày càng hoàn thiện; quy mô và chất lượng cung lao động tăng lên; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực; thu nhập, tiền lương của người lao động được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.
Cụ thể, quy mô lực lượng lao động ngày càng tăng, nguồn cung được đảm bảo với trên 51,6 triệu người. Chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng qua từng năm, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng tỉ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Vấn đề giải quyết việc làm được đẩy mạnh, góp phần duy trì tỉ lệ lao động thất nghiệp chung của cả nước luôn dao động trong khoảng 2,2-2,3%. Trong giai đoạn 2011-2019, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 1,5-1,6 triệu lượt người, tỉ lệ lao động thất nghiệp thường xuyên duy trì ở mức dưới 3%. Các năm 2020-2021, tỉ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% (tăng 0,54%), thị trường lao động đã tiếp tục phục hồi nhanh chóng trong 8 tháng đầu năm 2022.
Trong 2 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và số 116/NQ-CP, từ năm 2021 đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 728.500 lượt người sử dụng lao động và trên 49,7 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Hiện nay, cả nước đang triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với tổng kinh phí 6.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước những "cú sốc" như đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những bất cập như: Áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động (phần lớn là lao động tự do, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật); tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển; sự thiếu hụt các kỹ năng của người lao động để duy trì việc làm hoặc chuyển đổi nghề, thích ứng với tình hình sau đại dịch; thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động, nhu cầu kỹ năng tương lai.
Tại hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế đã "hiến kế" phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định lao động là một trong bốn thị trường hết sức quan trọng với nền kinh tế đất nước. Thị trường lao động đang phát triển tốt. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, hoàn thiện chưa thể đòi hỏi tất cả các vấn đề được giải quyết ngay mà những mâu thuẫn phát sinh chính là thúc đẩy sự phát triển. Quan trọng nhất, hàng năm, mức tăng trưởng được duy trì, thu nhập của người dân đều tăng lên.
Phân tích chỉ rõ những bất cập, hạn chế liên quan đến người lao động và thị trường lao động Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần được giải đáp bằng các giải pháp hết sức thiết thực.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH. Thủ tướng Chính phủ lưu ý trước hết cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động. Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và lưới an sinh xã hội...
Hướng thị trường theo tiêu chí hiện đại với hệ thống quản trị sao để mỗi người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện cho tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tiếp cận thông tin về thị trường lao động việc làm; để doanh nghiệp dễ tiếp cận cung lao động, nâng cao chất lượng lao động, cơ sở đào tạo có chiến lược, kế hoạch đào tạo, cung ứng kịp thời và sát với nhu cầu thực tiễn.
Cùng với đó chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm cho chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, việc làm cho đối tượng yếu thế.
Cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém; đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước, hình thành cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường trong và ngoài nước.
Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm trình văn bản về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nhân lực.
Thái QuảngTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.